Tăng tuổi nghỉ hưu – nhiều vấn đề đặt ra

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều 187 Bộ luật lao động 2012 theo hướng điều chỉnh quy định tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng.

Ảnh minh họa. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Xung quanh việc sửa đổi, bổ sung này, dư luận đang đặt rất nhiều câu hỏi băn khoăn: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ theo hướng nào? Khi điều chỉnh có mất cơ hội việc làm của giới trẻ? Sự mất cân đối tuổi nghỉ hưu giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp sẽ được tính toán ra sao? Lộ trình xây dựng, triển khai điều chỉnh tuổi nghỉ hưu…? Những băn khoăn này đã được đại diện các cơ quan chức năng trả lời tại buổi đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28/10.

* Tăng tuổi nghỉ hưu – không thể né tránh


Theo Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, tăng tuổi nghỉ hưu là việc cơ quan chính sách không thể né tránh được, vấn đề là đưa ra chính sách như thế nào.


Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết lý do để tăng tuổi nghỉ hưu, đó là để tận dụng được cơ hội dân số vàng và đối mặt với thách thức của già hóa dân số; tận dụng nguồn lao động, kể cả đối tượng trẻ và đối tượng già; cân đối, bảo đảm tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quỹ hưu trí và thực hiện Công ước CEDAW về bình đẳng giới.


Năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng, đây là thời kỳ có thể tận dụng cơ hội lao động trẻ để phát triển đất nước. Từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số, quá trình này diễn ra với tốc độ nhanh. Vì vậy, nên tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những chính sách để tận dụng được cơ hội dân số vàng và đối mặt với thách thức của già hóa dân số.


Theo ông Huân, việc tăng tuổi nghỉ hưu là chuẩn bị câu chuyện chính sách cho 20 năm sau. Mô hình đóng bảo hiểm ở nước ta hiện có vấn đề mất cân đối, đóng ít hưởng nhiều hơn, cần phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để quá trình này đỡ ảnh hưởng. Ngoài ra, nước ta đã tham gia Công ước CEDAW, cần phải thực hiện Công ước, đối với phụ nữ phải tiếp cận tuổi nghỉ hưu theo đúng quyền bình đẳng.


Đồng quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần tính toán tác động kinh tế để xử lý vấn đề tuổi nghỉ hưu. Có 3 điểm chốt phải quyết định, đầu tiên là phải căn cứ vào sức khỏe của người lao động. Đúng là tuổi thọ của Việt Nam có nâng nhưng so với các nước khác là còn thấp.


Tiếp đến là căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước, và cuối cùng, lớn nhất, là áp lực giữa cung lao động và cầu sử dụng lao động – vấn đề thị trường lao động. Hệ thống pháp luật xây dựng không chỉ để thực hiện cho hôm nay, ngày mai mà phải cho tương lai và phải đi trước đón đầu. Nếu không chuẩn bị sẽ dẫn đến áp lực, phải tính lộ trình.


Chính phủ tính toán, cân đối, đánh giá tác động, đưa ra Quốc hội xin ý kiến. Vấn đề là thời điểm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khi nào, đối tượng nào đều chỉnh trước, lên bao nhiêu là hợp lý để đi trước vấn đề già hóa dân số. Vấn đề quan trọng là bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất, đây là quan điểm của Đảng - ông Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.


“Vấn đề chính sách an sinh xã hội lâu nay tôi vẫn hình dung là chúng ta dựa quá nhiều vào ngân sách nhà nước. Bây giờ chúng ta phải cân bằng đi, nhà nước là chủ đạo, nhưng toàn dân phải tham gia vào hệ thống an sinh xã hội mà bảo hiểm xã hội chính là trụ cột của an sinh xã hội. Nếu ai đó nói nâng tuổi để chống đỡ vấn đề mất cân bằng quỹ thì không hoàn toàn như vậy, nó có tác động nhưng đó không phải là nguyên nhân” – ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.


Ông phân tích nguyên nhân căn bản của mất cân đối quỹ là vấn đề số lượng người đóng để cho số lượng người hưởng hiện đang có xu hướng giảm dần. Bản chất của vấn đề là đóng ít, hưởng nhiều mà thời gian tuổi thọ của người lao động được nâng lên, đây là hạnh phúc của dân tộc nhưng phải nghĩ đến nguồn đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cho lương của người về hưu được đáp ứng nhu cầu sống khi về hưu, không để người về hưu sống ở mức thấp dưới mức tối thiểu, không đáp ứng được quan điểm của Đảng, Nhà nước.


Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi Điều 187 Bộ luật Lao động, cơ quan này sẽ kiến nghị tiếp tục sửa Luật bảo hiểm xã hội vì đây là luật chuyên ngành.


* Tăng tuổi nghỉ hưu – cần đánh giá tác động kinh tế, xã hội


Nói về các phương án tăng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết phải cụ thể cho các đối tượng. Quốc hội cũng giao Chính phủ hướng dẫn tuổi nghỉ hưu, phương án chung là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam nữ cao hơn. Với ngành, nghề đặc biệt sẽ điều chỉnh chung, phải tiếp cận với ngành nghề có bước đi trước, sau. Dự kiến phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 và nữ là 58 hoặc 60.


Cho rằng Chính phủ trình phương án nào cũng được nhưng có thuyết phục hay không, Chính phủ phải đánh giá được tác động của vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sỹ Lợi đặt ra một loạt câu hỏi: tăng tuổi hưu thì cân đối thị trường lao động như thế nào? Khắc phục được vấn đề lao động chuyên môn kỹ thuật cao nhưng nghỉ hưu sớm, lại tạo cơ hội được cho lao động trẻ, cho lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật để bước vào thị trường lao động như thế nào?


Bài toán đầu tiên ông Bùi Sỹ Lợi cho là phải đánh giá tác động kinh tế. Hiện nay mọi vấn đề mới đang xin ý kiến, Quốc hội còn phải bàn, tính toán, song, ông cho rằng phải khẳng định một số vấn đề để người lao động yên tâm, đó là ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại và lao động trực tiếp, lao động ở vùng sâu, vùng xa, lao động bị suy giảm khả năng lao động chưa bàn đến điều chỉnh. Có chăng những ngành nghề được cải thiện môi trường lao động tốt hơn, điều kiện làm việc tốt hơn có thể điều chỉnh một chút nhưng phải đảm bảo sức khỏe người lao động.


Theo ông Lợi, thị trường lao động của ta đang ở độ sung sức. Không nên để tình trạng chảy chất xám và lãng phí nguồn lực lao động chất lượng cao và nguồn lực lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và tạo được năng suất lao động xã hội cao hơn. Tuy nhiên, cũng đừng để bỏ đi lực lượng lao động sung sức, trẻ tuổi, có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà là vấn đề xã hội, phải tính cẩn thận và cụ thể.


Tuổi thọ bình quân của Việt Nam đạt 73 tuổi nhưng chất lượng cuộc sống của người dân có vấn đề, chưa đáp ứng được. Điều chỉnh tiền lương cơ sở cho người đang làm việc thì phải điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu và trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng. Quyết định nâng bao nhiêu, thời điểm nào, đối tượng nào, Chính phủ phải đánh giá tác động kinh tế, đánh giá tác động hiệu quả và quan trọng nhất là phải đảm bảo ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, giải quyết được vấn đề xã hội – ông Bùi Sỹ Lợi cảnh báo.


Đồng tình với ông Bùi Sỹ Lợi, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng điều chỉnh tuổi nghỉ hưu liên quan cả tới vấn đề thể chất, sức khỏe, vấn đề xã hội, kinh tế và đặc biệt liên quan đến thị trường lao động. Mỗi năm đang lo hơn 1 triệu việc làm cho đối tượng đến tuổi lao động, một mặt phải sử dụng được lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có kinh nghiệm.


* Công chức phải "có vào, có ra"


Nêu quan điểm của mình, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng lao động trong khu vực công chức sau này cũng phải thay đổi, không thể cứ vào công chức là biên chế suốt đời mà phải có sự đánh giá. Nguyên tắc trong khu vực công chức phải "có vào, có ra" mới nâng cao được chất lượng. “Công chức của chúng ta, rất nhiều người cứ vào công chức nghiễm nhiên là suốt đời, không biết là chất lượng có tốt hay đảm bảo không” – ông Phạm Minh Huân nêu.


Nhìn nhận đây là bài toán phải tính toán, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra con số cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống đang hưởng lương từ ngân sách của cả nước là 2,8 triệu người. Cái gốc là phải chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang các đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nhà nước chỉ khoán chi phí theo kết quả đầu ra. Không nên để biên chế tăng lên như vậy. “Câu chuyện 190.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, đừng nghĩ rằng số này phải vào cơ quan nhà nước” – ông Lợi nêu rõ.


Theo ông Lợi, không nên nghĩ cứ được đào tạo học hành bài bản là phải được vào làm trong cơ quan nhà nước. Nếu nói nâng tuổi nghỉ hưu lên để một bộ phận cán bộ cố bám lấy giữ ghế, không có vị trí khác ngồi cũng có nhưng chỉ rơi vào một số vị trí cán bộ quản lý.


Nếu thực hiện tốt chính sách, cho điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu nhưng năng lực của cán bộ lãnh đạo quản lý chỉ chốt ở tuổi 60 và 65, trường hợp đặc biệt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương quyết định. Ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất tách tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. 60 tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn làm việc đến 65 tuổi thì phải cho đóng bảo hiểm xã hội tiếp 5 năm để khi về hưu lương cao hơn. Đến năm 2020 phải cấp thẻ an sinh xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội để thể hiện sự công khai, minh bạch. Đây là bài toán kinh tế nhưng gắn chặt với vấn đề xã hội.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
"Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết"
"Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết"

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng: “Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết và thực chất là đưa chế độ hưu trở về bản chất - chế độ bảo hiểm tuổi già”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN