Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Tình hình dịch bệnh tại thành phố Hải Dương đang rất phức tạp, nguy cơ lây lan trên diện rộng. Do vậy, thành phố phải thực hiện các biện pháp mạnh để tập trung dập dịch, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, siết chặt kỷ luật, phân công rõ người, rõ việc.
Theo đó, từ 0 giờ ngày 25/5, có 10 phường gồm: Trần Phú, Hải Tân, Tân Bình, Thanh Bình, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Ngọc Châu, Quang Trung, Lê Thanh Nghị, Phạm Ngũ Lão sẽ áp dụng giãn cách xã hội ở mức độ cao hơn so với hiện nay. UBND thành phố Hải Dương sẽ quyết định các biện pháp cụ thể sát với diễn biến, mức độ nguy cơ dịch bệnh phù hợp với từng địa bàn phường, khu dân cư, tổ dân phố... Trước đó, ngày 21/5, thành phố Hải Dương đã áp dụng việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu lực lượng công an chủ trì, phối hợp với cơ quan y tế thần tốc truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh COVID-19. Sở Y tế Hải Dương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân 6 phường: Trần Phú, Hải Tân, Thanh Bình, Tân Bình, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi từ ngày 25/5, chậm nhất trong ba ngày phải hoàn thành. Các phường: Phạm Ngũ Lão, Ngọc Châu, Lê Thanh Nghị, Quang Trung khẩn trương lập danh sách người dân trên địa bàn và xây dựng kế hoạch tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.
Thành phố Hải Dương cần khẩn trương xây dựng kịch bản lấy mẫu xét nghiệm theo phương pháp lấy mẫu gộp. Đại diện Sở Y tế Hải Dương lưu ý: Việc lấy mẫu đồng loạt trong thời gian ngắn là rất phức tạp, đòi hỏi thành phố cần xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể theo từng khu dân cư để tránh xảy ra bất cập, không đảm bảo yêu cầu trong Thông điệp 5K khi lấy mẫu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các đơn vị đảm bảo cơ sở vật chất cho việc cách ly tuyệt đối giữa các trường hợp F1 trong khu cách ly tập trung, trong đó lực lượng quân đội chịu trách nhiệm về vấn đề kỷ cương. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các xã, phường cần giám sát các trường hợp F2 đang được cách ly tại nhà, không để họ tiếp xúc với những thành viên khác trong gia đình. Thành phố Hải Dương cần xây dựng phương án chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện cách ly tập trung tự nguyện tại khách sạn và có trả phí.
Thành phố cần xây dựng quy định phòng, chống dịch cụ thể tại các chợ, trường học, trung tâm thương mại, siêu thị, các hoạt động vận tải hành khách, các doanh nghiệp…, nêu rõ trách nhiệm của đối tượng, chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố đối với đơn vị đó; ký cam kết đối với người dân, người bán hàng tại chợ, chủ nhà hàng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phải có trách nhiệm cụ thể trong việc phòng, chống dịch. Thành phố Hải Dương phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Tổ (chống) COVID cộng đồng: điều chỉnh lại hoạt động, quy định về quyền hạn của tổ, bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí để các tổ thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kiểm soát an toàn - vệ sinh thực phẩm cho các lực lượng phòng, chống dịch; tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm…
Ngày 24/5, thành phố Hải Dương ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn thành phố lên 33 trường hợp. Có hơn 800 người thuộc diện F1, trên 4.800 trường hợp F2. Tại tất cả 25 xã, phường đều đã xuất hiện các trường hợp F1, tập trung tại các phường nội thành.
Ông Trần Hồ Đăng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương, cho biết: Trong các ổ dịch, đáng lo ngại nhất hiện nay là nhóm liên quan đến các ca bệnh ở 79 Đại lộ Hồ Chí Minh và phố Lương Thế Vinh. Các bệnh nhân đã đi nhiều nơi như chợ, siêu thị, hàng ăn, quán cafe, chùa chiền, công viên, tụ điểm tập thể dục thể thao đông người, cơ sở khám, chữa bệnh… Qua truy vết, các cơ quan chức năng bước đầu xác định được gần 300 người thuộc 12 phường có liên quan đến chùm ca bệnh này.