Ngày trước, điệu múa náp đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu ở các lễ hội cầu ngư, ma chay ở vùng biển. Sau gần 100 năm thất truyền, múa náp đã được người dân vùng biển ở thôn Tân Mỹ (xã Quảng Ngạn, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) phục hồi nguyên bản với những nét đặc trưng truyền thống.
Điệu múa náp đang hồi sinh. |
Vào đời vua Gia Long (1802-1820), trong một lần du thuyền ngược về khu vực cửa biển Thuận An, nhà vua thấy trên bờ biển có một đám đông đang tụ tập nhảy múa, động tác uốn lượn rất lạ mắt. Thấy lạ, vua dừng thuyền đến xem và được biết đó là điệu múa náp của ngư dân Quảng Ngạn. Thấy điệu múa hay, vua khuyên dân làng nên duy trì điệu múa này. Từ đó, người dân Quảng Ngạn giữ gìn điệu múa này, gia đình nào có việc hiếu hỷ, đội múa này sẽ đến chia sẻ buồn vui cùng gia quyến.
Gần một thế kỷ qua, điệu múa náp đã bị thất truyền, do những người tuổi cao, sức yếu, không truyền lại cho con cháu. Nhận thấy điệu múa náp có nguy cơ biến mất hẳn, từ năm 1994, các ông Phan Đăng Khoa, Trần Đình, Trần Đa và ông Lê Minh - Trưởng thôn Tân Mỹ đã thu thập, biên soạn để phục dựng các điệu múa náp đúng với nguyên bản.
Các ông Trần Đa, Trần Đình thu thập tài liệu về múa náp từ các bản dịch chữ Hán – Nôm, được cất giữ tại các họ tộc. Riêng ông Phan Đăng Khoa vừa thủ vai ông cai, vừa làm “ông bầu” của 2 đội múa náp thanh niên và thiếu niên. Ông Khoa tổ chức đội múa náp có 20 người, chia làm 5 nhóm. Họ mặc trang phục màu đỏ, vàng, xanh nước biển, xanh lá cây… và đạo cụ là đèn, gậy.
Mỗi lần trình diễn điệu múa náp diễn ra khoảng 30 phút, gồm các tiết mục múa là Tam xà, Tứ trụ, Vô búp sen, Sen nở... Đội múa đa số là các em thiếu nhi, là những hạt nhân gìn giữ điệu múa náp trong tương lai của làng.
Đến nay, múa náp ở Tân Mỹ không những được sống lại sau gần một thế kỷ vắng bóng, mà còn được đưa vào khai thác trong dự án “Du lịch cộng đồng” của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội và tour du lịch khám phá “Tam Giang huyền thoại”.
ĐOÀN VŨ