Đề tài lịch sử lên ngôi trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V

Tối 2/10, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V - năm 2022 đã bế mạc, khép lại một kỳ Liên hoan thành công, với nhiều tác phẩm sân khấu chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật.

Làm sống lại nhiều hình tượng nhân lịch sử 

Chú thích ảnh
Cảnh trong vở “Mưa đỏ”, Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu thủ đô lần thứ V. Ảnh: TH

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V- năm 2022 do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, diễn ra từ 25/9 đến 2/10 tại Hà Nội. Liên hoan có sự tham gia của 13 đơn vị nghệ thuật với năm loại hình nghệ thuật: chèo, cải lương, kịch nói, xiếc, cùng sự góp sức của hơn hai trăm nghệ sỹ ở hai miền Nam - Bắc.

Sau 8 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V, năm 2022 đã thành công tốt đẹp. Công chúng đã được thưởng thức 13 tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình nghệ thuật: chèo, cải lương, kịch nói, xiếc tạp kỹ với các nội dung, những câu chuyện về đề tài lịch sử, dân gian, đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài hiện đại.

Trong 13 vở diễn tham dự Liên hoan, có tới 7 vở diễn có đề tài lịch sử, dã sử, huyền sử. Các đơn vị tham gia Liên hoan đã làm sống lại nhiều hình tượng nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nước nhà. Đó là hình tượng Hoàng đế Quang Trung - Công chúa Ngọc Hân trong vở "Trời Nam" của Nhà hát Cải lương Hà Nội; hình tượng An Tư công chúa trong vở "Trung Trinh liệt nữ" của Nhà hát Chèo Hà Nội; hình tượng quan Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trong vở "Bất tử với Thăng Long" của Nhà hát Cải lương Việt Nam; hình tượng nhân vật Tống Thị Quyên trong vở "Vương quyền" của Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội… Thông qua các vở diễn, các nhân vật hiện lên với đầy đủ những cung bậc cảm xúc trong cuộc đời của mỗi con người và thời đại của họ.

Không chỉ đơn thuần là minh họa lịch sử, các vở diễn còn đưa những quan điểm đương đại vào lý giải những mâu thuẫn, xung đột trong quá khứ, giúp cho khán giả thêm yêu quý, trân trọng lịch sử nước nhà. Nhiều bài học ý nghĩa trong quá trình dựng nước, giữ nước qua những nhân vật huyền thoại vẫn còn nguyên giá trị trong cái nhìn soi chiếu của con người hôm nay.

Chú thích ảnh
Cảnh trong vở “Vương quyền”, Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu thủ đô. Ảnh: TH

Dàn dựng cho 3 tác phẩm tại Liên hoan lần này, đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Nguyên Đạt chia sẻ, lĩnh vực lịch sử ít khi được các đơn vị sân khấu ở Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn dàn dựng, bởi đề tài này kén khán giả, đầu tư lại cao, diễn viên phải tập luyện mất nhiều thời gian. Nếu làm không hay, không mới, vở diễn sẽ dễ đi vào lối mòn và bị khán giả quay lưng. Tuy nhiên, trong Liên hoan lần này, anh đã lựa chọn dựng vở lịch sử bởi anh đam mê và sẵn sàng chấp nhận cả sự thử nghiệm thất bại. Vở "Vương quyền" do anh đạo diễn đã giành Huy chương Vàng - giải thưởng cao nhất tại Liên hoan lần này.

Là một đơn vị xã hội hóa, Sân khấu Lệ Ngọc chọn đề tài lịch sử để tham gia Liên hoan lần này. Theo Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc, chị chọn vở diễn "Huyền tích chùa Một Cột" tham gia Liên hoan nhằm truyền bá tới thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc, bởi qua những năm tháng làm nghề, chị hiểu rằng tuyên truyền lịch sử thông qua các vở diễn có sức lan tỏa và dễ hiểu hơn rất nhiều…

Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam nhận định, những tác phẩm khai thác đề tài lịch sử tham dự Liên hoan đã khẳng định rất rõ nhận thức và cách nhìn mới của những người làm nghệ thuật hôm nay, điều này thể hiện ở cách đặt vấn đề, cách khai thác nhân vật nhiều chiều.

Nghệ sỹ cũng cho rằng, có lẽ giới nghề đã và đang chịu ảnh hưởng bởi khuynh hướng chính trị, dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám nhìn thẳng vào sự thật… sau những hội nghị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Vượt qua không gian, thời gian, nghệ thuật sân khấu đã nói được những vấn đề lớn đương thời và tư tưởng ấy vẫn còn nguyên vẹn giá trị đối với xã hội hiện đại…

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức, việc xây dựng những tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử là cách hướng khán giả, đặc biệt là lớp trẻ thêm hiểu và thêm yêu lịch sử nước nhà… chính vì vậy, người nghệ sỹ phải nhìn nhận đúng về lịch sử để xây dựng và khắc họa rõ nét hơn, đẹp hơn về các bậc tiền nhân thuở trước.

Thiếu vắng đề tài đương đại

Đánh giá kết quả của Liên hoan, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhà viết kịch, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Chương nhận định: Liên hoan lần này đã có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Vì vậy, Hội đồng giám khảo đã thống nhất cao trong việc đề xuất số lượng giải thưởng dành cho vở diễn vượt số lượng quy định theo quy chế chấm thi khen thưởng.

Chú thích ảnh
Cảnh trong vở “Trung Trinh liệt nữ”, Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu thủ đô 2022. Ảnh: TH

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đăng Chương, Liên hoan lần này có những tác phẩm đã gần đạt tới sự hoàn hảo tương đối ở tất cả các thành phần sáng tạo: Tác giả, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, âm thanh ánh sáng. Những vở diễn này thực sự làm thăng hoa về nhận thức thẩm mỹ đối với khán giả, giá trị tác phẩm làm cho người xem trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm, ngẫm ngợi để tự điều chỉnh mình; Làm sao đó sống tốt hơn, có ích hơn giữa cuộc sống đang chịu nhiều tác động của cơ chế thị trường. Nói cách khác là giá trị của tác phẩm đã thanh lọc, tẩy rửa tâm hồn khán giả". 

Có tới 7/13 vở diễn về đề tài lịch sử, dã sử, huyền sử. Điều đó chứng tỏ lịch sử luôn là mảnh đất màu mỡ để các nghệ sỹ khám phá, là những bài học vô giá cho con người hôm nay qua các câu chuyện kịch và hình tượng nhân vật, đó cũng là sự trân trọng quá khứ hào hùng của một dân tộc anh hùng trong tình cảm và nhận thức của người làm nghệ thuật.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Chương cho rằng, một trong những thành công của Liên hoan lần này là đã có những kịch bản hay của một vài tác giả đã thành danh, có một lực lượng đạo diễn trẻ đang chạy tiếp sức và dần tỏa sáng ở phía sau. Chắc chắn họ sẽ tiếp nối và khẳng định tài năng theo quy luật muôn đời "Tre già măng mọc".

Sự góp mặt của 5 đơn vị sân khấu ngoài công lập tại Liên hoan lần này báo tín hiệu vui cho hoạt động sân khấu trong cơ chế thị trường, đồng nghiệp khâm phục các đơn vị nghệ thuật tư nhân, đặc biệt là các nghệ sỹ ở phía Nam. Thành quả mà các nghệ sỹ hoạt động theo mô hình tư nhân, xã hội hóa có tác động tích cực để giải phóng sự trì trệ trong nhận thức, tư duy của một bộ phận những người sáng tạo nghệ thuật bằng "bầu sữa mẹ".

Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị có sự chuẩn bị tốt, dàn dựng được những tác phẩm có chất lượng, vẫn có những đơn vị thiếu đầu tư về kinh phí, thời gian trong quá trình chuẩn bị tác phẩm, mang tới Liên hoan vở diễn sơ sài, đơn giản, thiếu thẩm mỹ về nội dung và hình thức thể hiện, tạo nên cảm giác đơn điệu, nhàm chán. Đặc biệt, Liên hoan lần này thiếu vắng những kịch bản phản ánh chân thực, sinh động về người Hà Nội thời hiện đại. Phải chăng tác giả đang bế tắc, chưa lý giải được mâu thuẫn xung đột của đời sống hiện đại để xây dựng nên những câu chuyện kịch, những nhân vật điển hình, lấp lánh, toát lên vẻ đẹp lịch lãm của người Hà Nội…?

Hội đồng Giám khảo kiến nghị, Liên hoan Sân khấu Thủ đô nên được tổ chức định kỳ 2 năm một lần thay vì mỗi năm một lần như hiện nay, để giúp cho các đơn vị có thời gian chuẩn bị mọi mặt, xây dựng tác phẩm tham dự Liên hoan đạt chất lượng cao hơn. Cần tổ chức trại sáng tác, mời tác giả có uy tín tham gia để có những kịch bản đạt chất lượng tốt viết về mảnh đất, con người Hà Nội trong quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai. Sau Liên hoan cũng cần có hội thảo để những người làm nghề, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông trao đổi, bàn luận, đánh giá về thành quả sáng tạo nghệ thuật của các đơn vị, đúc kết những kinh nghiệm, bài học quý báu trong phương pháp sáng tạo.

Liên hoan Sân khấu Thủ đô khép lại với câu chuyện cảm động và trân trọng khi Nghệ sỹ Nhân dân Thoại Miêu, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Ban Tổ chức đề nghị không xét tặng huy chương cho mình, mặc dù vai diễn bà thể hiện được đánh giá cao. Nghệ sỹ Nhân dân Thoại Miêu chia sẻ, bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân – danh hiệu cao quý nhất với người nghệ sỹ, bà đề nghị Ban Tổ chức không xét tặng huy chương cho vai diễn của mình, để nhường lại cơ hội cho lớp trẻ.

"Tôi tham gia vở diễn để có cơ hội được trở lại sân khấu Thủ đô Hà Nội để khán giả nhớ đến cái tên của mình. Đồng thời tôi muốn mang tâm sức, nhiệt huyết của nghề để truyền lửa, tiếp sức cho lớp diễn viên trẻ ngày hôm nay", Nghệ sỹ Nhân dân Thoại Miêu chia sẻ.

Phương Lan (TTXVN)
Bế mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V - năm 2022
Bế mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V - năm 2022

Tối 2/10, tại Hà Nội, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V - năm 2022 với sự tham dự của đại diện các đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan cùng đông đảo các nghệ sỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN