Nobel 2021: Kỳ vọng một giải Văn học 'toàn cầu hơn và bình đẳng giới hơn'

Sau gần 10 năm các tác giả phương Tây thống trị giải Nobel Văn học, giới quan sát đang chờ đợi hội đồng giám khảo giải thưởng danh giá này sẽ thay đổi "hướng nhìn" trong năm nay, nhằm thực hiện những lời cam kết về sự dạng của họ.

Chú thích ảnh
Ông Hakan Bravinger. Ảnh: boktugg.se

Một vụ bê bối liên quan làn sóng #MeToo (lạm dụng tình dục) khiến giải thưởng năm 2018 bị hoãn lại. Sự kiện này cũng thổi bùng lên dư luận về việc ưu tiên các ứng cử viên là nam giới và có xu hướng "châu Âu hóa" danh sách chủ nhân giải thưởng này. Để xoa dịu dư luận, Viện Hàn lâm Thụy Điển - cơ quan phụ trách giải thưởng giải Nobel Văn học - đã đưa ra nhiều tiêu chí mới, đồng thời cam kết sẽ mang tới một giải Văn học toàn cầu hơn và bình đẳng giới hơn.

Kể từ tuyên bố này, hai nữ tác gia đã được tôn vinh tại Nobel Văn học, đó là tiểu thuyết gia người Ba Lan Olga Tokarczuk (đoạt giải năm 2018) và nhà thơ Mỹ Louise Gluck (năm 2020). 

Mặc dù vậy, lời cam kết về việc "mở rộng địa lý" đối với chủ nhân giải Nobel Văn học cho đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa. Lần gần nhất chủ nhân giải Nobel Văn học không phải một tác giả người châu Âu hay Mỹ là năm 2012, khi nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn (Mo Yan) được trao giải này. 

Ủy ban Nobel gồm 5 thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển, được bầu lại 3 năm/lần, chịu trách nhiệm thu thập và thảo luận về các đề cử trước khi gửi danh sách rút gọn gồm 5 cái tên để gửi tới 13 thành viên khác của viện hàn lâm này. Sau khi cân nhắc, toàn bộ 18 thành viên của Viện hàn lâm Thụy Điển sẽ bỏ phiếu vào đầu tháng 10 để quyết định về người chiến thắng.

Trong suốt 50 năm qua, các đề cử và sự cân nhắc về các ứng cử viên luôn được Viện hàn lâm Thụy Điển giữ bí mật cho đến phút chót. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được giới phê bình văn học suy đoán về hàng chục ứng cử viên khác nhau.

Ông Hakan Bravinger - Giám đốc phụ trách Văn học thuộc nhà xuất bản Norstedts của Thụy Điển cho rằng ứng cử viên sáng giá nhất năm nay là nhà văn Margaret Atwood (người Canada). 

Trong khi đó, nhật báo hàng đầu của Thụy Điển - tờ Dagens Nyheter cũng có bài viết với tiêu đề: "Đã đến lúc giải Nobel Văn học bừng tỉnh hay chưa?". Nhà phê bình Jonas Thente của báo này nhận định: "Tôi tin rằng họ thực sự muốn phát hiện một thiên tài từ một khu vực bị bỏ quên". Ông dự đoán hội đồng giám khảo có thể sẽ lựa chọn nhà văn Peter Nadas của Hungary. Về quan điểm cá nhân, ông cho rằng nữ văn sĩ Chimamanda Ngozi Adichie (Nigeria) là cái tên sáng nhất trong danh sách ứng cử viên, với cuốn tiểu thuyết "về những trải nghiệm đa văn hóa" ngay cả khi cô mới ở tuổi 44 - "độ tuổi có lẽ còn quá trẻ để đoạt giải Nobel Văn học".

Người đoạt giải Nobel Văn học trẻ tuổi nhất cho đến nay là Rudyard Kipling - người được vinh danh vào năm 1907, ở tuổi 41.

Bà Maria Hymna Ramnehill, một nhà phê bình của nhật báo Goteborgs-Posten, lại mong muốn một nhà viết kịch sẽ đoạt giải năm nay, chẳng hạn như Jon Fosse của Na Uy. 

Những người đã nhiều lần lỗi hẹn với giải Nobel Văn học như nhà thơ Adonis (người Syria) hay Haruki Murakami (Nhật Bản) cũng được kỳ vọng sẽ may mắn hơn trong năm nay.

Các nhà phê bình cũng đã chỉ ra rằng có rất nhiều ứng cử viên tiềm năng không phải là người phương Tây. Trong số này, có thể kể tới nhà văn Ngugi wa Thiong'o (Kenya); Nuruddin Farah (người Somalia); Mia Couto (người Mozambique); Vikram Seth (Ấn Độ) hay Tàn Tuyết (Trung Quốc)...

Các nước lớn phương Tây đều đã từng được xướng tên tại lễ trao giải Nobel Văn học, trong đó đăng quang nhiều nhất là nước Pháp, với 15 lần có tác giả đoạt giải. Hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc, mỗi nước đều đang có 1 chủ nhân của giải Nobel Văn học.

Trong số những cái tên có khả năng được trao giải, còn có nhà văn Jamaica Kincaid (người Mỹ gốc Caribe) và Maryse Conde của Guadeloupe. Nếu một trong hai người giành chiến thắng, đây sẽ là lần đầu tiên một phụ nữ da màu được vinh danh kể từ sau khi nhà văn Toni Morrison (người Mỹ) được vinh danh vào năm 1993.

Ngoài ra, các tác giả như Anne Carson (Canada); Joyce Carol Oates và Joan Didion (Mỹ), Ludmila Ulitskaya (Nga), Scholastique Mukasonga (người Pháp gốc Rwanda) và tiểu thuyết gia người Pháp Annie Ernaux cũng đang được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng trở thành chủ nhân nữ thứ 17 của giải thưởng đã có 117 người chiến thắng kể từ năm 1901 đến nay.

Thanh Phương (TTXVN)
Giải Nobel Văn học 2020 thuộc về nhà thơ người Mỹ Louise Gluck
Giải Nobel Văn học 2020 thuộc về nhà thơ người Mỹ Louise Gluck

Chiều 8/10 (theo giờ Hà Nội), Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố quyết định trao Giải Nobel Văn học năm 2020 cho nhà thơ người Mỹ Louise Gluck.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN