Năm nay, lễ hội chùa Hương diễn ra từ ngày 23/1 đến 23/4 (từ mồng 2 tháng Giêng đến hết ngày mồng 4 tháng ba âm lịch), với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện”.
Trong sáng 27/1, hàng ngàn người đã đổ về chùa Hương đi lễ đầu năm. Sau một thời gian hoạt động lễ hội diễn ra cầm chừng do ảnh hưởng của đại dịch, mùa lễ hội năm nay được dự đoán sẽ đón số lượng du khách đông đột biến.
Từ 5 giờ sáng ngày 27/1, các bến đò luôn tấp nập dòng người ra vào đổ về chùa Hương. Dòng người hành hương, di chuyển trên suối Yến tấp nập. Công tác đảm bảo an ninh, trật tự khu vực trong và xung quanh lễ hội luôn được chú trọng nhằm bảo vệ an toàn, tạo thuận lợi cho du khách về tham quan, chiêm bái.
Chia sẻ với báo chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn huyện và du khách thập phương, UBND huyện Mỹ Đức đã tổ chức lễ hội trở lại. Lễ hội chùa Hương 2023 có nhiều điểm mới, từ sớm kế hoạch chuẩn bị và tổ chức đã sẵn sàng.
Điểm nổi bật của lễ hội chùa Hương năm 2023 là Ban tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan và dịch vụ thuyền, đò từ hình thức bán vé truyền thống sang điện tử. Cùng với đó, Ban tổ chức triển khai hệ thống xe điện với hơn 50 phương tiện phục vụ nhu cầu tham quan, vãn cảnh của người dân.
Vé tham quan thắng cảnh chùa Hương năm nay là 80.000 đồng/người/lượt (đối với người già, trẻ em... là 40.000 đồng/người/lượt); vé dịch vụ xuồng, đò tuyến Hương Tích là 50.000 đồng/người, tuyến Long Vân - Tuyết Sơn là 35.000 đồng/người.
"Ban tổ chức đã in vé hóa đơn điện tử và lắp đặt hoàn thiện mới hệ thống kiểm soát vé qua mã vạch QR Code với 10 lối kiểm soát vé, tổ chức tập huấn cho đội ngũ thực hành hệ thống kiểm soát vé, đảm bảo thành thạo kỹ năng và công tác phối hợp giữa các công đoạn, sẵn sàng đi vào hoạt động tại lễ hội chùa Hương năm 2023", Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết thêm.
Khu vực bên trên chùa Thiên Trù cũng luôn trong tình trạng rất đông đúc. Phía trong chùa cũng có rất đông người đến dâng lễ đầu năm. Sau hai năm COVID-19, đến mùa lễ hội năm nay tiếp tục diễn ra cảnh tượng vốn là thường xuyên tại chùa Hương những ngày đầu năm. Theo chia sẻ, nhiều người đã vào khu vực chân chùa Thiên Trù thuê chỗ nghỉ để sẵn sàng lên chùa vào sáng ngày khai hội mồng 6 tháng Giêng.
Theo kế hoạch, chương trình khai hội diễn ra sáng ngày 27/1 với màn biểu diễn của các đội rồng và đội trống xã Hương Sơn, sau đó là các nghi lễ như trưởng ban tổ chức lễ hội phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương phát biểu ý kiến, đánh trống khai hội và dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an.
Tiếp đó là khai mạc triển lãm giới thiệu hình ảnh giá trị về di tích thắng cảnh chùa Hương tại khu nhà triển lãm hữu vu.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý (BQL) khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, năm nay, lễ hội chùa Hương sẽ có nhiều điểm mới nhằm tạo thuận lợi, đảm bảo an toàn cho du khách. BQL di tích, Ban tổ chức lễ hội nhấn mạnh yêu cầu cần đổi mới hình thức các hoạt động trong lễ hội đa dạng, hấp dẫn, phù hợp để người đi lễ hiểu rõ giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động dịch vụ du lịch, lễ hội, kiên quyết đẩy lùi hiện tượng tiêu cực phát sinh.
Clip Thượng tọa Thích Minh Hiền - trụ trì chùa Hương, chia sẻ về lễ hội chùa Hương:
Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2023 đã thành lập 7 tiểu ban, một trạm kiểm soát vé thắng cảnh, một tổ liên ngành để bảo đảm an ninh trật tự không gian lễ hội. Cùng với thay đổi hình thức bán vé tham quan, từ vé truyền thống sang mô hình vé điện tử, Ban tổ chức cũng sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội. Năm nay, ban tổ chức cũng thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của khu vực xã Hương Sơn.
Ban tổ chức lễ hội cũng sẽ lắp dựng các cụm panô, băng rôn, khẩu hiệu, nội dung và hình thức tuyên truyền, quảng bá trực quan phù hợp để du khách có được những thông tin cần thiết về lễ hội, có biện pháp phòng chống dịch COVID-19; có các bộ phận hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định; bố trí bàn ghi công đức, đặt hòm công đức đảm bảo thuận tiện; quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh dịch vụ, không đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội.
Ông Nguyễn Bá Hiển cũng cho biết, sẽ thường xuyên kiểm tra mọi hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm vi phạm, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm…
Ban tổ chức lễ hội cũng cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã. Đối với các chủ hộ trực tiếp kinh doanh hàng ăn uống phải được tập huấn và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định, phải có tủ bảo quản thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt các loại trong tủ và ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.