Hầu hết các nhà quản lý văn hóa cũng như giới nghệ thuật đều đánh giá Nghị định mới có nhiều quy định cởi mở hơn, tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ mở rộng, tìm tòi, sáng tạo, từ đó thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển
Nhiều điểm mới
Ngày 14/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP (Nghị định 144) về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021, thay thế Nghị định số 79 ngày 5/10/2012 và Nghị số 15 ngày 15/3/2016 trước đó.
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP gồm 5 chương, 31 điều kế thừa, hoàn thiện các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 15/2016 NĐ-CP, cắt giảm một số quy định không cần thiết, đơn giản hoá nhiều thủ tục hành chính. Nghị định 144 còn bổ sung một số nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước với hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thanh Sơn cho biết, so với các văn bản trước đây, Nghị định 144/2020/NĐ-CP đã có “6 cắt, 4 thêm, 8 điều chỉnh” so trước đó.
Trong số 6 nội dung được cắt giảm, việc xoá bỏ 6/10 giấy phép liên quan đến hoạt động biểu diễn nhận được nhiều ý kiến quan tâm và hoan nghênh. Cụ thể, Nghị định 144 đã cắt giảm quy định về việc cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam; giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu; giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình.
Bốn quy định được Nghị định giữ lại là việc cấp văn bản chấp thuận việc tổ chức các loại hình: Biểu diễn nghệ thuật; cuộc thi, liên hoan; cuộc thi người đẹp, người mẫu; văn bản xác nhận dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài.
Ngoài ra, một số quy định khác được cắt giảm trong Nghị định 144 gồm: Cắt thẩm quyền của Cục Nghệ thuật biểu diễn (với quy định mới này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương hiện chỉ còn Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ở địa phương là UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc UBND cấp tỉnh); cắt giảm quy định cấm theo hướng khung tại điều 3, không quy định quá chi tiết (từ 4 nhóm điều cấm với 9 nội dung chi tiết tại Điều 6 NĐ 79 giờ chỉ còn 4 nhóm điều cấm); cắt quy định về hiệu lực thời gian của giấy phép (trước đây hiệu lực thời gian của giấy phép từ 6-12 tháng); cắt quy định về số lượng các cuộc thi người đẹp trong nước (trước cấp Trung ương không quá 2 lần/năm, cấp vùng không quá 3 lần/năm, cấp tỉnh không quá 1 lần/năm); cắt quy định về phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.
Trong khi đó, có 4 nội dung được bổ sung thêm gồm: Các quy định quản lý nghệ thuật biểu diễn trên môi trường mạng; quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật (trước đây chỉ quy định trách nhiệm); hình thức tiếp nhận hồ sơ qua trực tuyến; quy định dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật (Điều 17).
8 nội dung được điều chỉnh trong Nghị định lần này gồm: Quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia gắn trực tiếp với nội dung biểu diễn nghệ thuật, còn các trách nhiệm khác đã có các pháp luật có liên quan điều chỉnh (từ Điều 4 - Điều 7); quy định về phân loại hoạt động biểu diễn nghệ thuật, từ đối tượng thực hiện sang tính chất phục vụ (nội bộ, không nội bộ, không trực tiếp); hình thức văn bản từ cấp giấy phép sang cấp văn bản chấp thuận, văn bản xác nhận từ mọi thay đổi so với giấy phép phải cấp phép lại, nay chỉ thay đổi nội dung mới chấp thuận lại, còn các thay đổi khác về thời gian, địa điểm chỉ cần gửi thông báo, tiếp đó là điều chỉnh cơ quan tiếp nhận thông báo từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hoá - Thể thao sang UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện; điều chỉnh gắn với chính quyền địa phương trong việc gửi thông báo khi thay đổi, các đơn vị hoạt động nghệ thuật biểu diễn không chỉ gửi cho cơ quan đã chấp thuận, còn gửi cho chính quyền địa phương; điều chỉnh quy định chặt chẽ hơn việc thu hồi danh hiệu, giai thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên hoan (Điều 18); điều chỉnh quy định về thi người đẹp, người mẫu, từ quy định chi tiết tên gọi, số lượng cuộc thi, điều kiện với thí sinh tham dự cuộc thi trong nước, nay chỉ quy định điều kiện với cá nhân ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu (Điều 19); biện pháp quản lý đối với bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc thay vì cấp phép phê duyệt nội dung nay nộp lưu chiểu
Một số quy định cấm cũng đã được cắt giảm như: Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái); chương trình nghệ thuật biểu diễn tổ chức tại địa phương nào thì địa phương đó thực hiện thủ tục chấp thuận tổ chức…
Thúc đẩy sáng sự sáng tạo
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nghị định mới được xây dựng trên cơ sở điều chỉnh và bổ sung thêm từ Nghị định cũ, nhằm loại bỏ những vướng mắc trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chưa được giải quyết thoả đáng. Vì vậy, sau khi ra đời, Nghị định 144 đã có những hiệu quả nhất định. Việc triển khai Nghị định đến các bộ, ban, ngành địa phương, góp phần phổ biến và đưa Nghị định mới đến các đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng như các tổ chức cá nhân liên quan đến lĩnh vực này.
Với cương vị là lãnh đạo của một đoàn nghệ thuật Trung ương trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, Nghị định mới này giản tiện nhiều về các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận tiện hơn cho các đơn vị hoạt động biểu diễn trong khâu xin cấp phép, duyệt nội dung… Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý nghệ thuật sẽ giúp địa phương nâng cao trách nhiệm trong khâu quản lý ở địa phương. Chương trình biểu diễn ở địa phương nào, địa phương đó có trách nhiệm quản lý nội dung nghệ thuật và giám sát, theo dõi chặt chẽ hơn…
Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng rất quan tâm và tâm đắc với quy định về quản lý nghệ thuật biểu diễn trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mạng. “Hiện nay môi trường mạng đang bùng phát nhiều hoạt động biểu diễn, ai cũng có thể sản xuất và đưa nghệ thuật biểu diễn lên mạng, nên rất dễ xảy ra sai phạm nếu không quản lý tốt. Việc đưa quy định quản lý nghệ thuật biểu diễn trên môi trường mạng vào Nghị định góp phần giám sát tốt và thắt chặt quản lý nghệ thuật biểu diễn ở khía cạnh này”, Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng nói.
Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly cho rằng, các quy định trong nghị định mới, đặc biệt là việc bỏ thủ tục cấp phép và tăng hậu kiểm, sẽ tạo điều kiện cho nghệ sỹ mở rộng biên độ sáng tạo. Bởi, có nhiều hình thức biểu diễn nghệ thuật mới lạ, độc đáo, giá trị, thậm chí đến thời điểm này chưa xuất hiện, nhưng là xu hướng của tương lai và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới, cần được giới thiệu để công chúng thẩm định. Đồng thời, việc tạo điều kiện cho nghệ sỹ mở rộng sáng tạo chính là nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển.
Ở góc độ là đơn vị tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Giám đốc Công ty cổ phần Giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Đông Đô (Đông Đô Show) Nguyễn Thị Hoài Oanh cho rằng, Nghị định sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động tổ chức nghệ thuật biểu diễn, bằng cách bỏ thủ tục cấp giấy phép cho người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài biểu diễn ở Việt Nam (chỉ cần có giấy chấp thuận biểu diễn của địa phương trong từng chương trình cụ thể), đồng thời tạo sự bình đẳng cho nghệ sỹ trong và ngoài nước… Theo bà Nguyễn Thị Hoài Oanh, việc đưa các chương trình nghệ thuật về các địa phương biểu diễn sẽ thúc đẩy sự phát triển rộng khắp của nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, các địa phương cần chú trọng đến việc xây dựng và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, thẩm định…
Đến nay, những quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Việc cần làm hiện nay của ngành văn hóa cùng các địa phương, các đơn vị nghệ thuật là tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung của nghị định, đặc biệt là những điểm mới, các quy định có sự điều chỉnh, bổ sung và những điều kiện, giấy phép đã được cắt bỏ so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây liên quan đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn đến mọi đối tượng cần quan tâm.
Theo Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn, Cục sẽ theo sát, hướng dẫn, tư vấn cho các địa phương, tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật biểu diễn để thực thi tốt Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, nhằm đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.