“Tam đại đồng đường” không lạc hậu

Những tưởng trong thời đại hiện nay, khi nhu cầu, đời sống riêng tư của mỗi cá nhân được đề cao thì mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường trở nên lạc hậu. Nhưng trên thực tế, mô hình này vẫn tồn tại song song với mô hình gia đình hạt nhân, thậm chí nó còn có những ưu điểm vượt trội...


Nhiều thế hệ sống chung nhà


Gia đình ông Vũ Tuấn Điệp (Cửu Việt, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) có tới 9 thành viên (gồm ông Điệp - chủ gia đình, hai con trai, hai con gái, một cô con dâu, hai đứa cháu nội và một đứa cháu ngoại) cùng chung sống dưới một mái nhà. Gia đình ông Điệp đã duy trì cuộc sống như vậy được gần 10 năm nay. Ông Điệp cho biết, để tổ chức được một cuộc sống cho 9 người, với tiêu chí gia đình thực sự là chốn mọi thành viên muốn quay về, không hề khó như nhiều người vẫn nghĩ. “Tôi là người cầm trịch, chợ búa, cơm nước cho cả nhà. Các khoản tiền chi cho sinh hoạt hàng ngày thì do các con đóng góp”.


Ông Điệp chuẩn bị bữa tối cho đại gia đình 9 người.

 

Con dâu ông Điệp cho biết, bố chồng chị trước là giám đốc một công ty lớn, nhưng đến lúc nghỉ hưu, ông lại trở thành nội người nội trợ cực kỳ tài ba. Ông nấu nướng rất ngon, đi chợ cũng rất khéo. Ông chi tiêu rất tiết kiệm mà bữa ăn vẫn rất phong phú và đủ chất dinh dưỡng. Nhà đông người, lại có cả người già và con trẻ nên mỗi bữa, ông thường làm rất nhiều món: món xào dành cho mấy anh con trai uống bia, thịt băm hay thịt kho trứng cho mấy đứa trẻ. Ông cũng biết cô con dâu và hai cô con gái ăn kiêng để giữ dáng nên bữa nào ông cũng làm món rau luộc hoặc canh ít mỡ. Nhìn vào cách ông chăm cháu, cách ông tổ chức cuộc sống cho các thành viên trong gia đình, các con ông không chỉ ngưỡng mộ mà còn chưa bao giờ có ý định ra ở riêng.


Gia đình ông Điệp không phải là diện đặc biệt vì hiện vẫn có rất nhiều gia đình ba thế hệ đang tồn tại trong xã hội Việt Nam. Thực tế đó chỉ ra rằng, mô hình “tam đại đồng đường” không hề lạc hậu trong xã hội hiện đại. Bên cạnh một bộ phận giới trẻ muốn được sống độc lập, thì vẫn có nhiều người có xu hướng muốn chung sống với bố mẹ.

 

Lợi nhiều, thiệt ít


Theo chuyên gia tâm lý Thanh Trúc (chuyên gia tư vấn của Tổng đài 1088), mô hình gia đình hạt nhân là xu hướng phát triển tất yếu, đặc biệt là ở địa bàn thành thị. Tuy nhiên, không vì thế mà mô hình gia đình đa thế hệ mất đi. Xét một cách tổng thể, gia đình đa thế hệ mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên, còn cái thiệt mà họ phải chịu thì rất ít.


Các chuyên gia kinh tế phân tích, mô hình tam đại đồng đường sẽ giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Ông Vũ Tuấn Điệp cho biết, tổng chi phí hàng tháng của gia đình ông hiện vào khoảng 15 triệu đồng; nếu tách ra làm hai gia đình nhỏ, chi phí sinh hoạt sẽ tăng lên từ 3 - 4,5 triệu đồng. Với những gia đình có con nhỏ được ông bà trông giúp, khoản tiết kiệm được sẽ lên tới 4 - 5 triệu đồng/tháng riêng cho việc trông nom trẻ nhỏ. Bởi nếu thuê người giúp việc, họ cũng phải trả công 3 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể tiền ăn, tiền thưởng hàng tháng cho người giúp việc.


Theo dự kiến, hôm nay, 16/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp phát động Năm gia đình Việt Nam. Một trong những hoạt động trọng tâm được thực hiện trong Năm gia đình Việt Nam 2013 là đẩy mạnh công tác phối hợp truyền thông về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Các hoạt động, sự kiện tuyên truyền hỗ trợ và xây dựng gia đình, xây dựng các mô hình phòng chống bạo lực gia đình sẽ được tổ chức ở các địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, đó chưa phải là cái lợi lớn nhất mà mỗi thành viên trong gia đình đa thế hệ nhận được. Theo chuyên gia tâm lý Thanh Trúc, cái lợi vô giá mà tất cả các thành viên nhận được là về mặt tình cảm. Theo đó, người lớn tuổi, nhất là những người đã về hưu, khi giúp con cháu một số công việc trong gia đình, họ có cảm giác mình là người có ích. Mặt khác, việc ở cạnh con cháu cũng giúp người già yêu đời và an tâm hơn. Thực tế cho thấy, sự thu nhỏ quy mô gia đình theo hướng con cái khi có gia đình riêng sống tách rời cha mẹ đã khiến người già có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh cô đơn và khủng hoảng tâm lý.


Với con trẻ, việc chung sống cùng ông bà giúp trẻ an toàn hơn, phát triển toàn diện hơn, đặc biệt là trong việc hình thành nhân cách. “Còn với những người trưởng thành, việc chung sống với người lớn tuổi giúp họ chín chắn hơn, giảm được nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè và ngoại tình... hơn hẳn những người sống trong gia đình hạt nhân - những người có quyền quyết định tất cả các hoạt động của mình”, chuyên gia tâm lý Thanh Trúc cho biết.


Tất nhiên, mô hình gia đình nhiều thế hệ có một điểm yếu là đời sống riêng tư của các thành viên chưa được đề cao, mâu thuẫn và xung đột giữa các thành viên dễ phát sinh. “Chìa khóa” mấu chốt hóa giải phức tạp này, theo chuyên gia tâm lý Thanh Trúc, chính là sự nhường nhịn, thấu hiểu và quan tâm lẫn nhau của tất cả các thành viên trong gia đình.


Bài và ảnh: Châu Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN