Tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam

Bây giờ, những người yêu điện ảnh và cả những người làm điện ảnh đều nhận ra rằng, trong dòng chảy của thị trường, phim truyện Việt Nam dường như ngày càng thiếu vắng những tác phẩm đậm tính dân tộc. Thời kỳ vàng son của những bộ phim để đời đã qua rồi?


Phim hay là phim có tính dân tộc cao


Không phải ngẫu nhiên mà cho đến bây giờ, dù cho dòng chảy gấp gáp của cuộc sống, sự tràn lan của phim ngoại, người yêu điện ảnh vẫn nhắc đến quá khứ vàng son của những bộ phim Việt Nam những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Những bộ phim như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười, Nổi gió, Con chim vành khuyên… đã hoàn thành sứ mệnh của nó khi đem lại cho công chúng những thước phim thực sự nghiêm túc, có chất lượng và nghệ thuật cao. Những bộ phim ấy cũng làm nên tên tuổi của những đạo diễn. Nhưng trên hết, khi nhìn lại một thời kỳ, một giai đoạn của điện ảnh, người ta nhận ra, đã có những thời điểm phim Việt có được chỗ đứng vững trãi trong lòng khán giả.


Phim “Bao giờ cho đến tháng Mười “ (đạo diễn Đặng Nhật Minh) được nhiều thế hệ khán giả Việt Nam yêu thích.


Những bộ phim này cũng được đánh giá là có tính dân tộc cao dù cho những nhà làm phim khi thực hiện không khi nào đặt ra cho phim của mình phải có tính này hay tính khác. Và thực tế, sẽ thật khiên cưỡng khi cho rằng, tính dân tộc là “một thuộc tính” mà người làm phim phải đạt tới. Bởi các đạo diễn, nhà biên kịch, nhà sản xuất khi làm phim chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để phim hay nhất, chuyển tải đến khán giả câu chuyện với diễn xuất tốt nhất. Nhưng có một điều đáng nói là, khi cố gắng thể hiện một câu chuyện nào đó cho tốt nhất, hay nhất, các nhà làm phim bằng cách này hay cách khác đã “vô tình” thể hiện được “tính dân tộc” trong những bộ phim của mình.


“Thế giới khi xem Cánh đồng hoang sẽ nhận ra đó là Việt Nam bởi đặc trưng của cánh đồng lúa nước với những cánh rừng và sông lạch ngang dọc. Họ cũng nhận ra đó là Việt Nam bởi những bộ trang phục màu gụ màu nâu, quần ta, áo bà ba giản dị, đặc biệt là chiếc khăn rằn vắt vai, quấn cổ hoặc đội đầu. Chiếc khăn rằn đó là đặc trưng riêng biệt của đồng bào Nam Bộ”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát nói.


Tương tự như thế, cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, xem phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” người ta nhận ra, câu chuyện mà đạo diễn Đặng Nhật Minh ngoài đặc điểm chung mà những nhà làm phim trên toàn thế giới vẫn làm, đấy là phản ánh sự hy sinh thầm lặng vô bờ bến của người ở hậu phương đối với những người con, người chồng, người cha không trở về sau chiến tranh; thì nét riêng biệt của bộ phim là ở chỗ Đặng Nhật Minh đã để cho nhân vật Duyên chịu đựng nỗi đau một mình khi biết tin chồng hy sinh mà không nỡ nói cho bố chồng biết bởi cụ đang ốm. Việc Duyên nhờ thầy giáo làng viết thư giả làm con trai gửi về an ủi, động viên bố đã nói lên tất cả ý nghĩa của bộ phim.


Nhưng có một điều dễ nhận ra, những bộ phim để đời, được nhắc đến nhiều và được coi là thể hiện được tính dân tộc lại rơi vào hầu hết những bộ phim về đề tài lịch sử, chẳng hạn phản ánh về cuộc kháng chiến của dân tộc, những vấn đề phía sau chiến tranh hoặc những bộ phim phản ánh đời sống của dân tộc nhưng gắn với một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc những bộ phim phản ánh các vấn đề của người dân tộc (như Chuyện của Pao). Điều này cũng có nghĩa, với những đề tài như trên, việc thể hiện tính dân tộc sẽ rất rõ nét. Vậy với những đề tài hiện đại, thời của máy tính, kỹ thuật số, thời của những luồng văn hóa ngoại nhập (cả tích cực và tiêu cực) đang tràn vào nước ta, thời mà giới tính thứ ba được nói đến và thể hiện công khai,… thì tính dân tộc thể hiện trong phim thế nào?


Phim thể hiện “tính dân tộc” và phải mang cả “tính quốc tế”


Theo đạo diễn, NSƯT Đỗ Minh Tuấn: “Tính dân tộc trong phim trước hết thể hiện ở tâm trạng Việt, cốt cách Việt, ứng xử Việt - mẫu số chung khá ổn định về văn hóa và tâm thức bộc lộ cả qua những hình thức tân thời. Phải xây dựng được con người Việt Nam muôn thưở, dù cho anh là đại gia hay nghèo khó, dù trong hoàn cảnh xã hội nào thì vẫn phải là con người ấy, cốt cách ấy qua những biểu hiện cao cả hay lố bịch. Chẳng hạn như trong phim Vua bãi rác của tôi, những người dưới đáy quần tụ với nhau trong bãi rác nhưng luôn sống vị tha, đùm bọc cho nhau và không nguôi khát vọng vươn lên. Đại ca Trọng còn mơ cưới vợ bằng trực thăng như tỷ phú đón dâu trên bãi rác. Người bới rác của các xã hội khác không bao giờ có ước mơ như thế! Hay anh xẩm mù được đại ca Trọng giao làm trình diễn và sắp đặt, với logic tình thương của mình, anh ta cũng tạo ra được một bãi rác lung linh như Paris đêm Giáng Sinh. Cái logic tình thương ấy, cái kiêu hãnh ấy là cốt cách Việt, ở cả hai khía cạnh trữ tình và hài hước”.


Nhưng theo đạo diễn, NSƯT Đỗ Minh Tuấn, cách thể hiện của phim Việt Nam phải thay đổi, một mặt vẫn thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh truyền thống với những cỡ cảnh và tiết tấu gắn trực tiếp với tâm thế văn hóa Việt Nam, mặt khác phải đổi mới ngôn ngữ điện ảnh như Hàn Quốc họ đã thể hiện tính dân tộc của họ qua ngôn ngữ điện ảnh giàu tính hiện đại. Hiện nay tâm lý khán giả trẻ không thích những phim giàu tính dân tộc theo cách cũ. Vậy không thể chỉ kêu gọi các nghệ sỹ sáng tác theo kiểu cũ, càng không thể đo tính dân tộc bằng doanh thu của bộ phim mà phải tìm cho tính dân tộc một biểu hiện mới, một sinh khí mới, mặt khác phải đào tạo, giáo dục cả nghệ sỹ và khán giả.


Còn theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, thực ra, tính dân tộc tự thân nó đã có trong bản thân người nghệ sỹ (người nghệ sĩ trước hết mang trong mình dòng máu dân tộc nào đó). Mỗi câu chuyện được kể trong phim cũng vậy, câu chuyện xảy ra ở vùng đất nào, có bối cảnh và những nhân vật thuộc quốc gia, dân tộc nào đó. Vì vậy nếu tác giả phản ánh chân thực (chứ không cố tình bịa đặt, thêm thắt những yếu tố ngoại lai vào) chắc chắn phim có tính dân tộc. Người làm phim tài năng hơn sẽ khai thác sâu sắc, tinh tế hơn vào những chi tiết, ứng xử, cảnh sắc... làm cho mầu sắc của dân tộc mà các nhân vật đang sống nổi bật, gây được ấn tượng sâu sắc với người xem thì tác phẩm của họ sẽ chân thực, sâu sắc, đậm đà bản sắc dân tộc hơn.


Hiện nay khi phân tích hoặc bàn về một vấn đề nào đó chúng ta thường hay tách bạch ra thành các tính này tính khác như: tính giai cấp, tính đảng, tính dân tộc, tính hiện đại, tính quốc tế… nhưng thực ra trong một tác phẩm thành công, tất cả những "tính" ấy đã hòa trộn vào nhau rồi. Nhiều nhà nghiên cứu còn lập ra danh sách khá dài "những đặc tính của dân tộc Việt" nhưng khi nhìn vào đấy ta thấy các dân tộc, quốc gia khác cũng có những đặc tính như vậy (ví dụ lòng yêu nước, tính cộng đồng, quan hệ gia đình, tình bạn, tình yêu,...). Vậy là không phải chúng ta đi tìm những đặc tính của riêng dân tộc mình mà tìm những cách riêng để thể hiện những đặc tính ấy với hoàn cảnh sống, lao động, hình thái xã hội, trình độ dân trí, thói quen... mỗi cộng đồng dân tộc sẽ thể hiện những đặc tính của dân tộc sự khác biệt, độc đáo, hấp dẫn đối với người của các dân tộc khác.


Tuy nhiên, chỉ chăm chăm vào việc phản ánh đặc điểm dân tộc, hoặc những vấn đề của đất nước mình mà không quan tâm đến "tính quốc tế" (nghĩa là phản ánh những vấn đề của riêng mình nhưng người nước ngoài có thể hiểu được).” Tôi nhớ một lần được mời tham dự hội thảo về phim Truyền hình tại Nhật Bản, ban tổ chức yêu cầu tôi gửi phim sang. Tôi gửi một tập trong phim Ma làng khi ấy vừa làm xong nhưng ngay sau đấy nhận được thư trả lời rằng: Phim ông chúng tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi nghĩ lại, ừ nhỉ, làm sao người ở nước ngoài hiểu được những khái niệm như "bao cấp", "đổi mới cơ chế", "chi bộ", " khoán 10",... Sau đó tôi đành phải lấy một phim rất cũ “Em còn nhớ hay em đã quên” (làm từ năm 1992 gửi đi và có phản hồi tốt hơn”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể.


Hay một ví dụ khác, chẳng hạn phim Chị Dậu (đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa), các nhà làm phim bàn mãi xem có nên để nhân vật nhuộm răng đen không, bởi thời bấy giờ mọi người đều để răng đen và răng đen là đặc tính rất dân tộc của Việt Nam trong một thời kỳ. Thế nhưng ai cũng chắc chắn rằng nếu để răng đen khi chiếu lên lớp khán giả trẻ trong nước và người nước ngoài sẽ không sao hiểu nổi vấn đề này. Vì thế, sau khi bàn đi bàn lại, phim còn phải mang tính quốc tế, chiếu cho lớp trẻ nữa nên cuối cùng quyết định là không để như thế. Bộ phim truyền hình “Trò đời” đang phát trên VTV cũng vậy, cô Đũi, nhiều nhân vật thời đó từ quê ra thành phố làm thì cũng phải để răng đen chứ, nhưng cũng phải bỏ đi vì những đặc tính đó mang tính cá biệt, chỉ có một thời và đã hết rồi.


Như thế mới thấy là tính quốc tế, tính nhân loại cũng rất cần quan tâm trong văn học nghệ thuật. Trong mối giao lưu văn hóa với thế giới ta phải có những sản phẩm vừa thể hiện tính dân tộc vừa mang tính nhân loại. Vì vậy, thể hiện tính dân tộc người làm phim cũng phải biết rằng, cái gì phát triển và đã thay đổi và cái gì có thể thể hiện được vấn đề chung của quốc tế, của nhân loại, chứ không phải chỉ nói đến cái riêng của mình.



Hoàng Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN