Quan lại trong triều đình là những người “quen hơi đồng” trước tiên, thường ganh đua nhau, người này tìm cách chèn ép người kia để có thể tiến nhanh hơn và cao hơn kẻ khác trên bậc thang danh vị: “Những con oanh đẹp trong vườn thượng uyển ghen nhau vì sắc đẹp” (Tống nhân). Xung quanh Nguyễn Du toàn là những “dì gió tính rất chua ngoa” (Ngẫu thư công quán bích II), là những loài “khổng tước” với vẻ ngoài rực rỡ, tốt đẹp nhưng ẩn chứa chất độc khủng khiếp bên trong: “Mật công chứa chất độc. Uống lầm không thuốc chữa. Mã ngoài lộ ra vẻ đẹp. Bên trong giấu chất độc giết người” (Khổng tước vũ). Nguyễn Du đi từ thất vọng này đến thất vọng khác khi mắt thấy, tai nghe hầu hết những rối ren, mục nát bên trong chính quyền phong kiến thời bấy giờ. Tệ tham nhũng, đục khoét hoành hành khắp nơi. Những chuyện hiềm khích, hãm hại lẫn nhau nhiều không kể xiết. Đám nha lại bên dưới thì lấn quyền, khinh nhờn phép tắc.
Một cảnh trong vở “Nguyễn Du và Kiều”. |
Những bậc vua quan - phụ mẫu của dân - nào có lo lắng gì cho dân, họ phủi tay trước trách nhiệm. Họ thờ ơ trước cái đói, cái khổ, trước cả vận mạng của bao sinh linh bé nhỏ, vô tội. Bởi theo lý lẽ của họ thì: “Dân chết vì gặp năm hạn, đâu phải tại ta” (Trở binh hành). Quan lại làm sao có thể yêu dân cho được khi trên họ là sự thống trị không bắt nguồn từ đức Nhân. Nguyễn Du chỉ trích bản chất tàn ác của vua Minh Thành Tổ, người đã giết hại vô số sinh linh: Khi cơn giận nổi lên hắn giết hại mười họ người ta: “Giết trung thần bằng cách đánh bằng gậy lớn và nấu trong vạc dầu lớn. Trong năm năm giết trên trăm vạn mạng người. Xương trắng chất thành núi, đất ngập máu…” (Kỳ Lân mộ). Là đấng quân vương mà hành xử không theo đạo Nhân thì sao có thể trị quốc an dân? Đến nỗi con vật thiêng là kỳ lân chừng như cũng “không nỡ nhìn cảnh chém giết” mà thà chết trước khi được đưa đến yết kiến vua. Hiện thực vua quan như đã nói ở trên cho thấy chế độ phong kiến đã đến hồi cáo chung. Những rường cột phong kiến đã lung lay đến tận gốc và sự sụp đổ của nó là một điều tất yếu.
Và với tất cả những buồn thương căm giận, những cảm nghĩ cổ kim ấy, Nguyễn Du đã dồn lại thành bài thơ kiệt tác “Phản chiêu hồn”. Bài thơ bộc lộ tập trung và cao nhất con người Nguyễn Du. Bài thơ là lời từ chối cương quyết cái cõi người sống này. Theo thông lệ, ngày 5 tháng 5 Tết Đoan Ngọ, người dân đem đồ cúng ra sông Mịch La nơi Khuất Nguyên trẫm mình để gọi hồn Ông về. Trái với lệ thường, Nguyễn Du bảo hồn đừng trở về cõi đời này nữa. Cõi đời không còn chỗ nào là chỗ có thể dung thân cho những người lương thiện, trong sạch. Sống lương thiện trong sạch đã là chuyện từ thời Tam Hoàng lâu lắm rồi. Còn bây giờ thì “Đông tây nam bắc không có nơi nào nương tựa cả/ Lên trời xuống đất đều không được”. Lời từ chối cương quyết đó là nhận thức khái quát về lịch sử xã hội: Lịch sử có áp bức là lịch sử ăn thịt người. Nguyễn Du nhận rõ cuộc đời sở dĩ ghê tởm vì thời nào cũng thế, có một bọn người giả nhân giả nghĩa mà độc ác vô cùng được phép ngự trị cuộc sống. Chính bọn này là nguyên nhân của tình cảnh “dân hàng mấy trăm châu đều xơ xác gầy còm, không một ai béo tốt” Nguyễn Du đã phản ánh cái nhìn bi đát và phẫn uất với toàn bộ cuộc đời: “Đời sau ai ai cũng là Thượng Quan. Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La. Cá rồng không ăn, hùm sói cũng ăn. Hồn ơi, hồn ơi. Hồn làm thế nào?”.
Và như thế, “những điều trông thấy” là những rung động của Nguyễn Du trước hiện thực. Nó sâu sắc và phản ánh rõ con người Nguyễn Du với những phẩm chất tâm hồn nghệ sĩ rõ ràng hơn nhiều, đầy đủ và phong phú hơn nhiều; giúp cho con người và tác phẩm của ông trở thành những di sản và danh nhân không chỉ của Việt Nam, khu vực, mà toàn thế giới; không chỉ đời nay, đời sau mà mãi mãi với thời gian…