Tuần từ 6-12/12, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao, trung bình mỗi ngày có 14.833 ca nhiễm mới

Từ ngày 6 -12/6, thông tin về tình hình COVID-19 nổi bật là: Số ca nhiễm mới trong nước tăng cao, trung bình số ca nhiễm mới trong 7 ngày qua là 14.833 ca/ngày. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó. WHO khuyến cáo các yếu tố ứng phó với biến chủng Omicron ở Việt Nam..

Chạm mốc 1.413.051 ca bệnh

Tính từ 16 giờ ngày 11/12 đến 16 giờ ngày 12/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận thêm 14.638 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, trong đó có 17 ca nhập cảnh và 14.621 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.483 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 9.377 ca trong cộng đồng).

Chú thích ảnh

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 14.833 ca/ngày. Nhiều địa phương, số ca nhiễm mới liên tiếp tăng cao.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.413.051 ca nhiễm. tính từ đầu đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.407.655 ca, trong đó có 1.051.903 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 12/12, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.295 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 1.054.720 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.596 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 11/12 đến 17 giờ 30 ngày 12/12 ghi nhận 228 ca tử vong.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 226 ca/ngày.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.839 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Trung bình trong tuần mỗi ngày Hà Nội phát hiện trên 500 ca bệnh

Trong tuần từ 6-12/12, số ca nhiễm mới tại TP Hà Nội tiếp tục tăng. Ngày 12/12, Hà Nội ghi nhận kỷ lục con số 895 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 tại 30 quận, huyện. Trong đó số ca cộng đồng là 357 ca, trong khu cách ly là 472 ca và khu phong tỏa 66 ca.

Chú thích ảnh
Phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 18.448 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 6.902 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 11.546 ca.

Trong 6 ngày liên tiếp gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục trên 500 ca/ngày. Theo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 mới nhất của thành phố Hà Nội, thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng).

Trong tuần 6-12/12, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế thành lập trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô 500 giường, Bệnh viện đang lắp đặt thêm các đầu cung cấp oxy, bổ sung trang thiết bị cho toàn bộ giường bệnh tại tất cả các khoa, phòng.

Tính đến ngày 8/12, cơ sở 2 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hơn 500 bệnh nhân COVID-19, trong số này có hơn 100 bệnh nhân phải can thiệp oxy trở lên (đánh giá là mức độ nặng trở lên). Các bệnh nhân chuyển đến viện hầu hết là bệnh nhân lớn tuổi (có trường hợp 101 tuổi), đang điều trị các bệnh lý cấp tính/mãn tính như suy thận mạn, tiểu đường, huyết áp, HIV, xơ gan, ung thư... Ngoài số bệnh nhân đang phải can thiệp oxy trở lên, số còn lại là những đối tượng có nguy cơ trở nặng.

TP Hồ Chí Minh phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn mới

Tuần 6-12/12, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương đứng đầu số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cả nước. Trong tuần, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai 6 chiến lược lớn gồm: Chiến lược bao phủ vaccine phòng COVID -19 đến từng người dân trên địa bàn Thành phố; kiểm soát dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID -19; nâng cao năng lực phòng, chống dịch.

Về chiến lược bao phủ vaccine COVID-19 đến từng người dân trên địa bàn Thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh xác định đây một trong những chiến lược then chốt, quan trọng để phòng, chống dịch bệnh, giúp bảo vệ người dân giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc diễn biến nặng do COVID-19 và bảo vệ cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với chiến dịch kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn bình thường mới, Thành phố triển khai các giải pháp gồm xét nghiệm COVID-19 trong tình hình mới; nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch; nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch; xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan; giám sát lưu hành và sự xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Liên quan đến chiến lược quản lý và chăm sóc F0 tại nhà, Thành phố thực hiện các giải pháp như chủ động phát hiện và cập danh sách người F0 và người thuộc nhóm nguy cơ trên từng địa bàn quận, huyện; hài hòa giữa cách ly điều trị tại nhà và cách ly điều trị tập trung; “Mỗi F0 điều trị tại nhà - Một hồ sơ bệnh án điện tử”; huy động mọi nguồn lực tham gia công tác quản lý và chăm sóc F0 tại nhà.

Đối với chiến lược điều trị F0 tại các bệnh viện, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả các cơ sở điều trị phải luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác điều trị; “Đánh chặn từ xa” kết hợp “4 tại chỗ”.

Ở nhóm chiến lược truyền thông, Thành phố triển khai thực hiện truyền thông đa phương thức; thông điện truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng; đa dạng hóa các nguồn lực tham gia công tác truyền thông.

Cuối cùng, đối với chiến lược nâng cao năng lực phòng, chống dịch, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện các nhóm giải pháp gồm nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố Hồ Chí Minh ngang tầm các nước trong khu vực; nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giám sát, dự báo dịch bệnh; đồng thời phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn; phát huy hiệu quả phối hợp giữa y tế với lực lượng vũ trang nhân dân, huy động sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân vào công tác phòng, chống dịch.

Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát thật tốt dịch bệnh để thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội

Sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, dịch COVID-19 đang được kiểm soát trên toàn quốc; kinh tế-xã hội đang từng bước phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, những ngày gần đây tình hình dịch có chiều hướng diễn biến phức tạp, với số ca mắc có xu hướng tăng, nhất là ca mắc ngoài cộng đồng; trong khi nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập, lây lan cao... Sáng 10/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích: Những ngày gần đây, tình hình dịch có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân do có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với kết quả bước đầu và có quan niệm sai khi cho rằng đã tiêm vaccine thì không bị lây nhiễm dịch. Việc số bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, tử vong đa số do chưa được tiêm vaccine và có bệnh nền, trong khi y tế cơ sở, y tế dự phòng còn yếu; tiến độ tiêm vaccine vẫn chưa đạt mong muốn; chính quyền tại nơi dịch diễn biến xấu chưa có biện pháp tốt quản lý rủi ro.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, phải kiểm soát chặt chẽ dịch , giảm tối đa ca mắc, ca chuyển nặng và tử vong do COVID-19; phấn đấu đến ngày 15/12, chậm nhất đến hết tháng 12/2021 hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên; khẩn trương tiêm vaccine mũi 3 cho tất cả các đối tượng cần thiết như lực lượng tuyến đầu chống dịch và người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền; phấn đấu đến 31/1/2022 tiêm đủ 2 mũi vaccine cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi.

Đối với việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, Thủ tướng giao bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương trình, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền và tham khảo kinh nghiệm, ý kiến của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các nước để triển khai.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiểm tra việc cấp phát thuốc Molnupiravir

Ngày 10/12, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế đã có công văn hoả tốc gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về việc kiểm tra việc cấp phát thuốc Molnupiravir trong chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát F0 tại nhà và cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế cho biết đã nhận được thông tin từ một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đưa tin về việc nhiều trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh không tiếp cận được với thuốc Molnupiravir.

Monulpiravir hiện đang được sử dụng miễn phí và có kiểm soát trong Chương trình "Đánh giá Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ tại TP Hồ Chí Minh" được phê duyệt theo Quyết định số 4068/QĐ-BYT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ Y tế giao Sở Y tế TP Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chỉ đạo quản lý, tổ chức triển khai nghiên cứu theo đúng đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt; phân bổ thuốc tới các cơ sở y tế trực thuộc để sử dụng cho các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà và cộng đồng.

Ngày 7/12/2021, Bộ Y tế đã phê duyệt và cấp phát bổ sung hơn 25.000 liều thuốc cho TP Hồ Chí Minh để tiếp tục triển khai Chương trình nêu trên, nâng tổng số thuốc phân bổ cho TP Hồ Chí Minh lên gần 100.000 liều. Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục bổ sung thuốc Molnupiravir theo đề xuất của TP Hồ Chí Minh để thực hiện Chương trình.

Bộ Y tế hướng dẫn người dân về thuốc điều trị COVID-19

Với diễn biến dịch vẫn phức tạp, số F0 điều trị tại nhà tăng cao, nhiều người dân tự mua thuốc về điều trị và hiệu quả khỏi bệnh chậm; mặc khác, việc này cũng đã dẫn tới một số loại thuốc kháng viêm, chống đông, thuốc kháng virus, thuốc điều trị COVID-19 được rao bán tràn lan và dễ dàng mua được mà không cần có đơn của bác sỹ.

Chú thích ảnh
Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh - nơi giành lại sự sống cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Trong tuần 6-12/12,  Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 9072/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc thông tin, hướng dẫn về thuốc điều trị COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo: Bộ Y tế cần đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn về các loại thuốc, biện pháp để người dân có thể mua, sử dụng theo đúng quy định và an toàn các loại thuốc không kê đơn có tác dụng điều trị tại nhà các triệu chứng thông thường, nhẹ do nhiễm SARS-CoV-2.

WHO khuyến cáo các yếu tố ứng phó với biến chủng Omicron ở Việt Nam

Trong tuần 6-12/12, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN đã đưa ra khuyến cáo để Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Theo Tiến sỹ Kidong Park, sự bùng phát của dịch COVID-19 ở Việt Nam và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới đã chứng minh rằng, ngay cả khi chúng ta nỗ lực hết sức, trên toàn cầu, virus cũng sẽ không biến mất trong thời gian gần.

Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam xem xét một số hành động. Theo đó, Việt Nam nên tăng cường giám sát bao gồm giải trình tự gen của các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành và gửi trình tự gen hoàn chỉnh cũng như các dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu công khai đã có sẵn, ví dụ như Tổ chức Sáng kiến chia sẻ toàn bộ dữ liệu về cúm mùa (GISAID).

Về biện pháp 5K và vaccine, Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh việc đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao ở tất cả các nhóm đủ điều kiện tiêm; kết hợp với biện pháp 5K - phương pháp hiệu quả nhất để phòng, chống dịch này. "Điều quan trọng là, tất cả các nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm cả nhân viên y tế và người cao tuổi, phải được tiêm đủ hai mũi", Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực y tế và y tế công cộng trong việc phối hợp nhịp nhàng hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân, từ chăm sóc ban đầu đến chăm sóc đặc biệt, để quản lý sự gia tăng các ca bệnh.

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời và minh bạch cho công chúng cũng như cộng đồng quốc tế về tình hình công tác phòng, chống dịch.

PV/Báo Tin tức
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình bằng thuốc kháng virus Favipiravir trong 5-7 ngày
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình bằng thuốc kháng virus Favipiravir trong 5-7 ngày

Ngày 12/12/2021, Bộ Y tế ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN