Không ngại dấn thân vào “nẻo khó”

Là nhà văn trẻ, nhưng Phùng Văn Khai lại dám dấn thân vào “nẻo khó” của văn chương, đó là viết tiểu thuyết lịch sử. Và một trong những lý do khiến anh quyết tâm “vượt khó”, là bởi anh nhận thấy rằng, những tác phẩm văn học xứng tầm với lịch sử, tôn vinh các anh hùng dân tộc chưa nhiều, trong khi lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông ta vô cùng vĩ đại.


Kể chuyện Phùng Vương đánh giặc

Nhà văn Phùng Văn Khai vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết lịch sử “Phùng Vương”. Tiểu thuyết có độ dày 638 trang, mô tả khái quát cuộc khởi nghĩa kéo dài 20 năm của cha con Phùng Hạp Khanh - Phùng Hưng để chống lại ách đô hộ nhà Đường. Tác giả bắt đầu câu chuyện từ giai đoạn rối ren, khủng hoảng của nhà Đường cùng với âm mưu thôn tính, biến nước ta thành châu quận của chúng. Sau đó là những năm tháng lặng lẽ “nuôi” chí lớn của cha con Phùng Hạp Khanh - Phùng Hưng, cùng với sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là các hào trưởng, tù trưởng. Có người lãnh đạo đúng đắn, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng tạo được vị thế, khi chiếm cứ cả Đường Lâm, Phong Châu (Phú Thọ), Hoan Châu, Diễn Châu (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay)…, tạo thành thế hợp vây Tống Bình (Hà Nội ngày nay), làm nên những chiến thắng vang dội của Phùng Hưng và quân dân Việt. Lần đầu tiên sau 1.000 năm Bắc thuộc, chúng ta đã giành được quyền thành lập nhà nước tự chủ. 

Một nhà văn trẻ, viết tiểu thuyết lịch sử, kể những câu chuyện về cuộc khởi nghĩa cách nay đến trên một nghìn năm là điều không dễ. Hơn nữa, tác giả lại chọn lối viết theo kiểu chương hồi, một thể loại cũ. Nhưng Phùng Văn Khai đã thành công. Tác phẩm dẫn dắt, hấp dẫn người đọc với cách kể chuyện gọn gàng. Ngôn từ gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu, lối viết chương hồi rõ ràng, mạch lạc, phân chia theo diễn biến câu chuyện, giúp độc giả dễ hình dung về thời gian, không gian và bối cảnh diễn ra các sự kiện. Sự chuyển tiếp giữa các hồi được thực hiện một cách khéo léo, như: “Lại nói về những biến cố của nhà Đường”, “Lại nói tiếp chuyện ở châu Đường Lâm”, “Đây nói tiếp chuyện cha con Trương Thuận, Trương Bá Nghi ở Tống Bình”,… Sau mỗi sự kiện, tác giả cũng thể hiện quan điểm, đánh giá, luận giải bản chất của vấn đề, giúp độc giả có thể nắm bắt rõ hơn.

Nhà văn Phùng Văn Khai cho biết, tiểu thuyết lịch sử “Phùng Vương” được anh đặt bút viết trong vòng 5 năm. Khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải khi viết tác phẩm này là nguồn tư liệu về cuộc khởi nghĩa này vô cùng ít ỏi. Một cuộc khởi nghĩa kéo dài 20 năm, mà chính sử chỉ có vài dòng, dã sử không nhiều, lại có nhiều chỗ mâu thuẫn… May mắn là anh được dòng họ Phùng giao cho việc tìm tất cả các nguồn tư liệu về họ Phùng, từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng có nữ tướng quân Phùng Thị Chính, rồi đến Phùng Hạp Khanh (cha của Phùng Hưng) theo Mai Thúc Loan khởi nghĩa... Trong quá trình tìm kiếm tư liệu, dòng họ Phùng đã tổ chức 3 cuộc hội thảo lớn, mời các nhà sử học, các nhà nghiên cứu đến đóng góp ý kiến. Từ những cuộc hội thảo này, anh đã tiếp cận được nhiều nguồn tư liệu hay, cùng với nguồn tư liệu anh trực tiếp tìm hiểu trong dân gian, đặc biệt là những câu chuyện quanh các đền thờ Phùng Hưng ở nhiều địa phương trên cả nước.

Bằng những tư liệu dày công tìm kiếm, nghiên cứu, bằng trí tưởng tượng phong phú, Phùng Văn Khai đã phục dựng lại cuộc kháng chiến hơn 20 năm của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của hai cha con Phùng Hạp Khanh - Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh, nhân sĩ khắp nơi trên cả nước, đánh đổ ách thống trị nhà Đường, lập nên nhà nước quân chủ, mở ra một thời kỳ độc lập dân tộc, ghi dấu một trang sử vàng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Tiểu thuyết “Phùng Vương” đã giúp người đọc hiểu thêm nhiều bình diện về lịch sử của nước ta cũng như lịch sử nhà Đường thời bấy giờ.

Làm “sống” lại những câu chuyện lịch sử

Có không ít người băn khoăn, tại sao một nhà văn trẻ như Phùng Văn Khai lại dám dấn thân vào viết tiểu thuyết lịch sử, một địa hạt được coi là khó của nghề viết, đặc biệt là khi viết về một giai đoạn cách đây hơn nghìn năm, với nguồn tư liệu vô cùng ít ỏi. Câu trả lời của anh thật đơn giản: “Bởi vì tôi chưa hài lòng với những tác phẩm còn khá sơ sài về lịch sử cha ông. Chúng ta có lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã có nhiều chiến thắng vang dội, nhưng sử sách về những câu chuyện này quá ít. Trong khi nhiều người, nhất là giới trẻ của chúng ta đang có nguy cơ hiểu nhiều điều sai lệch về lịch sử, khi môn học lịch sử trong trường chưa hấp dẫn học sinh và đặc biệt là khi phim về sử Tàu tràn lan trên truyền hình. Nếu chúng ta không nhanh chóng có những tác phẩm văn học, điện ảnh chất lượng để tuyên truyền về lịch sử nước ta, thì e rằng, không lâu nữa, sử Việt Nam sẽ dần bị lấn át, phai mờ, càng ngày sẽ càng có ít người hiểu biết về lịch sử của nước ta… và như vậy, văn hóa Việt sẽ không tránh khỏi sự nghèo nàn, đơn điệu”.

Nhà văn Phùng Văn Khai sinh năm 1973, quê ở thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Anh tốt nghiệp Khóa VI Trường viết văn Nguyễn Du, là tác giả của các tập truyện ngắn: Khúc dạo đầu của binh nhì, Đêm trăng thiêng, Hương đất nung, Những người đốt gạch, Truyện ngắn Phùng Văn Khai; 1 tập thơ: Lửa và hoa; 1 tập bút ký: Lẽ sống; 3 tập chân dung văn học: Lê Lựu như tôi biết; Tản mạn Nguyễn Bình Phương; Phác họa mấy chân dung văn học, và 3 tiểu thuyết: Hư thực; Hồ đồ; Phùng Vương.

Để điều đó không xảy ra, chúng ta cần có những người trẻ dám dấn thân vào “nẻo khó”, sáng tác những cuốn tiểu thuyết lịch sử, kể lại những câu chuyện lịch sử khô khan trong sử sách theo một cách mềm mại, nhẹ nhàng nhưng sinh động, hấp dẫn về những chiến công hiển hách của cha ông, ca ngợi và tôn vinh những vị anh hùng dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước, không khí hào hùng của dân tộc để truyền cảm hứng cho độc giả. “Tôi tin rằng, nếu mỗi nhà văn viết 1-2 cuốn sách lịch sử, dù có thể chưa thành công, nhưng ít ra, những vấn đề lịch sử cũng được đặt lên bàn cân, rồi từng bước lan tỏa trong xã hội hiện đại ngày nay”, nhà văn Phùng Văn Khai khẳng định.

Với niềm tin ấy, với mong muốn tiếp tục làm “sống” lại những câu chuyện lịch sử khô khan, làm dày thêm những trang sử hào hùng của dân tộc, ngay sau khi hoàn thành và ra mắt tiểu thuyết “Phùng Vương”, nhà văn Phùng Văn Khai lại bắt tay vào viết tiểu thuyết về Ngô Vương Ngô Quyền, người tiếp tục sự nghiệp đánh đuổi nhà Đường sau này. Sau khi Phùng Hưng lên ngôi trị vì gần 10 năm, giặc phương Bắc lại đưa quân sang đàn áp và một lần nữa đô hộ nước ta. Các bậc anh hùng hào kiệt cùng các nhân sỹ yêu nước lại đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, và tên tuổi Ngô Quyền gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy, lưu danh sử sách sau này.
Bài và ảnh: Phương Lan
Nhà văn “sống mãi với Thủ đô”
Nhà văn “sống mãi với Thủ đô”

Gần đến ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2015), giới nghiên cứu, những người yêu văn học lại nhớ đến nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (ảnh), lớp nhà văn cách mạng đầu tiên của nền văn học mới. Năm 2015, cũng là tròn 55 năm ngày mất của nhà văn tài hoa này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN