Phim lịch sử của Việt Nam còn quá ít, yếu, chưa tương xứng với bề dày lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Đó là nhận định của hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo về "Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam" do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức ngày 6/11 tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của các đạo diễn, nhà biên kịch, nhà văn đã từng tham gia sản xuất phim đề tài lịch sử. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho hay: Điện ảnh Việt Nam mới bắt tay vào làm phim lịch sử từ những năm 80 của thế kỷ XX với những phim như "Đêm hội Long Trì", "Kiếp phù du", "Tráng sỹ Bồ Đề", "Thăng Long đệ nhất kiếm"...
Gần đây, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, điện ảnh nước nhà có thêm một số phim lịch sử ở cả thể loại phim truyện và phim truyền hình như "Khát vọng Thăng Long", "Huyền sử Thiên đô", "Lý Công Uẩn", "Tây Sơn hào kiệt", "Long thành cầm giả ca"... Ngoài ra còn có một số bộ phim về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh như "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" và "Vượt qua bến Thượng Hải", phim về Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Thực tế hoạt động nhiều năm qua cho thấy, phim đề tài lịch sử nước ta luôn tiến bước trong trạng thái ngập ngừng. Dù quyết tâm không nhỏ vẫn chưa thể thoát khỏi quy mô sản xuất nhỏ lẻ vì nhiều lý do trong khi đó kỳ vọng của các nhà làm phim, khán giả về phim đề tài lịch sử luôn cao.
Lý giải về nguyên nhân khiến phim lịch sử Việt Nam còn thiếu và yếu, các đại biểu tham dự hội thảo đưa ra nhiều lý do thuyết phục. Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan đưa ra 4 lý do, đầu tiên là do sự lưu trữ di sản vật thể ở nước ta chưa được cẩn thận và toàn vẹn như các nước bạn Trung Quốc, Hàn Quốc. Do ít có chất liệu lịch sử bằng hiện vật nên rất khó cho các nhà làm phim khi viết kịch bản, quay phim, dàn dựng bối cảnh, hóa trang.
Thiếu trường quay cũng là một nguyên nhân mà Cục trưởng Ngô Phương Lan đề cập tới. Do không có trường quay nên các nhà làm phim gặp khó khăn trong việc xây dựng bối cảnh gắn với di tích lịch sử, khó phục chế những di tích có sẵn sao cho phù hợp với thời điểm lịch sử của phim. Việc quay phim đề tài lịch sử hiện nay thường phải dựa vào những di tích lịch sử có sẵn.
Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho làm phim điện ảnh còn hạn chế, Nhà nước thường đầu tư dưới 10 tỷ đồng/phim; tư nhân đầu tư khoảng vài chục tỷ đã là mức "đỉnh" để làm phim lịch sử.
Một cảnh trong phim "Đêm hội Long Trì". Ảnh: Internet. |
Tài năng, sáng tạo của nhà làm phim cũng được đề cập đến tại hội thảo. Nhà làm phim lịch sử không thể chỉ dừng lại ở mức làm phim cho có mà phải làm bằng chính cái tâm với lịch sử dân tộc, phim phải thể hiện được tinh thần lịch sử, hồn cốt của dân tộc chứ không đơn thuần là chép lại lịch sử, cũng không thể "vay mượn" hình hài lịch sử của dân tộc khác để chuyển tải lịch sử dân tộc mình. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhất trí cho rằng: Lịch sử dân tộc là chất liệu gốc, nền tảng để các nghệ sỹ sáng tạo, hư cấu, làm đẹp thêm cho các nhân vật lịch sử trong phim. Nhân vật lịch sử thường là hình tượng anh hùng nhưng cũng cần gần gũi đời thường để tăng sức thuyết phục với công chúng...
Tại hội thảo, các nhà làm phim cũng chia sẻ nhiều khó khăn khi làm phim lịch sử ở Việt Nam thời gian qua và dự án làm phim lịch sử mới về các nhân vật lịch sử: Phật hoàng Trần Nhân Tông, Mạc Đăng Dung...
Thanh Giang