Nước ta có truyền thống nông nghiệp rất lâu đời. Các lễ hội, đình đám, cúng tế đa phần xuất xứ từ văn minh, văn hóa nông nghiệp. Trong số đó một lễ hội rất quan trọng mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, xã hội diễn ra vào những ngày đầu xuân, có nơi vào đầu mùa mưa (Nam Bộ). Đó là lễ Tịch điền (còn gọi là Hạ điền) cúng Thần Nông.
Theo tích cũ, lễ Tịch điền (còn gọi là Hạ điền) có nguồn gốc từ rất xa xưa do vua Thần Nông, một vị vua huyền thoại thời Tam Hoàng của nước Trung Hoa cổ (2852 - 2205 TCN).
Những đường cày đầu tiên trong Lễ hội Tịch điền tổ chức tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.Thanh Tùng-TTXVN |
Lễ Tịch điền mang ý nghĩa tế Thành hoàng, Thần Nông, các thần mây, mưa, sấm, chớp để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên còn được gọi là Hạ điền cầu bông. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: “Lễ kỳ yên có thể tổ chức vào mùa xuân giữa tháng Hai hoặc tháng Ba với ý nghĩa “xuân kỳ”, có nghĩa là vào đầu năm tế lễ khẩn cầu cho quốc thái dân an, làng xóm thịnh vượng. Cũng có thể tổ chức vào mùa thu với ý nghĩa “thu báo”, nghĩa là thu hoạch xong tế lễ để báo đáp công ơn. Hoặc có khi tổ chức vào cuối năm, mang ý nghĩa tế chưng, “tế lạp” (chạp miễu)…” .
Ngày hội quốc gia
Nghi lễ Tịch điền được tổ chức như một ngày hội quốc gia. Nhà vua ra khỏi cung bằng một cỗ xe trên có chở một chiếc cày. Theo sau là bá quan văn võ. Đoàn nghi lễ đi thẳng tới sở Tịch điền. Tại đây, nhà vua đích thân xuống ruộng cày năm luống, rồi trao cày lại cho các quan. Các Công khanh đại phu cày bảy luống. Sĩ phu cày chín luống. Hoa màu thu hoạch được ở thửa ruộng này sẽ sung công dùng vào việc cúng tế. Càng về sau, lễ Tịch điền được tổ chức rườm rà hơn, có thêm lễ tam sinh, có phường nhạc cử những bài ca về đồng áng, có lễ đài cao 9 thước sơn xanh, trên đài có nhà Tế. Ở các địa phương, người đứng đầu chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã cũng phải tổ chức lễ Tịch điền. Tùy theo quan điểm ứng xử của từng triều đại, việc cử hành lễ Tịch điền có lúc long trọng, lúc đơn giản và ở mỗi địa phương cũng có những tục lệ riêng.
Ở nước ta, lễ Tịch điền được tổ chức lần đầu tiên vào năm Thiên Phúc thứ 8 (987) đời Tiền Lê. Xuân năm đó, vua Lê Đại Hành ra cày ruộng Tịch điền ở Đọi Sơn. Theo truyền thuyết, thì bắt gặp được một chum vàng, năm sau vua cày ruộng ở Bàn Hải cũng bắt được một chum bạc. Vì thế, những thửa ruộng này gọi là Kim ngân điền.
Luống cày mở thửa như để đánh thức đất đai, khai xuân động thổ, khởi đầu mùa màng, mang lúa gạo đến cho con người để nhà nhà ấm no, hạnh phúc. |
Đến thời Lý, năm Thông Thụy thứ 5 (1038), vua Thái Tông tự cầm cày để cày ruộng ở Bố Hải. Vua làm lễ tế Thần Nông cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt.
Đời Hậu Lê năm Hồng Đức thứ 15 (1484), hàng năm, vào đầu Xuân, vua và các quan ra cúng tế Thần Nông và làm lễ Tịch điền. Nhà vua đích thân cầm cày để cày ruộng.
Đến triều Nguyễn, đời Minh Mạng, lễ Tịch điền được tổ chức rất long trọng. Nhiệm vụ tổ chức lễ được giao cho bộ Lễ. Nơi cử hành lễ là sở Tịch điền đặt tại phường Yên Trạch, Ở đây, đã có sẵn một cái đài cao để nhà vua ngự xem cày gọi là quan canh. Lễ Tịch điền được cử hành vào mùa hạ tháng thứ hai. Trước lễ một ngày, quan đầu tỉnh Thừa Thiên phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ: một cày, một bừa, một thúng thóc giống. Cày, bừa, thóc giống được rước trên long đỉnh. Lễ vật được gồm có: ngọc trắng, lụa trắng, trâu, dê, lợn, rượu, xôi, hoa quả và hương nến. Trong lễ Tịch điền có đủ mặt các quan đại thần cùng với hoàng thân quốc thích.
Các đời vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều tổ chức lễ Tịch điền.
Chính sách khuyến nông độc đáo
Năm 2012 , lễ hội xuống đồng Đọi Sơn diễn ra vào sáng ngày mồng 7 Tết tại cánh đồng Đọi Sơn, xã Đọi Tam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến tham dự và cày mở luống đầu tiên. Luống cày mở thửa như để đánh thức đất đai, khai xuân động thổ, khởi đầu mùa màng, mang lúa gạo đến cho con người để nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Lễ xuống đồng (Hạ điền) ở Đọi Sơn năm 2012 mang nghi thức quốc gia, bởi chính tại nơi đây năm vào năm 987 đời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành đã đích thân ra cày ruộng Tịch điền ở Đọi Sơn, mở đầu cho mỹ tục khuyến nông tốt đẹp này cho đến ngày nay.
Có nhiều con trâu tham gia lễ hội được các “họa sĩ” vẽ, sơn phết thành cọp vằn, cọp trắng, trâu trắng, trâu vàng và các hoa văn, họa tiết khác với các sắc màu sặc sỡ. Mở đầu là đám rước sắc thần với cờ xí rờm rợp do các nam nữ thanh niên trong làng diễu hành qua con đường từ đình thành hoàng đến ruộng. Kế đến là phẩm vật tế lễ gồm gạo, nếp, trái cây, đầu heo, gà luộc…do các bà, các cô đội mâm dâng cúng. Kiệu rước sắc đi giữa, sau là giàn trống nhạc bát âm huyên náo. Khách thập phương và quần chúng, nhân dân háo hức theo sau. Người người, ai nấy nét mặt đầy hân hoan phấn khởi.
Sau khi các vị lãnh đạo, các bô lão của ban chủ tế thắp hương khấn vái, trống ngũ liên đánh liên hồi, dồn dập như thúc giục, báo hiệu giờ khai hội, một con trâu được tra ách cày và sẵn sàng. Vị lãnh đạo cao nhất cầm cán cày và giục trâu đi. Trâu kéo cày, những luống đất mới au, tươi rói mở ra, các cô gái vận trang phục thôn nữ cầm làn theo sau gieo mạ. Chương trình văn nghệ đặc sắc với các tiết mục ca múa, nhạc diễn ra ngay trên cánh đồng Đọi Sơn làm cho không khí càng thêm sinh động, hấp dẫn. Lễ hội bắt đầu và mùa màng năm mới cũng bắt đầu với nhiều mong đợi tốt lành.
Lễ Tịch điền đầu xuân ở Trung ương ngày xưa mang nghi thức quốc gia. Ở Nam Bộ, lễ Tịch điền có quy mô địa phương nhưng không kém phần trang nghiêm long trọng: Bàn thờ Thần Nông thường đặt ở góc hoặc trước sân đình, trên một bệ đất rộng, có ghi hàng chữ “Nền Xã Tắc”, cũng có nhiều nơi người ta xây miếu thờ, trên cửa miếu thường có ghi hai chữ “Thần Nông” bằng Hán tự. Ở một vài địa phương người ta cúng Thần Nông trên những nền đất cao ráo trong sân đình. Khi cúng, trải đệm chiếu ra, đặt phẩm vật cúng tế lên đó rồi làm lễ.
Các món cúng tế lễ Thần Nông thường là heo, dê giết thịt xong để sống nguyên con. Bên cạnh đó, là đĩa đồ lòng, lông, huyết, và một con dao nhỏ - ý nghĩa là để thần dùng dao xẻ thịt. Thủ heo đặt hướng vào miếu. Ngoài các phẩm vật trên thì cúng Thần Nông còn có hương đăng hoa trà quả, đặc biệt là xôi, cháo, gạo muối không thể thiếu.
Một vài hình thức cúng bái có tính ước lệ tượng trưng như: đặt một thúng lúa lên bệ thờ, một cái cộ bằng giấy hoặc bẹ chuối bên cạnh thúng lúa, ý xin thần ban cho mùa màng bội thu (cộ lúa đem về nhà). Trên bệ thờ còn có một chum nước nhỏ và một cái gáo có cán để đong, múc, ý nghĩa gợi nhớ về buổi hồng hoang, thủa đất trời còn hoang dã, sơ khai. Bốn góc miếu Thần Nông, nền Xã Tắc được cắm bốn cây đèn cầy sáp, biểu tượng cho nhật nguyệt âm dương (ngày của thế gian và đêm của âm phủ).
Sau phần “lễ” là phần “hội” được đông đảo bà con, khách tham quan hưởng ứng tích cực vui vẻ.
Ở thành phố Cần Thơ, hàng năm vào tối rằm tháng Tư Âm lịch, tại đình Bình Thủy (Long Tuyền cổ miếu) có lễ hội dân gian cúng đình rất long trọng. Trong đó có phần cúng tế Thần Nông và lễ Tịch điền với mong muốn trời đất mưa thuận gió hòa, dân chúng an cư lạc nghiệp. Ngày nay, còn khá nhiều địa phương nông thôn nước ta vẫn còn duy trì lễ hội Hạ điền cúng Thần Nông hàng năm. Ngày hội xuống đồng thời đổi mới là bóng dáng còn lại của lễ Tịch điền ngày xưa. lễ Tịch điền cúng Thần Nông còn mang tính nhân văn, thể hiện chính sách khuyến nông độc đáo, đề cao lao động sản xuất nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của quần chúng, nhân dân nông thôn mang nhân tố tích cực, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngọc Xoàn