Hát Xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại đã thực sự cuốn hút cả những người lần đầu tiên thưởng thức; làm rung động cả những người chưa một lần đặt chân đến vùng đất Tổ trong nhiều năm qua.Những câu xoan mượt mà mang âm hưởng mùa xuân đưa người nghe đắm mình trong không khí vừa cổ kính trang nghiêm vừa dân dã trữ tình.
Chúng tôi đến xã Kim Đức, thành phố Việt Trì một ngày đầu xuân năm mới 2015. Ở đây dễ nhận thấy hát xoan vốn đã ngấm vào máu, vào thịt mỗi người dân. Từ trẻ con đến những người lớn tuổi đã được học và biết hát xoan. Khi về già thì đem những lời ca, tiếng hát truyền dạy cho con cháu. Dòng chảy hát xoan ở Kim Đức cứ thế mà chảy mãi không thôi.
Nghệ nhân hát xoan Lê Thị Huệ, 74 tuổi, phường Xoan Phù Đức, xã Kim Đức chia sẻ: Lớp trẻ không quay lưng lại với văn hóa truyền thống, điều đó được chứng minh bởi sự đam mê hát xoan của các cháu thiếu nhi ngày càng tăng, cứ tối đến các cháu lại đến nhà ông trùm xin học hát xoan. Bà Huệ đã truyền dạy hát xoan cho 4 - 5 thế hệ. Trong hai năm 2013, 2014, tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy hát xoan, bà hy vọng, những lớp học như thế này sẽ ngày càng nhiều để các em có cơ hội tiếp xúc, làm quen và sẽ là những người tiếp nối gìn giữ di sản hát xoan.
Tại Miếu Lãi Lèn – nơi được coi là phát tích của hát xoan, từ sáng sớm, hàng chục nghệ nhân hát xoan đã tề tựu trước sân đình để cùng đắm mình trong không khí hát xoan ngày xuân. Nghệ nhân Lê Xuân Ngũ, trùm phường Xoan Phù Đức, xã Kim Đức cho biết, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát xoan, bố ông là nghệ nhân Lê Văn Chức trọn đời mình cất giữ, chăm chút từng câu hát, điệu múa cổ. Nhờ đó mà nhiều già làng trong xóm ở Phù Đức cùng với các phường An Thái, Kim Đới, Thét của 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu đã luôn âm thầm duy trì, bảo lưu trọn vẹn danh tiếng những phường Xoan cổ nhất ở Phú Thọ. Cứ mỗi độ xuân về, không khí Tết rộn ràng nồng ấm, người dân lại tổ chức các canh hát ngay tại cửa đình, chứ không dàn dựng sân khấu. Cũng chính vì thế mà đến nay hát xoan Phú Thọ đã dần dần trở về đời sống cộng đồng đúng nguyên nghĩa mà cha ông và các nghệ nhân đã gắng công ấp ủ, truyền tụng lại. Còn người dân Phú Thọ tự hào hơn khi đang gìn giữ một di sản văn hóa .
Hát xoan trong đình Thét, xã Kim Đức, TP Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN. |
Trong không khí ấm cúng của một mùa Xuân mới, nhâm nhi chén trà xanh nóng hổi, ông Chức cho hay: còn sức, tôi còn truyền dạy cho các con, các cháu để bảo tồn, gìn giữ di sản của cha ông.
Những người truyền dạy hát xoan, hiện có người lưng đã còng, chân yếu tay run nhưng vẫn đam mê hát xoan đến độ sẵn lòng dẫn dắt con cháu đến với hát xoan. Bởi vậy, về làng Xoan dễ dàng thấy cảnh “đầu già – con trẻ” trên chiếu cói trải giữa nhà cùng ngâm nga làn điệu xoan theo tiếng trống, nhịp phách. Những gương mặt non tươi của các cô đào đang tuổi cắp sách đến trường, giọng hát mượt mà của các kép độ tuổi 10-15 hào hứng nhập cuộc chơi đã minh chứng cho điều ấy.
Em Nguyễn Hữu Vân, 13 tuổi ở phường Xoan Kim Đới, xã Kim Đức cho biết: Từ nhỏ em đã được theo các cụ nghe hát và dần cảm thấy yêu thích làn điệu hát xoan, từ đó cứ mỗi tối thứ bảy và chủ nhật em lại theo các cụ trong phường xoan đi hát, vừa được nghe, vừa được các cụ dạy hát, đến nay em đã thuộc khá nhiều bài xoan cổ và trở thành người đưa cách chính của phường Xoan Kim Đới. Em được các ông trùm đánh giá thành thạo nhất trong việc dẫn cách và được tham gia biểu diễn ở rất nhiều nơi.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu bộc bạch: Những ngày tết, nếu như ở các vùng quê khác, mọi người thường đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, bạn bè, thì ở đây, cả phường Xoan phải dậy từ sớm, chuẩn bị trang phục truyền thống để thực hành nghi lễ hát xoan. Từ mùng 6 tháng Giêng, phường Xoan lại sắm sửa khăn áo, tay nải lên đường để giao lưu, hát đối đáp cùng những phường Xoan khác trong vùng. Với những việc làm thiết thực này hy vọng đến năm 2016, hát xoan Phú Thọ sẽ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: tỉnh đã và đang tập trung bảo tồn, truyền dạy và thực hành; nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tổng tập hát xoan Phú Thọ; tổ chức các hoạt động biểu diễn và giao lưu trong nước; tăng cường tuyên truyền quảng bá; lập dự án bảo quản, tu bổ, khôi phục các di tích và kiểm kê hát xoan trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các phường xoan để chủ động truyền dạy và tổ chức các hoạt động, đồng thời chi tiền thù lao cho các nghệ nhân và học viên tham gia các lớp truyền dạy.
Ngoài việc truyền dạy bài bản về xoan, các học viên còn được tìm hiểu các đặc trưng của hát xoan Phú Thọ do các nhà nghiên cứu âm nhạc và nghệ nhân phổ biến trao đổi. Ngoài ra, để bảo tồn các bài xoan cổ, tỉnh Phú Thọ đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam, Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa… điều tra, sưu tầm các bài xoan cổ để ghi âm, ghi hình in xuất bản các bài hát xoan cổ phục vụ cho công tác truyền dạy và nghiên cứu tìm hiểu về hát xoan, trên cơ sở đó lên kế hoạch phục hồi, bảo tồn, truyền dạy, thực hành hát xoan trong cộng đồng địa phương ở bốn phường xoan gốc. Đây là mấu chốt để ngoài việc sớm đưa hát xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp còn là mục tiêu lâu dài để Phú Thọ phát huy giá trị di sản văn hóa hát xoan cho muôn đời sau...
Giai đoạn 2016-2020, việc phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ gắn với hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ (thông qua các hoạt động trình diễn tại các phường hát xoan, các di tích hát xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương); tăng cường đưa hát xoan tham gia các cuộc giao lưu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể; phấn đấu đến năm 2020, các lễ hội, tục lệ hát xoan truyền thống được khôi phục; từ đó, xây dựng thành không gian văn hóa hát xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Toàn Giang