Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Kỷ niệm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam
Sáng 1/3, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhì, kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2024), 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2024). Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự và phát biểu tại buổi lễ.
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trân trọng trao Huân chương Chiến công hạng Nhì tặng lực lượng Bộ đội Biên phòng vì chiến công xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước khẳng định, 65 năm qua, Bộ đội Biên phòng luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy với Nhân dân, mưu trí, dũng cảm, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Chủ tịch nước đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, có những hành động, việc làm thiết thực, chung tay với Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển.
Trước đó, tối 26/2, tại Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ VI nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự và phát biểu.
Chủ tịch nước chia vui với các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế trên khắp cả nước, và nhấn mạnh: 69 năm qua, thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đã luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng, vượt qua nhiều gian khó, hết lòng, hết sức cho sứ mệnh cao quý “chữa bệnh, cứu người”; là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân; đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Nhắc đến những khó khăn, thách thức mà ngành Y tế đang phải đối mặt, Chủ tịch nước cho rằng, nhiệm vụ trước mắt phải nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp, thiết lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, an toàn, thuận lợi để y, bác sĩ, nhân viên y tế hành nghề; bảo vệ, hỗ trợ, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Chủ tịch nước căn dặn mỗi thầy thuốc cần luôn giữ lửa với nghề, có tinh thần tìm tòi, nghiên cứu, tiếp nhận cái mới, làm chủ khoa học kỹ thuật cao, chuyên sâu, hiện đại, coi trọng sự tiếp nối giữa các thế hệ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trẻ kế cận cho ngành Y tế.
Thanh niên cả nước hăng hái lên đường nhập ngũ
Trong tuần qua, tại các địa phương trên toàn quốc, Lễ giao, nhận quân năm 2024 tiếp tục được tổ chức.
Tại Hà Nội, hàng nghìn công dân đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ; số tân binh có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt 65,5% so với chỉ tiêu. Toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị ủy tổ chức bồi dưỡng đối tượng đảng cho thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ, kết nạp 52 đảng viên. Các quận, huyện, thị xã đã gặp mặt quân nhân xuất ngũ và động viên thanh niên lên đường nhập ngũ; tổ chức viếng nghĩa trang liệt sỹ; thăm hỏi, tặng quà các gia đình công dân sẵn sàng nhập ngũ.
Tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Hội trại tòng quân đã được tổ chức, với sự tham gia của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên và đại diện thanh niên vừa trúng tuyển nghĩa vụ, cùng gia đình các thanh niên chuẩn bị nhập ngũ.
Tại các tỉnh thuộc Quân khu 4, Lễ giao, nhận quân năm 2024 được cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các địa phương, đơn vị thực hiện tốt. Chỉ riêng tại Nghệ An, hàng chục đảng viên và hàng trăm công dân viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Chất lượng công dân nhập ngũ tăng cả về trình độ văn hóa và sức khỏe thể chất, nhiều thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp; số thanh niên có sức khoẻ loại 1 cao hơn 0,4% so với năm 2023; thanh niên có sức khoẻ loại 2 cao hơn 1%; thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp cao hơn năm 2023 là 0,4%.
Tại 12 tỉnh thành thuộc quân khu 9, năm nay, các địa phương giao quân đạt 100% chỉ tiêu, chất lượng công dân nhập ngũ đều tăng so với năm 2023 như: tuổi đời 18-21 đạt gần 79%; trên 9,5% tốt nghiệp Đại học và Cao đẳng; hơn 1,5% đảng viên, sức khỏe loại 1 và 2 gần 53%... Đặc biệt, có hơn 8,5% công dân nhập ngũ là con em đồng bào dân tộc thiểu số...
Để chuẩn bị tốt cho công tác tuyển quân, cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các địa phương, đơn vị đã thực hiện tốt các khâu, các bước trong quy trình tuyển quân. Hoạt động tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Điểm sáng kinh tế 2 tháng đầu năm 2024
Mặc dù tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều và thách thức, nhưng trong hai tháng qua, kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều điểm tích cực.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng trong nước (CPI) trong 2 tháng đầu năm tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,84%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá.
Trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, có 159 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 442,1 triệu. Góp vốn, mua cổ phần có 367 lượt dự án, tổng giá trị vốn góp đạt hơn 255,4 triệu USD. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài 2 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước, với 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%).
Trong 2 tháng đầu năm, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 15,2 tỷ USD tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9%; xuất siêu sang Nhật Bản 0,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,2 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 12,8 tỷ USD, tăng 98,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 3,7 tỷ USD, giảm 4,3%; nhập siêu từ ASEAN 1 tỷ USD, giảm 21,9%.
Cũng theo thống kê, 2 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 17 dự án mới và không thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư đối với các dự án hiện hữu. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt hơn 25 triệu USD, bằng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ 1/3, tăng trần giá vé máy bay nội địa
Từ 1/3, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản sẽ thay đổi theo các văn bản điều chỉnh của Bộ Giao thông Vận tải về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Cụ thể, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác.
Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Việc tăng trần giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỷ giá đều tăng cao. Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, tác động của giá nhiên liệu làm tổng chi phí tăng 10,9% so với tháng 8/2015.
Rét đậm rét hại tại miền Bắc
Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh tăng cường, từ ngày 26/2 đến 2/3, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ chịu đợt rét đậm, vùng núi có nơi rét hại, một số khu vực có mưa, mưa nhỏ rải rác.
Trong đợt ảnh hưởng của không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Đông Bắc Bộ phổ biến từ 11-14 độ C, khu vực vùng núi phía Bắc từ 8-11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ C. Vùng biển phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh, biển động. Độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển ở cấp 2.
Trong tuần, mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù rải rác đã ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Người dân đi làm, hoặc sản xuất kinh doanh ngoài trời phải chịu cái rét cắt da cắt thịt. Trên vùng biển phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông, toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Đêm 29/2, bộ phận không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ, Thủ đô Hà Nội rét đậm, thấp nhất 11 độ C. Tại các tỉnh vùng núi rét đậm, rét hại ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Phát động “Tuần lễ Áo dài” năm 2024
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động “Tuần lễ Áo dài” năm 2024 từ ngày 1-8/3 trên toàn quốc.
Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, “Tuần lễ Áo dài” nhằm góp phần tôn vinh giá trị của áo dài; khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản áo dài trong cộng đồng; đồng thời cũng là dịp để giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đến đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế.
Từ sáng kiến của Hội LHPN Việt Nam năm 2019, đến nay, nhiều hoạt động tôn vinh áo dài Việt Nam đã được triển khai sôi nổi, đa dạng, rộng khắp trên phạm vi cả nước, trong đó có các hoạt động ý nghĩa như: Tặng Áo dài cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; khóa học “Cắt may và thiết kế áo dài” trực tuyến miễn phí; cuộc vận động thiết kế áo dài “Tự hào Áo dài Việt”…