1.Sáng 12/11, trong khán phòng nhỏ trên gác hai của ngôi nhà nghệ sĩ 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), các văn nghệ sĩ đã đến dự lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2013). Trong buổi lễ ấy, có sự hiện diện của phu nhân cố nhạc sĩ Văn Cao - bà Nghiêm Thúy Băng - và con trai Văn Thao.
Nhạc sĩ Văn Cao - người nghệ sĩ đa tài. |
Điều đặc biệt của buổi lễ kỷ niệm là cả ba “hội” gồm Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình này. Điều này không phải ngẫu nhiên mà bởi Văn Cao thuộc vào nghệ sĩ hiếm hoi của làng văn học nghệ thuật khi trong một con người hội tụ đủ nét tài hoa của cả thơ-nhạc-họa. Người nghệ sĩ ấy đã cháy hết mình cho nghệ thuật và luôn tỏa sáng cho dù ông đã về cõi thiên thai gần hai mươi năm.
Cũng trong buổi sáng ấy, những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao đã được các ca sĩ tên tuổi thể hiện. Nghe những ca từ da diết, sâu lắng, phiêu bồng trong Suối mơ, Đàn chim Việt, Thiên Thai, hay những lời ca thiết tha trong Ca ngợi Hồ Chủ tịch và hùng tráng như Trường ca Sông Lô, nhiều người khe khẽ hát theo. Buổi sáng tiết trời se lạnh vì thế như ấm lên, chỉ có lòng người lắng lại, tưởng nhớ người nhạc sĩ tài danh.
2.Nhạc sĩ Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài, nhiều người biết đến ông là nhạc sĩ ngay từ bài hát đầu tiên Buồn tàn thu với âm hưởng ca trù. Bài hát này Văn Cao sáng tác khi mới 16 tuổi, khi nghe tin nhà văn Vũ Trọng Phụng mất.
Tài năng của ông được nhắc đến nhiều hơn khi những tháng năm sau đó liên tiếp ra đời những nhạc phẩm có giá trị với âm hưởng trữ tình lãng mạn và hùng tráng hào sảng trưởng thành qua thực tiễn cách mạng. Và cũng “với hai mạch nguồn cảm xúc ấy, Văn Cao đã kết hợp để cho ra đời tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của mình, đó là Trường ca Sông Lô - một thể loại mới trong âm nhạc Việt Nam (thể loại trường ca - hùng ca) mà trước đó chưa hề xuất hiện”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam phân tích.
Vì thế cùng với Du kích Sông Thao của Đỗ Nhuận, Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương, Bộ đội về làng của Lê Yên (thơ Hoàng Trung Thông), các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao đã vượt lên những hình thức âm nhạc thông thường, ghi vào biên niên sử âm thanh những tác phẩm in đậm dấu ấn sáng tạo, được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian. Đặc biệt Tiến quân ca, tác phẩm mang được chọn làm quốc ca, đã đưa tên tuổi Văn Cao trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của nền âm nhạc nước nhà.
3.Văn Cao không chỉ nổi danh trong làng âm nhạc, ông còn được giới hội họa nhắc tới với sự kính nể bởi tài vẽ tranh của mình. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định rằng, thế hệ của ông và cả những họa sĩ sau này đánh giá cao những tác phẩm của Văn Cao, dù cho đến bây giờ tranh của Văn Cao còn tản mạn, chưa tập hợp được.
Từng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Văn Cao là họa sĩ có những tác phẩm đầu tiên với phong cách lập thể tham gia triển lãm mỹ thuật Duy Nhất năm 1943 với những tác phẩm Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm, Cuộc khiêu vũ,… Kháng chiến chống Pháp nổ ra, lúc này Văn Cao đã nổi tiếng trong âm nhạc, hội họa ít được ông quan tâm hơn nhưng một số tác phẩm của ông vẫn được nhắc đến như Cây đàn đỏ (sơn dầu, 1949), Lớn lên trong kháng chiến (sơn dầu, 1952),… Hòa bình lập lại, Văn Cao vẽ minh họa nhiều trên các báo văn nghệ với chữ ký “VĂN”, làm bìa sách, vẽ nhiều tranh sơn dầu có giá trị nghệ thuật mà trong đó có thể kể đến như Chân dung bà Băng, chân dung nhà văn Đặng Thai Mai, Cô gái và đàn dương cầm, và đặc biệt là bức Dân công miền núi (sơn dầu).
Cũng theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Văn Cao là thế hệ đầu xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại và nền mỹ thuật cách mạng. Văn Cao không chỉ là hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam mà còn là hội viên lâu năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
4. Nhưng sẽ còn thiếu nếu nói đến Văn Cao mà không nhắc đến thơ của ông. Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, trừ mấy bài đầu viết năm 1941 có chịu ảnh hưởng của cảm xúc thơ mới, sau đó Văn Cao có một cách đi riêng so với các nhà thơ đồng hành khi tạo được một giọng thơ khác lạ, gọn và sắc. Chất liệu thơ ông như gạch xếp lên nhau mà thành công trình, không cần vôi vữa. Thơ Văn cao rất tạo hình. Bài thơ dài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc viết năm 1945 và trường ca Những người trên cửa biển năm 1956 ghi nhận hai mốc thành tựu trên một hướng tìm mới của Văn Cao. Cũng theo nhà thơ Vũ Quần Phương, “Thơ Văn Cao gần như những lời độc thoại. Tác giả nói về đời mình với chính mình. Nói với mình nên chẳng cần dài, chỉ cần ấn tượng”. Và Văn Cao đã tạo được ấn tượng trong lòng người đọc qua việc tạo ấn tượng cho từng câu thơ, dù cho điều này không hề dễ.
Như thế, dù là âm nhạc, hội họa hay thơ, Văn Cao cũng tạo nên nét riêng biệt và vì thế mà đặc biệt. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là Văn Cao đã trở thành một nghệ sĩ trong lòng nhân dân, nhất là một Văn Cao-nhạc sĩ.
P.X