Đầu xuân nghe cựu binh chiến dịch Quảng Trị kể chuyện sáng tác về thiếu nhi

Nhạc sĩ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Bằng (SN 1954) viết ca khúc đầu tay cho thiếu nhi là “Đường thắm tuổi hồng”. Ca khúc này đã được Đài tiếng nói Việt Nam lưu giữ trong kho âm nhạc quốc gia.

Trở về, đó không chỉ là may mắn…


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng bước vào sự nghiệp sáng tác rất muộn màng. Ông cũng tự nhận, đó là “nghề tay ngang”, tự học mà thành. Nhiều người, từ đồng đội, bạn bè thuở hàn vi bây giờ gặp lại không khỏi ngạc nhiên, “người bạn vô cùng nghịch ngợm đến thầy cô cũng nhớ mặt nhớ tên sao lại có thể sáng tác nhạc?”. Nguyễn Văn Bằng chỉ cười, là do mê đắm mà ra.


Năm 1972, khi đang học trung học phổ thông, theo tiếng gọi của đất nước, Nguyễn Văn Bằng nhập ngũ, biên chế ở Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B, lên đường tham gia chiến trường đỏ lửa Quảng Trị. Bị thương ở chiến trường nên hai năm sau Nguyễn Văn Bằng ra quân, rồi học tiếp trung học, thi đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành cơ khí. Nhưng những tháng ngày đỏ lửa ở Quảng Trị, ký ức về dòng Thạch Hãn, về 81 ngày đêm bom đạn ác liệt ở Thành cổ vẫn là lát cắt cuộc đời khó quên của nhạc sĩ-cựu chiến binh Nguyễn Văn Bằng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng


“Không thể gọi là may mắn, vì như thế chưa đủ, mà phải nói là đồng đội đã nhường cho tôi cuộc sống, để tôi có thể trở về, và ngày hôm nay viết những dòng cảm xúc bằng lời ca, khuông nhạc”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng bùi ngùi nhớ về đồng đội của mình đã ngã xuống trong trận chiến đấu nơi Thành cổ Quảng Trị.


Tháng 6/2007, nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng tham gia Ban biên soạn cuốn sách “Khúc tráng ca Thành cổ” (sách xuất bản năm 2008, được tái bản nhiều lần). Cuốn sách tổng hợp tư liệu và những ký ức về Quảng Trị, từ sử liệu, truyện ký, hồi ký, ghi chép, bút ký, thơ, nhạc, ảnh, tranh và ký họa chiến trường,... do chính những cựu chiến binh tham gia chiến trường Quảng Trị thực hiện để tri ân đồng đội nhân dịp kỷ niệm giải phóng Quảng Trị.


“Duyên nợ” với âm nhạc cũng bắt nguồn từ đây. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng đã viết tác phẩm “Bạn tôi” về đồng đội một thời cùng vào sinh ra tử. Tác phẩm đầu tay của ông ngay lập tức đã được đông đội xa gần cổ vũ động viên.


Sau mười năm ca khúc “Đồng đội” ra đời, họa sỹ Trần Lê An (nguyên chiến sĩ Sư đoàn 325), chủ biên cuốn sách “Khúc tráng ca Thành cổ” vẫn nói đó là “bài hát đỉnh nhất của anh Bằng” vì nó có “mùi thuốc súng”. Vì vậy, họa sỹ Trần Lê An nói với nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng: “Anh phải đảm nhiệm giúp tôi biên tập phần âm nhạc cho cuốn sách Khúc tráng ca Thành cổ”.


Chỉ có điều, khi cuốn sách đã gần hoàn chỉnh thì họa sỹ Trần Lê An vẫn cảm thấy “chưa hài lòng” bởi dường như nó “đậm màu khói lửa, đau thương, mất mát quá”. Trong cuốn sách, phần hồi ký, bút ký, thơ văn… rất nhiều, nhưng riêng phần nhạc viết về Thành cổ thì rất ít, mới chỉ có “Cỏ non Thành cổ” (nhạc sỹ Tân Huyền).


Họa sỹ Trần Lê An đặt vấn đề với Nguyễn Văn Bằng “anh phải viết cho tôi bài hát về thiếu nhi và phải có cái gì tươi sáng”. Nhạc sĩ Doãn Nguyên, hiện nay là Nhạc trưởng Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng nhận ra điều ấy và cũng nói cần phải có bài hát về thiếu nhi cho tập sách.


“Không quên người xưa ngã xuống…”


Vậy là Nguyễn Văn Bằng viết nhạc cho thiếu nhi để in sách về Thành cổ. Nhưng sáng tác ca khúc cho thiếu nhi không hề dễ, ngay cả với nhạc sĩ chuyên nghiệp chứ chưa nói “nhạc sĩ tay ngang” như ông. Và ông đã gặp khó thật. Phần nhạc đã có, song phần lời thì “cứ chìm đi đâu”. Họa sỹ Trần Lê An cũng gọi điện bảo Nguyễn Văn Bằng “anh phải viết lại lời bài hát này”.

Họa sỹ Trần Lê An (trái)- tác giả phần lời thơ cho ca khúc "Đường thắm tuổi hồng" và nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng.

Nguyễn Văn Bằng tức tốc chạy xe máy từ nhà ở Ngọc Hà đến nhà họa sỹ Trần Lê An ở phố Lê Trọng Tấn, “ông phải giúp tôi viết lại phần lời”, nhạc sĩ nói với họa sĩ. “Người ta hay nói “xanh xanh cánh đồng”, tôi thì nghĩ đến tứ “xanh xanh xanh cánh đồng”, tức là có tới ba từ “xanh”. Câu thơ đầu tiên phát ra “Em hân hoan tới trường”, có tứ “xanh, xanh, xanh” kia, rồi cứ thế thơ chảy ra, như thể trời cho hay anh em đồng đội thúc giục, phù hộ. Chỉ trong khoảng hai giờ đồng hồ chiều hôm đó đã hoàn tất lời bài hát Đường thắm tuổi hồng”, họa sỹ Trần Lê An kể lại. Sau đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng phổ nhạc cho bài thơ, hầu như giữ nguyên phần lời.


“Em hân hoan tới trường, xanh xanh xanh ước mơ/Xanh xanh xanh cánh đồng. Rực màu nắng mới/Nghe xôn xao xóm làng/Quê hương đang đổi thay…”. Lời ca, điệu nhạc tươi vui, thể hiện niềm vui sướng khi các em học trò cất bước đến trường trong nắng mới, trên quê hương đang đổi thay từng ngày. Phía trước, con đường rộng thênh thang, thỏa sức cho các em uớc mơ, tin tưởng , hy vọng. Lời ca cũng nhắn nhủ các em không quên công ơn bao lớp cha anh đã ngã xuống cho đất nước sáng tươi: “Tình nồng ấm ơi hồn bao chiến sĩ…/Đời vui sống không quên người xưa ngã xuống”.


Sau khi được nhạc sĩ Doãn Nguyên dàn dựng ca khúc này, rất nhiều trường trung học cơ sở ở Hà Nội đến “xin” bài hát về cho học trò tập hát, biểu diễn trong các chương trình văn nghệ. Và gần mười năm sau, nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng đã được Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội tặng giấy khen cho bài “Đường thắm tuổi hồng”- bài hát được sử dụng nhiều nhất trong Liên hoan múa hát tập thể và ca khúc măng non thiếu nhi hè 2016.


Tiếp theo thành công của “Đường thắm tuổi hồng”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng sáng tác các ca khúc khác cho thiếu nhi như: Rồng rắn lên mây- chi chi chành chành (Lời: Đồng dao. Ca khúc này đã đạt giải thưởng của Hội Âm nhạc Hà Nội năm 2010, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội năm 2011); Nu na nu nống (Lời: Đồng dao); Em vẽ (2015); Em đội mũ bảo hiểm; Nắng (2016, chưa dàn dựng)…


“Âm nhạc là không thể hẹn trước, không thể biết khi nào thì viết. Có khi là ngẫu hứng bất chợt, có khi là do có người “đặt hàng” như bài “Nu na nu nống” là có người đặt hàng tôi. Nhưng dù thế nào thì viết cho thiếu nhi nhạc phải tươi vui, lời ca giàu hình ảnh, gợi ra những bức tranh đẹp. Bài hát có tính khái quát cao, nhưng cũng phải rất cụ thể, để các cháu dễ thuộc”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng quả quyết.


Và, ông vui vẻ hát rất “phiêu” những bài hát vui tươi về thiếu nhi mà mình viết. Mắt nhắm, tay giơ lên làm nhịp. Nhiều người nhìn ông, có hề gì. Ông có thể hát mọi lúc, mọi nơi, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hát ở nhà bạn bè, hát nơi quán vắng, kể cả trong nhà hàng xung quanh đông thực khách. “Chất phiêu” ấy đã làm nên nghệ sĩ-người lính, tôi nghĩ như vậy.


Bài và ảnh: Xuân Phong
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN