Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Campuchia từ ngày 22-24/5, đoàn công tác liên ngành gồm đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Quốc Cường, đã đi thăm và tặng quà cho bà con người gốc Việt tại khu nhà bè nuôi cá thuộc tổ Chung Koh, phường Phsar Chhnang và khu tái định cư tạm thời tại xã Chnoc Trou, huyện Boribour thuộc tỉnh Kampong Chhnang.
Cộng đồng người gốc Việt tại tỉnh Kampong Chhnang đang gặp phải những vấn đề khó khăn, đặc biệt là trong quá trình triển khai Nghị định 129 của Chính phủ Campuchia ban hành ngày 15/8/2017 về việc thu hồi giấy tờ bị coi là “bất bình thường” và di dời, tái định cư các hộ dân sống trên nhà nổi ở Biển Hồ.
Thay mặt đoàn công tác liên ngành, với tinh thần tương thân tương ái, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Quốc Cường đã trao tặng quà cho khoảng 600 hộ gia đình người gốc Việt (mỗi phần quà gồm gạo và tiền mặt) tại hai địa điểm nói trên.
Tại khu nhà bè nuôi cá thuộc tổ Chung Koh và khu tái định cư tạm thời tại xã Chnoc Trou, đoàn liên ngành đã đi thăm, tìm hiểu tình hình thực tế cuộc sống, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường và đoàn đã thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn của bà con, động viên bà con cộng đồng người gốc Việt tại tỉnh tuân thủ luật pháp nước sở tại, trao đổi một số phương hướng chuyển đổi nghề nghiệp nhằm tạo kế mưu sinh cho bà con, đặc biệt là việc chăm lo học hành, cải thiện tương lai của trẻ em trong cộng đồng.
Theo báo cáo của Tỉnh Hội Khmer-Việt Nam ở Kampong Chhnang, toàn tỉnh có 6 chi hội chia thành 11 phân hội. Ban chấp hành tỉnh hội vẫn duy trì họp định kỳ hàng tháng và họp sinh hoạt bà con cộng đồng để giúp tìm hiểu về chính sách- luật pháp sở tại và vận động bà con cho con em đến trường học phổ thông Campuchia và học chữ Việt Nam tại địa bàn của mình.
Hội đã nỗ lực vận động bà con khắc phục và cải thiện đời sống sinh hoạt, công ăn việc làm theo tình hình thực tế, cũng như thay đổi sinh hoạt đời sống từ mặt nước lên đất liền trong bối cảnh nghề đánh bắt cá bị thất thu do nguồn cá ở khu vực Biển Hồ ngày càng suy giảm, tình hình chăm sóc sức khỏe-y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do môi trường bị ô nhiễm.
Về văn hóa, giáo dục, toàn tỉnh có 11 điểm trường phổ thông với 876 học sinh. Hội duy trì quan hệ tốt với chính quyền địa phương để làm giấy xác nhận khai sinh cho các em đủ tuổi đến trường đăng ký vào học chữ Khmer theo chương trình phổ thông Campuchia. Tính toàn tỉnh có khoảng 200 em đang học chữ Khmer. Toàn tỉnh có khoảng 2.050 hộ sống trên sông, trong số này có khoảng 1.500 hộ làm nghề đánh bắt cá, khoảng 550 hộ làm nghề mua bán, chăn nuôi cá. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 300 hộ làm ăn sinh sống trên đất liền.
Từ ngày 17/9/2018, chính quyền tỉnh Kompong Chhnang đã triển khai việc di dời người dân sống trên sông buộc phải lên đất liền theo kế hoạch 5 năm (2015-2019). Từ khi di dời, bắt đầu từ tháng 10/2018 đến nay, chính quyền tỉnh sở tại đã hỗ trợ khám bệnh, điều trị miễn phí cho bà con. Điểm tái định cơ tạm thời của cộng đồng người gốc Việt nằm cách bờ sông khoảng 3-4km. Hiện tại, tổng số hộ đã di dời lên đất liền (khu vực trong trong tình trạng mùa mưa sẽ bị ngập) là khoảng 1.068 hộ, số hộ còn sống trên bè cá là 641 hộ, trong khi một số hộ đã về Việt Nam sinh sống.
Trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Campuchia, ông Lê Văn Thọ, 71 tuổi ở Chnoc Trou, huyện Boribour tâm sự: “Gia đình tôi đã sinh sống tại đây qua ba bốn đời rồi, nghề chính vẫn là đánh bắt cá nhưng cuộc sống chỉ đủ đắp đổi qua ngày dù 6 người trong gia đình cũng cố gắng lắm. Con cháu thì không được học hành tử tế vì phải lo đi làm lo cho cuộc sống hằng ngày. Cuộc sống hiện tại so với lúc còn sống trên mặt nước thì khó khăn hơn. Sắp tới, khi chính quyền di chuyển ra khu định cư mới thì coi như tre, bọng, phuy nổi, nhà cửa chắc chắn sẽ hư hại nữa. Bây giờ, gia đình cũng chỉ có duy nhất nghề đánh cá, cũng chẳng biết chuyển qua nghề gì để làm”.
Chủ tịch tỉnh Hội Khmer-Việt Nam tại Kampong Chhnang, ông Bùi Văn Bé nói: “Về việc di dời những hộ trên sông lên đất liền, theo kế hoạch của chính quyền tỉnh và Chính phủ Campuchia thì Kampong Chhnang là tỉnh thí điểm di dời đầu tiên. Từ tháng 10/2018, khi thực hiện dự án 5 năm giai đoạn 2015-2019, chính quyền Campuchia đã tiến hành di dời các hộ dân sống trên sông trong đó cả cả người Campuchia, Việt Nam và người Chăm. Tuy nhiên, khu vực tái định cư lại xảy ra hiện tượng bị ngập nước vào mùa mưa. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền Campchia, sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia nên Tỉnh hội luôn hỗ trợ bà con để giải quyết những khó khăn trước mắt. Khi cuộc sống trên đất liền dần đi vào ổn định, việc hỗ trợ việc đi lại sinh hoạt cho bà con cũng được tính đến, trong đó có việc cung cấp điện, nước cho bà con sử dụng. Tỉnh hội cũng tích cực làm việc với chính quyền địa phương để hỗ trợ các cháu nhỏ trong các gia đình được di dời, theo học các chương trình phổ thông của nước sở tại, luôn duy trì việc học hành cho các cháu được tốt nhất.
Trước đó, trong ngày 23/5, Đoàn công tác liên ngành đã có buổi làm việc với Tỉnh trưởng Kampong Chhnang Chhour Chandoeun và các cơ quan hữu quan về tình hình cuộc sống cộng đồng người gốc Việt tại tỉnh. Ông Chhour Chandoeun cho rằng việc di dời các làng nổi trên sông là chủ trương nhất quán của Chính phủ Campuchia nhằm đảm bảo thực thi các quy định của Campuchia về đánh bắt hải sản, môi trường và quản lý bờ sông thành phố vệ sinh, sạch đẹp.
Liên quan tới việc chuyển đổi nghề nghiệp của người gốc Việt tại địa phương, Tỉnh trưởng Chhour Chandoeun cũng xác nhận chủ trương không để người dân sinh sống trên bè gây ô nhiễm sông, bè nổi chỉ để nuôi cá. Phía Campuchia muốn hợp tác với Việt Nam nhằm xây dựng một mô hình bè cá kiểu mẫu và làng du lịch sinh thái nhưng hiện chính quyền sở tại còn thiếu kỹ thuật, nhân lực cũng như con giống và thức ăn chăn nuôi của bè cá.
Về đề xuất này, đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam tham gia đoàn công tác liên ngành đã nhất trí nghiên cứu để triển khai mô hình bè nuôi cá, cung cấp kỹ thuật và tập huấn nuôi trồng thủy sản, kể cả việc mời đoàn Campuchia đi tham quan mô hình tại Việt Nam. Kết luận tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường khẳng định sự tôn trọng pháp luật Campuchia, nghiên cứu và khảo sát thực địa đề xuất của phía tỉnh Kampong Chhnang về việc hỗ trợ xây dựng 2 con đường (tổng chiều dài 7km) vào khu tái định cơ tạm thời của cộng đồng người gốc Việt. Trong thời gian này, Thứ trưởng đề nghị phía Campuchia tạo điều kiện tối đa cho cuộc sống của bà con người gốc Việt tại khu tái định cư tạm thời về hạ tầng, chăm sóc y tế và giáo dục.