Ngày 8/10, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc văn hóa lịch sử hồ Hoàn Kiếm - Tạo dựng thương hiệu đô thị của Thủ đô Hà Nội" nhằm nhìn nhận lại những vấn đề tồn tại và đề xuất những định hướng, giải pháp phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật khu vực hồ Hoàn Kiếm. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc sư.Khu vực hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) là nơi tập trung nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật truyền thống với không gian mặt nước, cây xanh; đặc biệt là truyền thuyết gắn liền với lịch sử giữ nước, dựng nước của dân tộc. Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là nhiệm vụ quan trọng của quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội khi nơi này được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt. Thực tế cho thấy, khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng là khu vực có nhiều thách thức với công tác quy hoạch, đặc biệt là với kiến trúc công trình.
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Quân, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Khu vực hồ Hoàn Kiếm cần được nhận diện một cách đầy đủ và đúng với giá trị hệ thống di sản. Bước tiếp theo là cần xác định chức năng cơ bản của khu vực hồ Hoàn Kiếm trên cơ sở vai trò của di sản này với tổng thể quy hoạch đô thị Hà Nội. Khu vực này cần một thiết chế quản lý quy hoạch, kế hoạch thực hiện và bảo tồn di sản một cách chặt chẽ và cụ thể có sự tham gia, giám sát của nhiều ngành và sự tham gia của cộng đồng.
Cầu Thê Húc. Ảnh Trọng Đạt-TTXVN |
Về phát huy giá trị không gian kiến trúc, văn hóa lịch sử hồ Hoàn Kiếm, rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư đưa ra quan điểm nhằm tạo dựng hồ Hoàn Kiếm trở thành thương hiệu đô thị của Thủ đô Hà Nội. Theo quan điểm chung, cảnh quan kiến trúc Hồ Gươm cần được trân trọng giữ gìn như báu vật của đô thị, từ những hàng cây xanh cổ thụ cho đến các kiến trúc mang dấu ấn lịch sử như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút- Đài Nghiên, đền Bà Kiệu… Các kiến trúc công cộng, trụ sở công quyền và nhà phố khu vực xung quanh phải được chỉnh trang theo một thiết kế đô thị được giới kiến trúc nghiên cứu cẩn trọng, khoa học, nghệ thuật, mang tính nhân văn có sự tham vấn cần thiết của các nhà văn hóa, lịch sử, bảo tồn di tích. Các kiến trúc cảnh quan và văn hóa lịch sử đặc sắc của Hồ Gươm cần được tôn trọng.
Dưới con mắt của nhà nghiên cứu văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam ủng hộ việc trả lại không gian yên tĩnh mang tính tâm linh cho khu di tích lịch sử và đô thị. Theo đó, cần kiến tạo chuỗi không gian mở liên hoàn, tạo hình ảnh mới, mang tính đột phá cho di sản; đồng thời giải tỏa áp lực giao thông quanh hồ bằng cách tạo các tuyến phố đi bộ hoặc xe điện. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài cũng cho rằng, bảo tồn gắn với phát triển du lịch bền vững là định hướng cần tính đến.
Pháo hoa đêm Giao thừa tỏa sáng mặt hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: TTXVN |
Việc bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc văn hóa lịch sử hồ Hoàn Kiếm không thể không tính đến vai trò của nhà quản lý và cộng đồng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, để thực hiện việc đảm bảo sự tham gia của cộng đồng trong việc củng cố phát triển các giá trị cốt lõi của hồ Hoàn Kiếm cần xác định rõ đối tượng cộng đồng tham gia. Cộng đồng cần được tham gia ngay từ khâu xây dựng thương hiệu đô thị, đề xuất chính sách phát triển khu vực. Đồng thời cần xây dựng các tổ chức cộng đồng, nhóm cộng đồng nòng cốt để tham gia ngay từ khâu khởi xướng, xác định vấn đề, lập chiến lược phát triển cho khu vực bao gồm phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế, bảo vệ môi trường…
Các ý kiến tham gia hội thảo sẽ giúp quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội trong việc định hướng quản lý, thực hiện các đề án, các dự án chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận cho xứng tầm Di tích cấp quốc gia đặc biệt - Một biểu tượng thiêng liêng, gắn bó với Thăng Long – Hà Nội từ ngàn năm nay.
Đinh Thị Thuận