Liên quan tới hoạt động trái quy định trong đầu tư, không thực hiện đúng cam kết của Nhà máy chế biến tinh bột dong riềng xuất khẩu (NMTB) Long Giang, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và sẽ "tuýt còi" nhà máy.Dân bức xúc vì nhà máy Long Giang hoạt động trái pháp luật nên đã gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Ảnh: laodong.com.vn |
* Thiếu thống nhất Trước đó, nhà máy tinh bột Long Giang bị nhiều người dân phản ánh về việc không thực hiện đúng cam kết đầu tư về thu mua nguyên liệu, đồng thời trong quá trình hoạt động gây ô nhiễm nặng tới môi trường xung quanh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ngày 03/01/2013 Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Xuân Quang ký Công văn 06/UBND-TNMT buộc nhà máy tinh bột Long Giang phải dừng hoạt động để xử lý, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và hoàn thiện các hạng mục công trình về bảo vệ môi trường, đảm bảo xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Tiếp đến, ngày 17/01/2003 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuân cũng ký Công văn số 71/UBND nêu rõ việc nhà máy Long Giang thu mua, tinh bột sắn trong thời gian qua mà chưa điều chỉnh mục tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh là không đúng pháp luật; yêu cầu Công ty phải xác định lộ trình, kế hoạch đầu tư vùng nguyên liệu dong riềng theo quy hoạch, có kế hoạch thu mua dong riềng mà người dân trồng theo đúng cam kết và thực hiện việc chế biến tinh bột dong riềng theo giấy chứng nhận đầu tư đã được UBND tỉnh cấp.
Cùng với đó, công văn này còn yêu cầu Công ty thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 06/UBND-TNMT của Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Xuân Quang.
Thế nhưng chỉ chưa đến bốn ngày sau khi công văn trên ban hành, ngày 21/1/2013, chính ông Nguyễn Xuân Quang lại ban hành một công văn khác (số 85/UBND-TNMT) cho phép nhà máy dong riềng Long Giang hoạt động trở lại với lý do đã tiến hành khắc phục xong sự cố môi trường.
Việc ra văn bản này cho thấy cách giải quyết của Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang chỉ hướng đến “phần ngọn”, mang tính tạm thời, mà không “quan tâm” gì đến việc thực hiện sai pháp luật ở chính công ty này như công văn của Phó Chủ tịch Trần Văn Tuân đã nêu trước đó.
Việc
Nhà máy tinh bột Long Giang đăng ký đầu tư một đằng nhưng khi bắt tay
vào sản xuất thì lại làm một nẻo là nguyên nhân chính
của mọi nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường và một loạt hệ lụy khác
như: Không thực hiện đúng cam kết với dân trong vấn đề thu mua nguyên
liệu, thiếu minh bạch trong hoạt động đầu tư, thiếu trách nhiệm trong
việc phát triển vùng nguyên liệu.
Bởi, nhà máy tinh bộ Long Giang đã làm trái điều 20, chương III của Luật Đầu tư (tự ý chuyển từ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và sản xuất tinh bột dong riềng sang thu mua nguyên liệu và sản xuất tinh bột sắn) phá vỡ quy hoạch cây trồng và sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình...
Và nếu từ đầu, vấn đề này được xử lý kiên quyết thì việc gây ô nhiễm khiến hàng trăm hộ dân phải chịu khổ đã không xảy ra.
Với cách làm trên, dư luận thực sự bất ngờ về quan điểm giải quyết “bất nhất” giữa 2 Phó Chủ tịch.
* Vấn đề cần làm rõ Đến nhà máy Long Giang sau khi Nhà máy được hoạt động trở lại theo Công văn số 85/UBND-TNMT, vẫn mùi hôi thối nồng nặc lan ra vài trăm mét đến cả km. Xung quanh nhà máy nơi các bờ đê của bể chứa nước thải, bể chứa xác sắn vẫn còn đó dấu vết nước thấm cho thấy việc khắc phục sự cố môi trường chỉ mang tính hình thức.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Trưởng thôn 1 Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bức xúc: "Đoàn kiểm tra môi trường bảo rằng đó là mùi hôi đặc trưng, nhà máy tinh bột nào cũng vậy nên không thay đổi được, bà con cố gắng thích nghi. Họ không ở đây nên nói vậy, chứ với mùi hôi này có ai mà chịu nổi".
Còn bà Lê Thị Diệu, cũng ở thôn 1 Lệ Kỳ, nhà cách nhà máy Long Giang khoảng 300 m cho biết: "Không biết họ kiểm tra mẫu nước giếng khơi nhà tôi thế nào mà bảo là bình thường trong khi nước có màu tim tím, rửa tay xong thấy nồng nặc đầy mùi sắn chua". Vì nguồn nước giếng khơi bị ô nhiễm nên bà Diệu phải vay tiền để khoan giếng mới sâu hơn giếng cũ để lấy nước dùng.
Trao đổi với phóng viên, dù rất vòng vo, né tránh nhưng ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Bình) cũng cho biết: "Ngay trong lần đầu kiểm tra dây chuyền xử lý nước thải, đã phát hiện Nhà máy cần phải có 5 công đoạn thì đã thiếu mất 2 công đoạn. Ở hồ sinh học đáng ra phải có thêm một hồ sục khí nhưng họ làm chưa hoàn chỉnh".
Và ông Hào thừa nhận, việc xử lý môi trường chưa đảm bảo của Nhà máy cũng góp phần khiến chất lượng nước sông Lệ Kỳ xấu đi.
Tuy nhiên, trong báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường gửi UBND tỉnh Quảng Bình để ông Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Xuân Quang căn cứ ký công văn cho nhà máy hoạt động trở lại chỉ đánh giá chung chung về việc khắc phục sự cố mà ít quan tâm đến việc trả lời câu hỏi có hay không việc nhà máy Long Giang gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm và không khí. Vấn đề này cần được làm rõ.
Song Trang