Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu quan trọng tại buổi lễ. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO, đại diện các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam...
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng dân tộc Thái nói chung và người dân Nghĩa Lộ (Yên Bái) nói riêng. Không khí Lễ hội càng tưng bừng bởi nhiều ngày trước đó và ngay trước giờ khai mạc là màn diễu diễn đường phố hấp dẫn, bởi quy mô và hình thức tổ chức.
Đúng 17 giờ, các khối diễu diễn xuất phát, biểu diễn từ Trung tâm Văn hóa, Thể thao thị xã theo hướng đường Điện Biên đến Sân Vận động cũ. Màn diễu diễn đường phố năm nay được tổ chức thành 9 khối với trên 510 nghệ nhân, nhân dân tham gia.. Cùng với sự đóng góp của 3 tỉnh bạn và các địa phương lân cận, có thể nói, màn diễu diễn đường phố năm nay là sự hội tụ các sắc màu Tây Bắc.
Chương trình diễu diễn đường phố được trình diễn đảm bảo chất lượng nghệ thuật, dàn dựng thao tác logic, hệ thống âm thanh nối kết cùng phương tiện kỹ thuật ánh sáng hiện đại đã làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức văn hóa đặc trưng của du khách và nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, màn diễu diễn đường phố đã phải tạm dừng sau 30 phút do trời mưa lớn.
Chị Lường Uốn, Bản Tông Co 1, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ phấn khởi cho biết: “Nghệ Thuật xòe Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào của người dân tộc Thái nói chung và người dân Nghĩa Lộ chúng tôi nói riêng. Tôi mong chờ đến giờ phút vinh danh nghệ thuật Xòe Thái này từ lâu lắm rồi. Cảm xúc của tôi rất đặc biệt bởi mình là người vinh dự được tham gia màn diễu diễn đường phố trước Lễ đón nhận Bằng và khai mạc Lễ hội, tiếc là đang trình diễn thì trời lại mưa”
Em Hoàng Thị Yến Nhi, lớp 8, trường THCS Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: “Em cảm thấy rất vui vì đây là lần đầu tiên em thấy quê mình tổ chức sự kiện quan trọng với quy mô lớn và rất nhiều hoạt động. Qua đây em hiểu hơn về bản sắc dân tộc mình, cũng như hiểu biết thêm về các dân tộc của các địa phương trong tỉnh và các tỉnh khác. Cảm nhận của em bây giờ là rất phấn khởi, em sẽ không bao giờ quên được sự kiện trọng đại này”.
Sau màn diễu diễn đường phố, đến 20 giờ, chính thức diễn ra Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng Bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ. Thời điểm này, trời đã ngớt mưa, mọi nghi thức trong chương trình vẫn được diễn ra thuận lợi.
Tại buổi lễ, đại biểu và người dân, du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản". Đây là lần đầu tiên tại thị xã Nghĩa Lộ diễn ra chương trình nghệ thuật với phối cảnh sân khấu hoành tráng, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc. Một trong những dấu ấn khác biệt của "Xòe Thái - tinh hoa miền di sản” là ở thiết kế sân khấu chảy dài xuống toàn bộ sân vận động trung tâm, được liên kết xuyên suốt với hình tượng dòng suối ngang qua sân vận động như dòng Nậm Thia (ngòi Thia) chảy dài từ trên thượng nguồn những dãy núi bao la xuống tận vùng đồng bằng.
Cụ bà Đường Thị Thâng năm nay 94 tuổi ở xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ phấn khởi nói: “Nhà tôi cách sân vận động 6 km, nên đã nhờ cháu đi mua áo mưa rồi chở xuống Sân vận động thị xã. Được chứng kiến tận mắt sự kiện trọng đại này, tôi cảm thấy vui mừng và mãn nguyện lắm rồi”.
Cùng có mặt tại Sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, Anh Trần Quyết Thắng, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ cho biết "Tôi rất vinh dự và tự hào khi thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái được chọn là nơi tổ chức sự kiện quan trọng này. Nét văn hóa của người Thái đã được bảo tồn từ rất nhiều năm nay. Tôi mong rằng Nghệ thuật Xòe Thái được lưu truyền mãi mãi tới muôn đời sau."
Chương trình nghệ thuật "Xòe Thái - tinh hoa miền di sản” gồm 3 chương: "Thiên di - Dựng bản, lập mường”; "Miền Di sản” và "Tinh hoa nghệ thuật Xòe” đã lôi cuốn khán giả khi mở ra thiên sử thi đặc sắc, với liên tiếp những đại cảnh công phu, lộng lẫy và hoành tráng, là sự kết hợp hài hòa giữa bản đại vũ kịch dân gian Tây Bắc và bản giao hưởng của đất trời.
Các chương đã tái hiện câu chuyện thiên di của 2 anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần dựa theo cuốn sử thi "Quan tô mương”, vào khoảng thế kỷ thứ XI về lịch sử hình thành của người Thái ở Tây Bắc, các hoạt cảnh liên tiếp tái hiện những nét văn hoá độc đáo, đặc sắc nhất của người Thái thông qua hình ảnh người con gái Thái, và từ đây tôn vinh điệu Xoè - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chương trình nghệ thuật quy tụ khoảng 900 diễn viên chuyên và không chuyên biểu diễn. Trong đó có sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng như: Tùng Dương, Sèn Hoàng Mỹ Lam và đông đảo diễn viên là chính bà con, là những nghệ nhân, người dân Thái, người dân Tây Bắc như nghệ nhân dân gian Lò Thị Ban, Lương Văn Tài, Mã Minh Huệ, Lương Thanh Hiếu, Đào Xuân Hưng đến từ nhóm nhạc dân gian Việt Bắc cùng các nghệ nhân của 4 tỉnh Tây Bắc… để kể câu chuyện về cộng đồng của họ, từ cội nguồn nào, từ thực tế đời sống ra sao, tình yêu, để hình thành nên nghệ thuật xòe Thái - một thứ nghệ thuật thăng hoa từ cuộc sống của họ. Đây là một cuộc trình diễn xuyên suốt, không có điểm dừng, khán giả đã thực sự bị lôi cuốn vào chương trình nghệ thuật.
Tại buổi lễ, bằng những lời ca, tiếng hát và những điệu xòe uyển chuyển, duyên dáng, 2.022 nghệ nhân dân gian người dân tộc Thái cùng các nam, nữ diễn viên chuyên và không chuyên của thị xã Nghĩa Lộ và các đại biểu, khách quý đã cùng tay trong tay làm sống dậy các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc qua nghệ thuật Xòe Thái.
Anh Nguyễn Văn Trường, du khách ở thành phố Hà Nội cho biết: "Tôi rất vui khi được tham gia sự kiện này, thực sự tôi bị lôi cuốn vào chương trình nghệ thuật với những tiết mục công phu, lộng lẫy và hoành tráng. Sau sự kiện này, tôi nhận thấy mình sẽ phải có trách nhiệm hơn trong việc giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, giới thiệu mảnh đất Nghĩa Lộ tới những người bạn, người thân của tôi ở cả trong và ngoài nước. Để mọi người biết được mảnh đất Mường Lò, Yên Bái - nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, là một trong những mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và là xứ sở của những sắc thái văn hóa đa sắc màu".
Việc UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ nhân Lò Văn Biến cho biết ông và cộng đồng người Thái ở Mường Lò sẽ tiếp tục cống hiến công sức, bảo tồn và phát huy di sản, tiếp tục truyền dạy xòe Thái cho các thế hệ trẻ, để di sản văn hóa phi vật thể này mãi mãi trường tồn.
Cùng với thưởng thức màn đại xòe đoàn kết do 2.022 nghệ nhân dân gian người dân tộc Thái cùng các nam nữ diễn viên chuyên và không chuyên của thị xã Nghĩa Lộ biểu diễn, các đại biểu và du khách tại đây đã tay trong tay trong điệu xòe hoa, cùng nhân lên niềm vui chung...
Đêm 24/9/2022 thực sự là đêm vô cùng đặc biệt trên mảnh đất Mường Lò- nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc. Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đã cùng nhau hướng về Mường Lò để được chứng kiến những thời khắc đầy ý nghĩa trong Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng Bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.