Tin nổi bật tuần 28/8-3/9:

Tưng bừng không khí ngày lễ lớn; Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách; Xúc động những tấm gương cứu người

Tuần từ 28/8 đến 3/9, những thông tin nổi bật được dư luận quan tâm là: Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4 thảo luận nhiều vấn đề quan trọng; Những quyết sách thúc đẩy kinh tế - xã hội; 3 tấm gương dũng cảm cứu người; chuẩn bị đón năm học mới; dịch sốt xuất huyết tăng cao...

Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập nước

Tuần 28/8-3/9, cả nước hân hoan trong không khí kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh.

Chú thích ảnh
Tiết mục Bài ca Hồ Chí Minh tại Chương trình kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Các địa phương tưng bừng cờ hoa, khẩu hiệu chào đón ngày kỷ niệm trọng đại này. Nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật được tổ chức; nhiều công trình xây dựng lớn được khánh thành, hoàn thành.

Tối 31/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân chủ trì Chương trình kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Việt Nam kiên trì phấn đấu thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn; phấn đấu hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong tiến trình ấy, nhân dân luôn ở vị trí trung tâm, là chủ thể, động lực và mục tiêu xuyên suốt của mọi chính sách phát triển.

Vu lan báo hiếu tôn vinh nét đẹp văn hoá và nhân ái

Tuần 28/8-3/9, một sự kiện văn hoá xã hội thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân là Đại lễ Vu lan (Rằm tháng 7). Nét đẹp văn hoá Vu lan báo hiếu được tôn vinh trong tâm thức người Việt, và các hoạt động báo hiếu cha mẹ, người thân được thực hành.

Chú thích ảnh
Chương trình tuyên dương Người con hiếu thào mùa Vu lan năm 2023. 

Năm nay vấn đề đốt vàng mã đã giảm, tuy nhiên hành động “phóng sinh” lại được dư luận quan tâm, ở khía cạnh phê phán hành vi bắt, nhốt, mua bán các loài động vật dưới danh nghĩa này. Lực lượng kiểm lâm của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đến hơn 70 ngôi chùa trên địa bàn để tuyên truyền, kêu gọi cũng như khuyến cáo Phật tử không mua bán các loài chim hoang dã để phóng sinh.

Thảo luận nhiều dự thảo Luật quan trọng

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV diễn ra từ 28/8 - 30/8, tại Hà Nội. Đây là Hội nghị có nội dung làm việc lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thảo luận những dự án luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và ĐBQH, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, cần tiếp tục được cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, tích cực Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch. 8 dự án luật đã được các đại biểu thảo luận với nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, xác đáng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật. Trong đó, có một số dự án Luật được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm: Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng có tỷ lệ giải ngân rất thấp

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank. Ảnh minh họa: CTV/Báo Tin tức

Tuần qua, một thông tin được nhiều doanh nghiệp quan tâm, là tỷ lệ giải ngân rất thấp của gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 6/2023, số tiền hỗ trợ từ gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 2% chỉ đạt khoảng 590 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng vay, bằng gần 1,5% tổng quy mô gói hỗ trợ.

Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có hiệu lực đến hết 31/12 năm nay. Ngân hàng Nhà nước dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế đến hết năm nay cũng chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng, tương đương chưa đến 6,5% tổng gói, tức là có đến trên 90% ngân sách hỗ trợ khó có thể giải ngân, không thể đến được tay doanh nghiệp.

Sửa đổi Luật Điện lực: Tư nhân được làm truyền tải, xóa bỏ bù chéo

Bộ Công Thương vừa có tờ trình 4999/TTr-BCT đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) gửi Chính phủ; trong đó có nhiều điểm mới phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay khi có nhiều thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển ngành điện, cùng đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nguồn năng lượng tái tạo.

Chú thích ảnh
Nhân viên điện lực kiểm tra, sửa chữa các khiếm khuyết trên đường dây nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho phục vụ nhân dân trong dịp lễ Quốc khánh năm nay. Ảnh: TTXVN phát

Theo tờ trình này, Bộ Công Thương đề xuất cần thiết sửa đổi quy định tại Luật Điện lực liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá điện theo hướng sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Luật Điện lực, cụ thể giao Chính phủ quy định (dưới dạng Nghị định của Chính phủ) thay vì Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh như tại Luật Điện lực hiện hành (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng quy định liên quan đến các loại giá điện, "cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện" phù hợp với nội dung quy định tại Luật Giá (sửa đổi).

Về vấn đề bù chéo, Luật Điện lực hiện hành quy định: "Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng"; Nghị quyết số 55-NQ/TW đưa ra định hướng "không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền". Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định về việc giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền.

Một điểm khác được sửa đổi lần này là "Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện".

Bộ Công Thương hoàn thiện quy định trong hoạt động truyền tải theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết phạm vi nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện. Đồng thời, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động truyền tải phục vụ đấu nối nguồn điện.
Trong đó, quy định "Nhà nước độc quyền trong xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, có ý nghĩa quan trọng về an ninh cung cấp điện" thay vì những quy định độc quyền chung chung.

Như vậy, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ không quy định phạm vi độc quyền nhà nước trong đầu tư lưới điện truyền tải.

Theo đó, tất cả các dự án điện (gồm nguồn và lưới) sẽ cần đánh giá trên cơ sở nguồn lực của nhà nước (thông qua các tập đoàn/doanh nghiệp nhà nước) và các tiêu chí khác để xác định các dự án nào do nhà nước hay tư nhân thực hiện trong từng thời kỳ quy hoạch.

Lấy ý kiến về Thông tư giá điện gió và mặt trời cho các nhà máy mới

Trong tuần, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo mới nhất Thông tư Quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió để lấy ý kiến.

Chú thích ảnh
Trụ tuabin trên biển thuộc Nhà máy điện gió số 5 tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre)... Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo đó, Thông tư quy định về trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành khung giá phát điện hàng năm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi, nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện gió trên biển, nhà máy điện gió ngoài khơi.

Đối tượng áp dụng tại dự thảo Thông tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cá nhân, tổ chức tham gia triển khai đầu tư, xây dựng các nhà máy điện mặt trời, điện gió, điện sử dụng chất thải rắn, điện sinh khối (trừ các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư số 15/2022/TT-BCT).

Giá phát điện của nhà máy điện mặt trời chuẩn, điện gió chuẩn được tính bằng giá cố định bình quân cộng với giá vận hành bảo dưỡng cố định.

Trong tờ trình 4999/TTr-BCT đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đánh giá, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo đã được thúc đẩy nhờ các chính sách, quy định khuyến khích phát triển. Song "chỉ nên được áp dụng trong thời gian nhất định". Theo Bộ Công thương, việc duy trì tiếp tục các chính sách hỗ trợ là không còn phù hợp.

Qua đó, giá bán điện các dự án năng lượng tái tạo sẽ áp dụng như các dự án điện khác là thủy điện, nhiệt điện. Còn các ưu đãi đầu tư khác đã được quy định tại Luật Đầu tư.

Như vậy, các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và cả các dự án trong tương lai cũng sẽ phải thực hiện theo cơ chế đàm phán.

Cụ thể, các chủ đầu tư dự án sẽ phải đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong khuôn khổ khung giá và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành...

Chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới

Chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sẵn sàng với chương trình giáo dục phổ thông mới là những “hạng mục” mà các địa phương đã sẵn sàng để đón năm học 2023 - 2024.

Chú thích ảnh
Trường THCS Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội được đầu tư xây dựng mới với trang thiết bị dạy học hiện đại, đồng bộ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Các địa phương trên toàn quốc đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường lớp để chuẩn bị đón học sinh tới trường. Bên cạnh đó, ngành giáo dục các địa phương sẵn sàng đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình mới. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cung cấp thông tin về hệ thống cửa hàng bán lẻ sách giáo khoa và đường dây nóng để giải đáp thông tin cho phụ huynh, học sinh. Sở GD&ĐT Hà Nội thì ra yêu cầu các nhà trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, chỉ cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Dịch sốt xuất huyết tăng cao

Chú thích ảnh
Từ đầu năm đến 25/8/2023 cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết,

Theo Bộ Y tế, kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương cho thấy, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Tích lũy từ đầu năm đến 25/8/2023 cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 bệnh nhân tử vong.

Hiện, số ca mắc sốt xuất huyết tập trung chủ yếu tại Hà Nội (5.190 ca mắc) và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh (8.628 ca mắc), An Giang (3.161 ca mắc), Đồng Nai (3.114 ca mắc), Bình Dương (2.482 ca mắc), Bình Thuận (3.118 ca mắc), Sóc Trăng (2.481 ca mắc).

Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá: Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết của cả nước 8 tháng đầu năm 2023 là 0,02% (thấp hơn tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết giai đoạn 2016-2020 là 0,03%), thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Tất cả các trường hợp tử vong đều ghi nhận tại khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên, chưa có trường hợp tử vong ghi nhận tại khu vực miền Bắc.

Số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6), và tăng cao nhất trong 3 tuần gần đây. Số mắc sốt xuất huyết trong 8 tháng đầu năm 2023 giảm tại 3 khu vực (Khu vực miền Nam giảm 71%, khu vực miền Trung giảm 44,3%, khu vực Tây Nguyên giảm 34%), riêng khu vực miền Bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần.

Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.

Xúc động trước những tấm gương dũng cảm cứu người

Tuần 28/8-3/9, các tấm gương người tốt, việc tốt dũng cảm cứu người đã làm lay động trái tim người dân Việt Nam.

Tấm gương thứ nhất là Trung tá Trương Hồng Kỳ, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Sông Cầu (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên).

Chú thích ảnh
Đồng đội tiễn đưa Trung tá Trương Hồng Kỳ. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Ngày 1/9, đồng chí Trương Hồng Kỳ đi kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn. Khi đến khu vực bãi biển Đá Bia Đồng Bé (thuộc thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) thì thấy người dân tri hô có người đuối nước. Không ngại nguy hiểm, đồng chí Trương Hồng Kỳ bơi ra cứu được em Trần Phan Minh Thiện (sinh năm 2008) vào bờ và tiếp tục bơi ra cứu người thứ hai là anh Nguyễn Ngọc Tuấn (sinh năm 1983). Lúc này, người dân địa phương dùng thúng chai bơi ra ngoài biển hỗ trợ đưa đồng chí Kỳ và Nguyễn Ngọc Tuấn vào bờ.

Khi được đưa lên thúng chai, cả hai người đều bất tỉnh. Người dân đưa vào bờ, sơ cứu và đưa vào Trung tâm Y tế thị xã Sông Cầu cấp cứu. Tuy nhiên, đồng chí Trương Hồng Kỳ đã hy sinh. Hiện nay, hai người dân được đồng chí Trương Hồng Kỳ cứu đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

Ngày 2/9, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký truy tặng Huân chương dũng cảm cho Trung tá Trương Hồng Kỳ vì đã dũng cảm, quên mình cứu người và hy sinh. Trung tá Trương Hồng Kỳ sinh ngày 2/9/1981, nhập ngũ năm 2002, quê ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Hành động của Trung tá Trương Hồng Kỳ thể hiện tinh thần "vì nhân dân quên mình"; góp phần tô khắc hình ảnh và phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới.

Ghi nhận tinh thần dũng cảm cứu người khi làm nhiệm vụ của đồng chí Trương Hồng Kỳ, tại quyết định số: 88/QĐT-BQT, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký truy thăng quân hàm sĩ quan trước thời hạn từ cấp bậc Thiếu tá lên Trung tá. Sự hy sinh của anh là tấm gương sáng "vì Nhân dân quên mình" của Bộ đội Cụ Hồ; đồng thời tô thắm thêm lá cờ truyền thống của Quân đội Nhân Việt Nam như tên anh Hồng Kỳ.

Tấm gương  thứ hai là  nữ công nhân đường sắt cứu người dân thoát nguy hiểm

Vào lúc 8 giờ sáng 31/8, chị Phạm Thị Hường, công nhân thuộc cung Thông tin tín hiệu Cầu Giát, Công ty Thông tin tín hiệu Đường sắt Vinh đang làm nhiệm vụ kiểm tra thiết bị thông tin tại ĐN km270+740 khu gian Cầu Giát thì phát hiện một người đàn ông không chú ý quan sát, cố vượt qua đường ngang khi đã hạ cần chắn và có chuông cảnh báo tàu hàng HH73 sắp đi tới.

Khi phát hiện sự việc, chị Phạm Thị Hường đã cố gắng kêu to “dừng lại” để cảnh báo và ngay lập tức chạy tới cứu người đàn ông thoát chết trong gang tấc.

Chị Phạm Thị Hường, sinh năm 1979, công tác tại Cung Thông tin - Tín hiệu Cầu Giát, Chi nhánh Thông tin tín hiệu Vinh.

Chiều 1/9, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đến thăm và khen thưởng chị Phạm Thị Hường.

Tấm gương thứ 3 là một người dân cứu cháu nhỏ trong căn nhà bị cháy ở Phan Thiết. 

Chú thích ảnh
Truy tặng Huân chương Dũng cảm” cho ông Nguyễn Hữu Đốn vì đã có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân khi gặp hỏa hoạn.

Vào lúc 18 giờ 32 phút ngày 31/8, tại hộ ông Tạ Văn Hưng, ở thôn Xuân Tài, xã Phong Nẫm (thành phố Phan Thiết) đã xảy ra vụ cháy nghi do chập điện. Tại thời điểm cháy, ông Hưng đã thoát được ra bên ngoài và kêu cứu; trong nhà lúc này còn vợ ông Hưng và 2 con nhỏ bị kẹt không thoát ra được. Nghe tiếng kêu cứu của ông Hưng, ông Nguyễn Hữu Đốn là hàng xóm đã lao vào biển lửa để cứu người bị nạn và không may bị điện giật tử vong. Trước hành động dũng cảm quên mình cứu người, cứu tài sản của nhân dân khi gặp hỏa hoạn, ngày 2/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã truy tặng Bằng khen đột xuất cho ông Nguyễn Hữu Đốn, thường trú thôn Xuân Tài, xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đã có Tờ trình số 3309/TTr-UBND đề nghi ̣Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước truy tặng “Huân chương Dũng cảm” cho ông Nguyễn Hữu Đốn vì đã có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân khi gặp hỏa hoạn.

Những tấm gương nêu trên đã tô thắm nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam: Nhân ái, dũng cảm quên mình để cứu người bị nạn.

PV/Báo Tin tức
Kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn trường học đầu năm học mới
Kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn trường học đầu năm học mới

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong trường học, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh sẽ tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN