Đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đã tới dâng hương tưởng niệm Lê Đại Hành Hoàng đế, tưởng nhớ công lao, những đóng góp của ông trong lịch sử dân tộc.
Lễ tưởng niệm 1017 năm ngày mất của Lê Đại Hành Hoàng đế diễn ra với các nghi lễ truyền thống như rước kiệu từ lăng Quốc Mẫu, lăng Hoàng Khảo, lăng Lê Đột về sân rồng đền thờ Lê Hoàn, sau đó là phần đại biểu dâng hương, đọc chúc văn tế lễ.
Phần hội bắt đầu với màn trống hội mang chủ đề "Hào khí xứ Thanh, tinh hoa hội tụ" và chương trình nghệ thuật sân khấu hóa "Lê Hoàn một vị tướng – Một vị vua, văn võ kiêm toàn".
Lễ tưởng niệm 1017 năm ngày mất của Lê Đại Hành Hoàng đế và Lễ hội Lê Hoàn là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện mở cửa du lịch của tỉnh Thanh Hoá, qua đó nhằm củng cố tư liệu, tài liệu phục vụ quá trình lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận các sinh hoạt văn hóa và Lễ hội Lê Hoàn là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lê Đại Hành Hoàng đế (tên húy là Lê Hoàn) sinh năm 941 tại làng Trung Lập thuộc Ái Châu (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Năm 16 tuổi, ông tham gia vào đội quân cứu nước của anh hùng Đinh Bộ Lĩnh và trở thành một tướng tài, dẹp loạn 12 sứ quân. Năm 979, sau biến cố cung đình (Đỗ Thích đầu độc Vua Đinh Tiên Hoàng cùng con trai Đinh Liễn), Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi, Lê Hoàn được triều đình cử làm nhiếp chính. Ông đã dốc hết sức để giữ vững triều chính nhưng quyền uy có hạn, nội bộ triều đình đã hình thành sự ngấm ngầm chia rẽ.
Khi giặc Tống sang xâm lược, Lê Hoàn được quân sỹ ủng hộ, được Thái hậu Dương Vân Nga trao long bào, chính thức lên ngôi năm 980, lúc ông vừa tròn 40 tuổi, đánh dấu sự ra đời của Vương triều Tiền Lê hiển hách trong lịch sử dân tộc.
Lê Đại Hành Hoàng đế là người đã có công lớn trong lịch sử dựng nước, giữ nước. Ông là người kế tục công cuộc dựng nước còn dang dở của Đinh Tiên Hoàng, xây dựng chính quyền nước Đại Cồ Việt vững mạnh ở thế kỷ X. Trong suốt 24 năm trị vì của ông, đất nước luôn bình yên, cuộc sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc bởi nhiều cải cách được coi là những tiến bộ vượt bậc so với các triều đại phong kiến trước đây. Ghi ơn những công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập Đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân quê hương ông.
Trong khuôn khổ lễ hội, từ ngày 6-8/4, UBND huyện Thọ Xuân tổ chức không gian trình diễn các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống như Trò Xuân Phả, múa Pồn Pôông, cồng chiêng, đánh mảng, nhảy sạp, bài điểm cũng như tổ chức hội trại binh, giới thiệu sản vật, đặc sản của địa phương…