Video Xe hợp đồng ngang ngược hoạt động trong khu phố cổ:
Các tuyến phố: Đinh Liệt, Hàng Trống, Hàng Phèn, Hàng Bồ, Hàng Nón, Bát Sứ, Thuốc Bắc, Lý Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm)… vốn đã chật hẹp, vào giờ cao điểm sáng càng thêm phần náo loạn bởi hàng trăm xe hợp đồng du lịch ngang nhiên quần thảo.
Do các tuyến phố này có bề rộng mặt đường hẹp, thậm chí chỉ một chiếc xe hợp đồng cỡ lớn 45 chỗ lưu thông qua là các phương tiện theo sau ngay lập tức dồn ứ, chưa nói đến chuyện các xe này dừng đỗ, đón trả khách vô tội vạ, bất kể thời gian.
Mặc dù báo Tin tức đã phản ánh vấn đề này nhiều lần, nhưng tình trạng trên vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, mà đang gia tăng phức tạp, và các cấp chính quyền phường sở tại, các cơ quan chức năng của thành phố vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, khiến dư luận bức xúc. Thêm vào đó, tình trạng khách sạn tư nhân trong phố cổ đang mọc lên nấm sau mưa để đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch, nhưng cũng chưa được quản lý, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên, cũng là một trong những nguyên nhân khiến xe hợp đồng các loại đón trả khách lộn xộn tại đây.
Hoạt động du lịch đang khởi sắc trở lại, du khách quốc tế đến tham quan Việt Nam, Thủ đô Hà Nội ngày càng gia tăng. Nắm bắt xu hướng, các khách sạn tư nhân trong phố cổ đang phát triển nhanh, nhưng ngoài việc tiện lợi, hệ lụy của việc tăng nóng nhu cầu khách du lịch, kéo theo các loại hình vận tải đón khách ngay tại chỗ tăng theo. Các loại xe hợp đồng chỉ cần dừng đỗ khoảng 5 - 10 phút trên bất kỳ tuyến phố nào, ùn ứ giao thông cục bộ ngay lập tức xảy ra, khiến cả tuyến phố nhốn nháo. Nhiều người dân sinh sống tại đây phản ánh, có quá nhiều xe hợp đồng của các nhà xe khác nhau cùng vào đón khách du lịch tại một điểm chính là nguyên nhân gây áp lực lên giao thông.
Qua tìm hiểu, thực tế trên không chỉ làm gia tăng sức ép lên hạ tầng giao thông, mà đang kéo theo tình trạng “xe dù, bến cóc” hình thành trên các tuyến đường vành đai ngoài khu vực phố cổ như: Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), Yên Phụ (quận Tây Hồ)... Thậm chí, chính các văn phòng đại diện của các doanh nghiệp vận tải đặt trụ sở hay các khách sạn tư nhân cũng dần trở thành những “bến cóc”. Tuy nhiên, xử lý triệt để được loại hình này không dễ, vì khách du lịch có nhu cầu chỉ cần ở khách sạn đặt tour du lịch qua điện thoại, qua internet hoặc bán vé trực tiếp tại các văn phòng, các nhà xe sẽ đón khách tại chỗ, sau đó hợp lý hóa các loại giấy tờ, danh sách hành khách, để đối phó với lực lượng chức năng...
Một nhân viên đại lý du lịch trên phố Tạ Hiền (quận Hoàn Kiếm) cho biết, do du khách lưu trú tại khu phố cổ đông, chỉ cần đặt vé qua điện thoại, đại lý sẽ gọi điện nhà xe đến đón. Đây là hình thức "bán khách" phổ biến của các đại lý du lịch trong phố cổ hiện nay. Nếu lực lượng chức năng kiểm tra, nhà xe sẽ đưa danh sách khách ra và bao biện khách đi xe theo hợp đồng, không phải bán vé chạy tuyến cố định… Đáng quan ngại, các loại xe hợp đồng đi gom khách trong khu vực phố cổ, nhưng hoạt động trá hình như vận tải khách liên tỉnh đang dẫn đến việc cạnh tranh không công bằng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải đăng ký hoạt động tại các bến xe phải nộp đủ thuế, phí và các doanh nghiệp chạy sai luồng tuyến cố định.
Ngoài ra, do thói quen tiện lợi, được đưa đón trực tiếp tại khách sạn, nên nhiều hành khách bao che cho nhà xe khi bị kiểm tra, mà không biết rằng bản thân bị ảnh hưởng về quyền lợi do không có bảo hiểm. Do vậy, theo các chuyên gia giao thông, việc sớm sửa đổi, bổ sung các quy định siết chặt quản lý xe hợp đồng, hạn chế số lượng xe được phép hoạt động, quy định rõ khung giờ, tuyến đường và điểm đỗ… để không gây áp lực lên hạ tầng, gây ùn tắc giao thông đang là vấn đề cấp thiết. Khi quy định pháp luật vẫn còn “kẽ hở” để doanh nghiệp “lách”, vi phạm sẽ khó xử lý triệt để.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng, hợp đồng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe đón khách tại nhà và đặt chỗ bán vé cho từng khách hoặc xe đi ghép chính là "xe dù" theo hình thức vận tải tuyến cố định. Bởi những xe này vẫn đi theo tuyến cố định nhưng lại không đón trả khách tại bến mà điểm đón trả theo yêu cầu của khách. Loại hình này đang phát triển mạnh và đang làm cho quy hoạch luồng tuyến, quy hoạch bến xe bị phá vỡ, gây ra ùn tắc giao thông. Thống kê, các tuyến xe cố định tại các bến xe đã giảm từ 35 - 40%, công suất của bến xe giảm từ 18 - 30%, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù như trên nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để.
Để hạn chế tình trạng trên, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng Thanh tra giao thông, Công an quận, phường thực hiện chuyên đề xử lý nghiêm vi phạm từ gốc. Trước mắt, đề xuất, tham mưu UBND TP Hà Nội lắp đặt hệ thống camera giám sát, tăng cường "phạt nguội" qua hình ảnh để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
UBND TP Hà Nội đã có công văn gửi Sở GTVT, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an TP Hà Nội, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý hiện tượng "xe dù, bến cóc" và xe trá hình tuyến cố định, xe dừng đỗ, đón trả khách sai quy định trên địa bàn thành phố; giao Sở Thông tin và Truyền thông rà soát trên các trang thông tin điện tử, nắm bắt các trang web của các đơn vị vận tải dùng để đặt chỗ, đặt vé, phối hợp với cấp có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, xử lý theo thẩm quyền đối với các đơn vị vận tải, nhà xe đăng quảng cáo, đón khách tại các điểm trái quy định.
UBND TP cũng giao Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân, doanh nghiệp vận tải góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Thiết nghĩ, luật lệ, quy định là do con người, chính sách tạo ra, nên không phù hợp cần sớm điều chỉnh cho sát thực tế, thay vì để bất cập kéo dài, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong kinh doanh. Nếu không xử lý vấn đề trên một cách quyết liệt, rốt ráo, việc giải quyết nạn “xe dù, bến cóc” sẽ chỉ là câu chuyện kiểm tra là vi phạm và xử lý kiểu “ném đá ao bèo” đang tồn tại hiện nay.
Sở GTVT Hà Nội đang quản lý trên 15.000 đơn vị kinh doanh vận tải, với gần 60.000 xe hợp đồng và xe du lịch. Với số lượng xe hợp đồng lớn, việc kiểm tra chấp hành các quy định và điều kiện trong kinh doanh vận tải bằng biện pháp thủ công không đơn giản. Mặc dù lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, cảnh sát giao thông đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý, nhưng những “kẽ hở” về cơ chế, chính sách hiện hành đã khiến công tác này gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, xe hợp đồng đi gom khách bị kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ xử phạt được lỗi dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định. Ngay cả khi ghi được hình ảnh hành khách lên xe, lái xe vẫn khẳng định chỉ chở theo hợp đồng…