Tháng năm, khi miền Bắc trải qua những ngày nắng nóng đến ngột ngạt thì nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh - cựu phóng viên TTXVN Minh Lộc (ảnh) có dịp từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Năm nay ông đã ở vào tuổi 78, cái tuổi khó có thể thực hiện những chuyến đi xa trong nhiều ngày, nhất là với người cao huyết áp khi khí hậu khắc nghiệt. Nhưng chuyến đi này với ông rất nhiều ý nghĩa. Quay lại Hà Nội cũng đồng nghĩa với việc ông quay lại mái nhà Thông tấn xã Việt Nam, nơi ông từng công tác từ lúc chập chững vào nghề cho tới khi quay lại sống trong Sài Gòn sau khi miền Nam đã giải phóng. Quay lại Hà Nội, cũng để từ đây, ông trở lại Vàng Danh (Quảng Ninh), một trong những mỏ than mà ông từng tác nghiệp trong suốt những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Giám đốc thứ 15 của Mỏ than Vàng Danh, bây giờ là Công ty CP Than Vàng Danh, Nguyễn Văn Trịnh, khi gặp đã ôm lấy ông, nước mắt rưng rưng: - Hồi chú về đây công tác cháu mới có hai tuổi, thế mà giờ…
Vùng than ấy, những mỏ than nơi ông từng tác nghiệp, đến bây giờ không còn mấy người quen. Một thế hệ mới đã và đang tiếp tục công việc của những người mà ông từng gặp gỡ, làm việc. Trở lại Vàng Danh còn ý nghĩa hơn nữa khi ông tổ chức triển lãm “Vàng Danh - những ký ức vàng” nhân kỷ niệm 50 ra đời Mỏ than Vàng Danh (6/6/1964 - 6/6/2014). Đây cũng là triển lãm cá nhân lần thứ 60 trong cuộc đời cầm máy của ông. Thật là một con số đáng nể với một nghệ sĩ nhiếp ảnh - phóng viên chiến trường như Minh Lộc.
Duyên nghiệp đời ngườiMáy bay Mỹ ném bom Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai năm 1970. Ảnh: Minh Lộc |
Cho đến bây giờ, phóng viên ảnh Minh Lộc vẫn phải thừa nhận, chính những năm tháng sống ở vùng mỏ, tác nghiệp trên vùng “vàng đen” của Tổ quốc, được sống với những người công nhân, chứng kiến họ làm việc, trải qua những ngày tháng bom đạn cày xới ở vùng mỏ; là những tháng năm thử thách con người, cho ông vốn sống, kinh nghiệm, được lăn lộn với nghề, từ đó mà ông trưởng thành, gặt hái nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Nhiếp ảnh đến với ông là duyên và cũng là nghiệp. Quê Minh Lộc ở Đồng Tháp, khi ông 8 tuổi gia đình chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Mẹ ông là một trong những cán bộ của phái đoàn Hiệp thương Sài Gòn, khi có dịp gặp Bác Hồ, Bác nói: - Cho các cháu đi lao động thực tế. Vậy là 18 tuổi, cùng với nhiều học sinh miền Nam, Minh Lộc theo tàu bí mật ra Bắc đi thanh niên xung phong. Ông tham gia làm đường tàu tuyến Hà Nội - Lào Cai, làm xong tuyến đường này thì chuyển sang Nhà máy chè Phú Thọ, rồi Nhà máy Gỗ dán Hà Nội.
“Sau khi đi thanh niên xung phong, những học sinh miền Nam về gặp Bác Hồ. Bác nói: Các cháu đã hoàn thành thời gian lao động thực tế. Nay về, các cháu sẽ tiếp tục đi học theo nguyện vọng của các cháu. Lúc đó tụi tôi ở Sài Gòn ra hầu như đã học gần hết cấp 3 rồi. Thế là tôi đi học Thanh nhạc ở trường Quốc gia âm nhạc”, ông kể. Khi học được hai năm, ông nhận ra mình khó có thể đi theo con đường ca hát, nhất là hát opera, nên quyết định đi học nhiếp ảnh, chọn báo chí là con đường mình theo đuổi.
Năm 1960, Minh Lộc là một trong những người học lớp phóng viên ảnh đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức. Học xong, ông được phân công đi Tây Bắc một năm, ở trong khu tự trị Thái Mèo. Sau đó về phân xã Hà Nội, đến giữa năm 1962, khi Bộ Điện Than xin một phóng viên biệt phái đi viết về mỏ than, chứ không phải phóng viên thường trú thì Minh Lộc đã đến với vùng mỏ.
Từ đấy, những cái tên Đèo Nai, Hà Tu, Cọc Sáu, Cửa Ông (những mỏ lộ thiên) và những hầm lò Mông Dương, Mạo Khê, Vàng Danh trở thành quen thuộc trong hành trình của ông. Hàng ngàn khoảnh khắc về cuộc sống lao động của những người công nhân mỏ đã đi vào ống kính của phóng viên Minh Lộc.
“Tôi đã đến vùng đất ấy, cả những mỏ lộ thiên và hầm lò, cả những mỏ còn sơ khai nhất. Ban đầu cũng sợ lắm, nhất là khi vào hầm lò, có khi còn ngại nữa. Nhưng làm riết rồi quen, công nhân làm được tôi cũng làm được. Trong số những mỏ đã đến, thì có lẽ Đèo Nai, mỏ đầu tiên tôi đến cũng là mỏ tôi ở lâu nhất”, ông kể.
Tráng phim ngay trong hầm lòKhi đi vào mỏ, ông được trang bị giống hệt những người công nhân. Cũng mũ lò gắn đèn pin đội trên đầu, mặc áo công nhân, đi ủng. Cứ đến giờ là leo lên xe giống như bao công nhân khác, máy ảnh cho vào trong người. Trừ những người xung quanh chỗ ông ở thì biết, còn ở những mỏ khác thì chẳng ai biết ông là nhà báo cả.
Ngày 17/6/2014, nghệ sĩ Nhiếp ảnh Minh Lộc trao tặng ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ chí Minh tác phẩm nghệ thuật “Đêm trăng Lăng Bác” do ông chụp năm 2000. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Khi vào hầm lò rất nguy hiểm, thường 5 giờ sáng đã phải có mặt trong đường lò cùng công nhân, đến chiều tối mới ra. “Mỗi mỏ có lối đi vào khác nhau. Mỏ Mạo Khê người ta gọi là giếng nghiêng; ở Vàng Danh, Mông Dương gọi là giếng đứng-khi xuống đi theo chiều thẳng đứng”, ông kể.
Những năm đầu, khi vào hầm lò, người công nhân không đứng được mà phải đi còng lưng hoặc là gập người, hoặc là ngửa người chui qua. “Có những đường lò gấp khúc hình “cũi lợn”, tôi để máy ảnh dưới bụng rồi đẩy mông lết chân chui qua đường hầm. Qua khúc quanh ấy khi đụng tới vách than thì mới đứng lên được. Công nhân mỏ cũng vào theo cách đó, khi chuyển than ra cũng vậy, rất vất vả”, ông Minh Lộc nhớ lại.
Ngày trước chụp phim đen trắng. Trong hầm lò chụp xong là phải tráng phim ngay. “Nhỡ đâu đi về rồi mà phim hỏng hoặc ảnh không ưng ý phải chui vô trong lò nữa thì chết. Tráng phim ngay tại đây nếu chưa đạt thì chụp lại ngay”, ông cười nói.
Chỉ cần vài ba chậu nước, một khoảng đất phẳng trong khoảng tối là có thể tráng phim được. Trong hầm lò, ngoài ánh sáng từ đèn pin trên mũ công nhân và ánh sáng nơi gương than ra thì đâu đâu cũng đen một màu than, màu của bóng đêm, không cần phải chuẩn bị buồng tối làm gì. Phơi phim cũng rất nhanh khô vì trong lò không khí rất hanh.
Không giống như mỏ lộ thiên, công nhân có thể tranh thủ ngồi nói chuyện, làm việc trong hầm lò hầu như không nghỉ ngơi. Họ làm việc rất căng thẳng, không có thì giờ mà tán chuyện, “lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu với thiên nhiên trong hầm lò”. Vì thế, những người công nhân với khuôn mặt đen nhẻm bụi than trở thành nhân vật đầy ấn tượng trong khuôn hình của ông.
“Sợ nhất là lúc ở phía trên khai thác xong rồi, người ta tháo những thanh sắt chống lò, dùng xích sắt kéo tời ra. Khi cả bệ đỡ rút ra rồi, toàn bộ phía trên sập đè gây chấn động giếng than mình đang khai thác phía dưới. Những lúc ấy, dù đang làm gì đi nữa, khi công nhân bảo chuẩn bị rút tời đấy, thế là chạy”, ông kể tiếp.
Rời vùng than về Hà NộiTrong cuộc đời cầm máy của mình, phóng viên ảnh Minh Lộc đã có 10 năm tác nghiệp ở vùng than. Ông cũng có mặt để ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình khởi công, đến với thủy điện Yaly, Trị An, đường dây 500 kW. Ông cũng có mặt tại Sài Gòn ngày 30/4/1975 và chụp những bức ảnh khi quân giải phóng tiếp quản tòa thị chính. Khi về hưu, ông còn lập kỷ lục là người Việt Nam chụp sếu đầu đỏ nhiều nhất với 25 năm cầm máy trên chính mảnh đất quê hương Đồng Tháp. |
Nhưng vùng than từ ngày ông xuống tác nghiệp cũng chỉ yên ả được ba năm. Từ lúc Mỹ ném bom miền Bắc (5/8/1965), những trận oanh tạc nhiều năm sau đó phá hoại nhiều nơi, các mỏ than liên tiếp bị bắn phá.
“Khi Mỹ ném bom Nhà máy điện Uông Bí, lúc đó tôi đang tác nghiệp ở gần đấy. Một khung cảnh khủng khiếp đã diễn ra ngay trước mắt. Nhà máy đổ nát, cả khu vực quanh đó không còn gì cả, không có lấy một bóng người. Tôi đã chụp lại tất cả những cảnh ấy. Có cái chụp nguội, có cái chụp khi vừa ném bom xong vẫn còn bốc lửa”, ông nói.
Những trận đánh diễn ra liên tiếp, cho đến ngày 19/5/1972 thì Mỹ đã hủy diệt toàn bộ các khu mỏ ở Quảng Ninh. Thị xã Hòn Gai chỉ còn là một đống đổ nát. Những bức ảnh của ông phản ánh sự tàn khốc của vùng than lúc đó. Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam cũng mất liên lạc nhiều ngày với cơ quan thường trú ở đây và cho người lái xe ô tô đi tìm. Vợ ông ở nhà đã khóc rất nhiều vì nghĩ rằng đã có chuyện xấu xảy ra với chồng mình.
Trong thời gian ác liệt này, ông trú ẩn trong một hang động của núi Bài Thơ, chung với đơn vị bưu điện. Thế rồi, trong lúc khi đang đi ngoài đường thì xe cơ quan nhìn thấy và đưa ông quay trở về Hà Nội. Để rồi ngay sau đó, ông lại tiếp tục biệt phái vào Vĩnh Linh, qua Đông Hà, mấy tháng sau mới trở lại Hà Nội, kịp có mặt ngày 18/12/1972 chụp những bức ảnh trong suốt 12 ngày đêm B52 bắn phá Hà Nội.
Xuân Phong