Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng toàn bộ tàu và máy bay ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không được tái diễn sự việc tương tự. Việt Nam cũng sẽ dùng mọi biện pháp ngoại giao và những biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Gây hấn và khiêu khích
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, đã hơn 10 ngày kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát đi thông điệp tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, được tổ chức tại Thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar nhưng tình hình trên Biển Đông vẫn hết sức nghiêm trọng, đang đe dọa đến tình hình an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Tàu hải cảnh Trung Quốc (bên trái) đeo bám, ngăn cản quyết liệt tàu Cảnh sát biển Việt Nam (phía bên phải) đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Công Định - Hữu Trung - TTXVN |
Trong những ngày qua, hàng loạt hành động gây hấn, khiêu khích của các tàu hải giám, hải cảnh, tàu hộ vệ tên lửa, tàu đổ bộ… của Trung Quốc “bảo vệ” giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Thêm vào đó, Trung Quốc còn huy động tàu cá vỏ sắt trà trộn cùng tàu vũ trang, tàu quân sự khiêu khích, phun vòi rồng vào tàu chấp pháp của Việt Nam. Việc Trung Quốc xâm phạm trái phép vào vùng biển của Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, khiến dư luận quốc tế phản ứng mạnh mẽ và đã lên tiếng yêu cầu yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và tàu thuyền ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN có mặt tại Hoàng Sa sáng 19/5, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục cơ động tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 khoảng cách từ 6-6,5 hải lý để tuyên truyền và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cũng như các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam. 3 tàu của Trung Quốc áp sát và sử dụng súng phun nước vào tàu của ta. Tàu Cảnh sát biển 8003 của Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc mang số hiệu 2112, 46101, 35101, 33102, 3411, 33006 ngăn cản và sẵn sàng chủ động đâm va. Thực hiện mệnh lệnh cao cả, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo thiêng thiêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn ý thức nhiệm vụ, đề cao ý chí quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 phải được tôn trọng
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, được tổ chức tại Thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar vừa qua, tất cả các văn kiện của ASEAN đã đề cập mạnh mẽ vấn đề Biển Đông. Các nhà lãnh đạo ASEAN đều quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông. Dư luận trong nước và quốc tế đều lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng nhưng những gì họ đã cam kết với quốc tế và khu vực trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Ông Marty Natalegawa, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia phát biểu bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Nay Pyi Taw (Myanmar) cũng cho biết: “ASEAN rất nhanh chóng đi đến một sự đồng thuận, quyết định về một vấn đề cấp bách, tôi nghĩ đây là dấu hiệu rất khích lệ. Chúng tôi ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh khi trả lời Đài truyền hình Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: Việt Nam đã kiên trì kiềm chế, kiên trì đối thoại, đặc biệt là cả những đối thoại các cấp với Trung Quốc để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và những tàu thuyền đang vi phạm vào vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, hòa bình trong khu vực.
Việc ASEAN ra được tuyên bố chung, đồng thuận trong việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông hy vọng khu vực này sẽ bớt căng thẳng. Việt Nam cần tranh thủ được tất cả những ý kiến, đặc biệt là tuyên bố riêng của Ngoại trưởng Ngoại giao ASEAN về vấn đề Biển Đông. Các nước trong ASEAN đều nhận thức sâu sắc về nguy cơ và mối đe dọa tới hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không những thế, Trung Quốc còn huy động nhiều tàu thuyền quân sự và cả máy bay vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đó là mối nguy hại cần ASEAN lên tiếng mạnh mẽ.
Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng này, Việt Nam đề nghị ASEAN, tăng cường đoàn kết, thống nhất và khẳng định lại mạnh mẽ các nguyên tắc đã được nêu tại Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, đặc biệt phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Và cùng ASEAN thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử COC.
V.Tôn