Từ “Trời cao trong vắt”, “Người con gái không đợi nơi đầu dốc”, rồi đến “Hoa phù du”, “Đôi giày đỏ đã mất”, “Không khóc ở Hà Nội”, “Tháng ngày xanh biếc”…, Dương Bình Nguyên đã nhẹ nhàng xâu thành một chuỗi chuyện tình, và viết theo dòng cảm xúc đậm mạnh ấn tượng, và đặc biệt giữ nguyên được giọng riêng cho văn xuôi truyện ngắn của chính mình, trong “Chuyện tình Paris” (NXB Hội Nhà văn vừa xuất bản).
Tên của mỗi truyện ngắn, và ngay tên tập truyện, đều váng vất êm xuôi như tên một bài thơ tình: "Chuyện tình Paris", “Trời cao trong vắt”, “Người con gái không đợi nơi đầu dốc”, “Hoa phù du”, “Đôi giày đỏ đã mất”, “Không khóc ở Hà Nội”, “Tháng ngày xanh biếc”… Và đặc biệt, những bạn đọc đã từng "mê" Giày đỏ cũng có dịp tái ngộ với “Giày đỏ”, người đã gợi lên bao câu hỏi cho Dương Bình Nguyên khi tập truyện ngắn trước đó của anh được xuất bản. “Giày đỏ” là ai? “Giày đỏ là có thật?”. Nhưng dù độc giả có ý định thắc mắc gì thêm nữa, thì, nhân vật đi giày đỏ ấy vẫn là "bí ẩn". Đó có thể là hình bóng của rất nhiều người, nhưng cũng có thể là một người. “Bóng dáng của "Giày đỏ" có thể là ở đâu đó, có thể ngay bên cạnh bạn, có thể cùng tôi đi một chặng đường dài hoặc ở một nơi nào đó mà tôi chỉ mơ thấy mà thôi. Nếu coi "Giày đỏ" là một hình bóng như thế, có lẽ "Giày đỏ" sẽ mơ hồ và quyến rũ hơn” - Dương Bình Nguyên tâm sự.
Mỗi truyện ngắn trong tập truyện này đều là một chuyện tình buồn. Không có dáng vẻ vui tươi rộn ràng, mà những chuyện tình này đều mang nhiều đắm đuối và phiền muộn, âu lo. Lại cũng nhiều lỡ dở, trái ngang… Cung cách viết truyện ngắn này hoàn toàn rất riêng, rất "Dương Bình Nguyên": Một giọng kể thầm thì như gió thoảng, rất xa lạ với việc cao giọng giảng giải hoặc triết lý vụn trong văn chương truyện ngắn. Dường như chủ thể viết cứ để mặc cho mình trôi theo dòng cảm xúc của cái tôi tác giả, nhiều khi nhòa lẫn với cái tôi nhân vật, trong một kiểu tâm trạng thơ, quán xuyến, xuyên suốt từ truyện ngắn đầu đến truyện ngắn cuối tập truyện. Chính điều này đã khiến cho bạn đọc khi đọc mỗi truyện ngắn lại thấy hao hao như đang đọc một phân đoạn trong cả tiểu thuyết.
Đi hết 11 truyện viết theo kiểu của Nguyên, có thể không gặp một nhân vật nào “ra tấm, ra miếng” theo cách quan niệm "cổ điển", kể cả nhân vật “Giày đỏ” được Dương Bình Nguyên dựng chân dung khá là góc cạnh. Nhưng “tâm trạng khi yêu” của nhân vật trong chuyện tình Nguyên kể, thì vẫn mắc kẹt đâu đó trong trái tim độc giả, cùng nỗi buồn sáng, trong trẻo và lặng lẽ như nước mắt rưng rưng khi ký ức trở về… "Trong văn chương, Nguyên cũng đanh đá, ngoa ngoắt, chao chát, đành hanh như một con mụ lắm điều, và thảng hoặc, trưng ra một bộ mặt bất cần, trơ tráo. Dường như, văn phong của Dương Bình Nguyên thiên về cảm xúc hơn là dụng công dựng nghệ thuật cho một câu chuyện. Việc bút pháp thế nào là điều không quan trọng, miễn là tìm cho mình một cốt truyện, một mạch chảy, rồi nhân vật sẽ tự nhiên thành hình. Hoặc chỉ cần một nhân vật trung tâm, câu chuyện sẽ bắt đầu xoay quanh nó. Viết thế này cũng tốt, nhưng lâu dần sẽ dễ cũ dần đi, nếu không còn cảm xúc để viết nữa thì đáng sợ. Sẽ vất vả bắt trí tưởng tượng đơn thương độc mã suốt một cuộc hành trình, mà với một nhà văn, tâm thức chỉ là một phần trong công việc" - một nhà nghiên cứu văn học đã nhận xét như vậy.
Và như thế, hãy đọc "Chuyện tình Paris", để thấy như đang cầm một ngọn đèn rọi vào góc khuất trong tâm hồn Dương Bình Nguyên, một “tâm hồn trẻ thơ trong dáng vẻ đàn ông ngổ ngáo, phong trần, bụi bặm…”.
Anh Minh