TP Hồ Chí Minh kiến nghị bỏ phí xe mô tô, xe gắn máy

Câu chuyện về thu hay không thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, xe gắn máy đang làm nóng nghị trường Quốc hội, đặc biệt khi đại biểu Quốc hội đang cho ý kiến về dự thảo Luật Phí và lệ phí.

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, ngày 19/6, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những băn khoăn trong việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN


Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định: "Khi nhà nước đặt vấn đề thu phí đối với đầu phương tiện xe mô tô, xe gắn máy là để có nguồn kinh phí bảo trì các công trình phục vụ người dân và cũng muốn có sự chia sẻ từ phía người dân. Song quy định này cần phải xem xét lại bởi hiện nay một chiếc xe mô tô đến với tay người dân sử dụng đã chịu quá nhiều loại thuế và lệ phí. Bây giờ chịu thêm loại phí đường bộ nữa là không hợp lý".

Hiện nay, Thông tư 133/2014-TT-BTC của Bộ Tài chính là văn bản pháp lý mới nhất mà Hội đồng nhân dân các địa phương; trong đó có TP Hồ Chí Minh căn cứ áp dụng để quyết định mức thu phí đối với xe mô tô, gắn máy.

Trong văn bản này đã quy định mức thu trần, không quy định mức tối thiểu đối với mỗi loại phương tiện theo phân khối xe. Có hai loại phân khối xe và quy định mức trần rất cụ thể và không được vượt mức trần đó.

Như vậy, dưới mức trần đó Hội đồng nhân dân có thẩm quyền quyết định và Tp. Hồ Chí Minh đã quyết định thu phí dưới mức trần đó cho một số loại xe. Còn việc thu phí đường bộ trên đầu phương tiện xe mô tô, xe gắn máy nộp vào ngân sách địa phương là để đầu tư đường giao thông nông thôn và bổ sung vào quỹ địa phương.

Do đó, việc thu phí trên đầu phương tiện đối với xe mô tô, xe gắn máy là một trong những nguồn thu cho quỹ của địa phương nên 63 tỉnh, thành mới tổ chức thu. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, trong thực tiễn rất khó thực hiện và thực tế việc thu phí này mang lại nguồn thu không lớn.

Ví dụ tại TP Hồ Chí Minh mặc dù là thành phố lớn, dân cư đông và cũng có nhiều xe mô tô nhất, ước tính nếu thu hết cũng chỉ được trên dưới 100 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó lại phải cần đến một bộ máy để thu khoản phí này là rất phức tạp.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN


"Đã có người dân đặt ra vấn đề với bộ máy khổng lồ lập ra để thu khoản phí này liệu có quản lý được không, tính minh bạch và công khai trong việc quản lý nguồn này như thế nào? Và với chi phí lớn cho bộ máy này, khoản còn lại do người dân đóng góp sử dụng đúng vào mục đích sẽ còn lại bao nhiêu, nên cần phải cân nhắc có nên thu loại phí này", đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề nên bỏ loại phí đối với đầu phương tiện xe mô tô, xe gắn máy trong danh mục các loại phí của dự thảo Luật Phí và lệ phí. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, TP Hồ Chí Minh có nguồn thu lớn để đầu tư cho hạ tầng giao thông; trong đó có giao thông nông thôn nên không cần thu khoản này.

Trong khi đó nhiều tỉnh, thành còn khó khăn đang kỳ vọng thu phí để cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Mặc dù kể cả có nguồn thu cao, nhưng TP Hồ Chí Minh lại phải có trách nhiệm với ngân sách nhà nước và ngân sách đó hòa chung vào ngân sách của các địa phương khác, chứ không phải thu để lại riêng cho TP Hồ Chí Minh.


Toàn Xuyên (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh giao cho quận, huyện thu phí xe máy

Toàn bộ nguồn thu từ việc tổ chức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy tại địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ được giao nộp vào ngân sách các quận, huyện phục vụ việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại địa phương - ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã cho biết...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN