Đề cương về văn hóa Việt Nam, bài học sau 70 năm - Bài cuối

Ba nguyên tắc vận động

Nhưng, dẫu với tất cả những bất cập có tính lịch sử như trên, sau quãng lùi 70 năm, vẫn có điều cần được nhận thức và khẳng định. Đó là, ngay từ 1943, khi chưa nắm được chính quyền, Đảng Cộng sản Đông Dương đã có sự quan tâm đến mặt trận văn hóa. Và khi đặt mối quan tâm vào văn hóa, Đảng cũng đã sơ bộ nắm được phép biện chứng trong tác động trở lại của văn hóa đối với đời sống kinh tế, chính trị. Đó là các ý tưởng được đặt ra ngay trong phần Mở đầu của Đề cương


“a. Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động.


b. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa.


c. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”.


GS. TS Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phát biểu tham luận tại hội nghị. xaluan.com


Như vậy là vai trò của văn hóa, ở mặt tích cực của nó, nếu chưa được nhận rõ khi trở lại gương mặt lịch sử, thì lại được khẳng định trong tương lai - vì sự cần thiết đến khẩn thiết của nó đối với một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo; và nội dung đó đã được nêu trong Đề cương. Một Đề cương ở thời điểm 1943 đã có thể ra đời sau ngày thành lập Đảng 13 năm; và bây giờ đang đứng trước sứ mệnh lịch sử chuẩn bị cho một cuộc cách mạng sẽ diễn ra, chỉ hai năm về sau.


Nhưng văn hóa là một khái niệm có nội hàm rộng. Nói như Đề cương: “Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”. Bây giờ ta có hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Ở thời điểm 1943 - hiểu văn hóa ở ba phương diện: tư tưởng, học thuật, nghệ thuật, tất nhiên là chưa đủ chiều rộng; nhưng lại có được một đường biên cụ thể cho sự hình dung. Đó là sự bao quát phạm vi hoạt động của người trí thức, của giới trí thức trên hai lĩnh vực cơ bản là khoa học và nghệ thuật.


Và, dẫu quan niệm về văn hóa là rộng hoặc hẹp, thì điểm nhấn mạnh và tư tưởng xuyên suốt Đề cương vẫn là ở “ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới”. Đó là:


“a. Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập).


b. Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng).


c. Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)”.


Ở đây, Dân tộc hóa là nguyên tắc được đặt ở vị trí số 1 trong Đề cương. Với nguyên tắc này, sự tiếp nhận của quần chúng, trước hết là các tầng lớp trí thức sẽ có ý nghĩa như là một định hướng cho họ ở cả hai tư cách: tư cách người công dân và tư cách người trí thức - nhà khoa học và nghệ sĩ, trước một thời cuộc đang chuyển vào đêm trước cách mạng. Ở cả hai tư cách, người trí thức chỉ có thể chọn một con đường - con đường hướng về cách mạng và tham gia cách mạng, để cứu nước, trong đó có bản thân mình và nghề nghiệp của mình.


Đại chúng hóa, ở vị trí số 2. Và dẫu ở vị trí số 2 nó vẫn là nguyên tắc được đón nhận dễ dàng và có tác động sâu rộng đối với đời sống văn hóa, tinh thần nói chung và văn học - nghệ thuật nói riêng... Chính nhờ vào các kết quả của Đại chúng hóa mà ngay sau 1945, nền văn học - nghệ thuật dân tộc đã tạo được một chuyển đổi nhanh chóng để sớm có một gương mặt mới, một giọng điệu mới, thậm chí đến cả một thi pháp mới trong sáng tạo và tiếp nhận thơ, văn, nhạc, họa...


Nguyên tắc Khoa học hóa là kết quả sự vận dụng chủ nghĩa Mác để phân tích lịch sử văn hóa dân tộc và thực trạng văn hóa hiện thời. Từ đó đề ra phương hướng phát triển văn hóa “tân dân chủ”...


*
* *


Như vậy, ba nguyên tắc Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa được nêu trong Đề cương rõ ràng là sự trả lời đúng đắn và kịp thời cho các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một thời điểm trọng đại của lịch sử. Và do khả năng đón đợi, tập hợp và đưa tất cả đội ngũ trí thức vào cách mạng, nó đã góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng tháng Tám 1945. Đồng thời góp phần tạo cơ sở lý luận cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa kháng chiến - kiến quốc ít ra là trong vài thập niên tiếp theo.


Mối quan tâm đến văn hóa, đó là điều Đảng đã xác định từ 1943, trong một Đề cương. Mối quan tâm đó chính là một trong các điểm tựa cho dân tộc và văn hóa dân tộc tồn tại và phát triển trong 70 năm qua. Bước vào thế kỷ XXI, chúng ta vẫn tiếp tục tìm thấy điểm tựa ở Đề cương là tinh thần coi trọng văn hóa, để hướng tới một thời kỳ phát triển mới - xem văn hóa không chỉ là động lực mà còn là mục tiêu của sự phát triển.


GS. Phong Lê

Đề cương về Văn hóa Việt Nam - 1943 bài học sau 70 năm - Bài 1: Những bất cập mang tính lịch sử…
Đề cương về Văn hóa Việt Nam - 1943 bài học sau 70 năm - Bài 1: Những bất cập mang tính lịch sử…

Đề cương về văn hóa Việt Nam - 1943 của Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời trong một tình thế lịch sử cực kỳ căng thẳng: Nhật vào Đông Dương, chế độ phát xít được thiết lập, cuộc thế chiến đang đi gần tới kết thúc, và đất nước bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN