Chiều 28/11, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp bàn các biện pháp đối phó với cơn bão số 4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì cuộc họp.
Đường đi của cơn bão số 4. Ảnh: nchmf |
Tại cuộc họp, bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 16 giờ ngày 28/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ vĩ Bắc; 115,4 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 80km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo khoảng chiều tối và đêm mai (29/11) bão sẽ đổ bộ vào đất liền, trọng tâm khu vực đổ bộ là các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa. Trên đất liền, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gió mạnh cấp 6-7, khu vực Phú Yên cấp 8, giật cấp 9-10.
Bà Đặng Thanh Mai cảnh báo, thời gian bão đổ bộ dự kiến lúc triều cường cao. Vùng ven biển các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa đề phòng triều cường kết hợp với nước biển dâng cao khoảng 2-3m. Do ảnh hưởng của bão số 4, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên từ tối 29/11 có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa cả đợt ước tính 70-120mm, có nơi trên 150mm.
Ông Vũ Văn Tú, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu và thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 45.433 tàu với 237.390 lao động biết diễn biến của bão số 4 để chủ động di chuyển phòng tránh. Cụ thể là hoạt động tại khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có 960 tàu với 9.112 lao động; hoạt động ở các khu vực khác và neo đậu tại bến từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu có 29.532 tàu với 149.338 lao động; hoạt động ở các khu vực khác và neo đậu tại bến là 14.951 tàu với 78.940 lao động.
Tính đến 13 giờ ngày 28/11, hầu hết các hồ chứa thủy lợi thuộc các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đang ở mức thấp, đạt 50-75% dung tích thiết kế, chỉ có một số hồ chứa tại Quảng Nam và Quảng Ngãi đã đầy nước. Các hồ chứa thuộc các tỉnh Tây Nguyên đạt khoảng 80-90% dung tích thiết kế, tại Kon Tum và Đắk Lắk có một số hồ chứa đã đầy nước.
Theo báo cáo nhanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (lúc 13 giờ ngày 28/11), Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (từ Quảng Nam trở vào), mực nước các hồ thủy điện đang ở mức thấp, trừ hồ Vĩnh Sơn A, B, C gần đạt mực nước dâng bình thường. Tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, hầu hết mực nước các hồ xấp xỉ mực nước dâng bình thường.
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thông báo và kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu, thuyền đang ở trong vùng nguy hiểm di chuyển trú tránh an toàn, đặc biệt là đối với những phương tiện đang hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông. Hiện vùng nguy hiểm được xác định từ Vĩ tuyến 10 đến Vĩ tuyến 15.
Các địa phương tổ chức, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, có các biện pháp đảm bảo an toàn cho lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản, cần đặc biệt quan tâm đến công tác sơ tán người ra khỏi tàu, lồng bè. Các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa cần thực hiện lệnh cấm biển trong ngày 29/11. Một số khu vực gần biển cũng phải thực hiện sơ tán dân đề phòng bão đổ bộ vào lúc triều cường.
“Các phương án phòng chống bão số 4 phải được hoàn thành trước 17 giờ ngày 29/11”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý, cần kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình phòng chống lụt bão, các hồ vận hành xả nước theo quy định, đặc biệt cần quan tâm đến các hồ chứa đang thi công. Các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Thanh Tuấn