Thay đổi lớn về vị trí nhân sự cán bộ cấp cao
Ngày 20/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đồng chí Võ Văn Thưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, vừa qua, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Sáng ngày 21/3/2024, Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín và thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Võ Văn Thưởng thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.
Ngày 21/3, tại kỳ họp bất thường lần thứ 6 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông báo về việc thực hiện quyền Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới, theo thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bế mạc phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 19/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành toàn bộ chương trình Phiên họp thứ 31, sau 3,5 ngày làm việc.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, xem xét, quyết định đối với 5 nhóm vấn đề lớn, trong đó có việc cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với 7 dự án luật: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức hoạt động chất vấn đối với hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao trong ngày 18/3. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn này đã đạt được yêu cầu đề ra, thành công tốt đẹp. Trên cơ sở diễn biến của phiên chất vấn, các báo cáo của các Bộ và ý kiến phát biểu kết luận phiên chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ trình dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm ban hành Nghị quyết về chất vấn làm căn cứ pháp lý để tổ chức thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý thị trường vàng
Trước tình hình thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuần qua đã ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng; xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Sau chỉ thị của Thủ tướng, thị trường vàng trong nước đã có điều chỉnh. Ngay trong ngày 21/3, giá vàng miếng SJC trên thị trường đã liên tục giảm. Ngày 22/3, giá vàng SJC giao dịch ở mức 78,6 - 80,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với mức “đỉnh” trên 82 triệu đồng/lượng trong những ngày trước đó, đây là mức giảm khá mạnh. Giá vàng nhẫn vẫn lên xuống bám sát giá vàng thế giới.
Công bố 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023
Tuần qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, và 9 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023.
Theo đó, năm 2023, Thường trực Hội đồng giải thưởng nhận được 171 hồ sơ từ 58 đơn vị gửi về, thuộc 10 lĩnh vực: Học tập, Nghiên cứu khoa học, Sáng tạo, Lao động sản xuất, Kinh doanh khởi nghiệp, Quốc phòng, An ninh trật tự, Thể dục thể thao, Văn hóa nghệ thuật, Hoạt động xã hội, Quản lý hành chính Nhà nước.
Các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và triển vọng năm 2023 là những tấm gương điển hình, với bảng thành tích ấn tượng, truyền cảm hứng mạnh mẽ.
Lễ Tuyên dương Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 diễn ra tối 23/3 tại Hà Nội.
Xét xử vụ án Tân Hoàng Minh
Sáng 19/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (viết tắt là Công ty Tân Hoàng Minh).
Đến thời điểm đưa ra xét xử, vụ án có 15 bị cáo, trong đó có 7 bị cáo được tại ngoại, 8 bị cáo bị tạm giam. Có khoảng 30 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Liên quan đến vụ án, Tòa đã triệu tập 6.630 bị hại là các nhà đầu tư, gần 100 cá nhân và đại diện tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tại phiên tòa, hơn 1.000 bị hại đã tới tham dự phiên xử. Tòa án đã bố trí nhiều phòng, khu vực có màn hình kết nối trực tiếp hình ảnh từ phòng xử để các bị hại và phóng viên theo dõi diễn biến phiên tòa.
Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, thừa nhận cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là chính xác. Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đã nhận trách nhiệm cao nhất trong vụ án này và nhận trách nhiệm thanh toán các khoản tiền lãi trong các hợp đồng đến hạn trước khi bị cáo bị bắt giam.
Trong phần tranh luận tại phiên tòa, Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với 15 bị cáo trong vụ án. Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị đề nghị phạt từ 9-10 năm tù.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 20 ngày.
Phiên tòa sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát bước vào phần luận tội và đề nghị án
Tuần qua, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan bước vào phần luận tội và đề nghị án của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với các bị cáo trong vụ án.
Cơ quan công tố đánh giá, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan, các bị cáo tại tòa đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Viện Kiểm sát đánh giá thái độ bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa là không thành khẩn, không tỏ ra ăn năn hối lỗi, không thừa nhận hành vi phạm tội mà còn khai báo quanh co, đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới, các bị cáo tại SCB; hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không có khả năng thu hồi. Do đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cho rằng cần loại bỏ Trương Mỹ Lan ra khỏi xã hội vĩnh viễn.
Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 19 - 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hợp mức án là tử hình.
Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị 3 mức án chung thân đối với ba cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB là Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng và Võ Tấn Hoàng Văn. Các bị cáo đồng phạm còn lại giúp sức cho Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB bị đề nghị từ 3 năm tù treo đến 24 năm tù. Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử buộc Trương Mỹ Lan bồi thường cho SCB hơn 677.000 tỷ đồng.
Luật sư đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Phiên tòa sẽ tiếp tục, dự kiến kéo dài đến 29/4. Tuy nhiên, nếu xét thấy quá trình diễn biến, tranh tụng diễn ra nhanh hơn, HĐXX có thể kết thúc phiên tòa trước ngày 29/4; trường hợp có nhiều diễn biến sẽ kéo dài qua mốc thời gian dự kiến.
Tuyển Việt Nam thất thủ tại Bung Karno
Tuần qua, người hâm mộ thể thao tại Việt Nam dành nhiều quan tâm cho trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam với Indonesia tại bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á. Trận đấu diễn ra trên sân Bung Karno.
Đội tuyển Việt Nam bước vào lượt trận thứ 3 bảng F trước chủ nhà Indonesia với mục tiêu có điểm nhằm bảo vệ vị trí nhì bảng. Các cầu thủ Việt Nam đã nhập cuộc đầy tự tin, chủ động cầm bóng dâng cao tấn công. Cách chơi này của các học trò HLV Troussier khiến đội chủ nhà chủ nhà Indonesia gặp nhiều bất ngờ.
Bước sang hiệp 2, các cầu thủ Indonesia có những điều chỉnh lối chơi khi sớm tràn lên dồn ép trước tuyển Việt Nam. Phút 53, từ quả ném biên sở trường của Pratama Arhan, hàng thủ Việt Nam mắc lỗi và Egy Maulana có pha đệm bóng cận thành mở tỷ số cho Indonesia.
Bị dẫn bàn, tuyển Việt Nam dâng cao và chơi mạo hiểm hơn so với đầu hiệp 2 để tìm kiếm bàn thắng gỡ hòa nhưng không thành công. Trận đấu khép lại với phần thắng 1 - 0 nghiêng về phía đội chủ nhà.
Với kết quả này, tuyển Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 3 tại bảng F vòng loại 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, trong khi đó Indonesia vươn lên nhì bảng với 4 điểm.
Trận đấu tiếp theo là màn tái đấu giữa hai đội trên sân vận động Mỹ Đình vào ngày 26/3.