Ông Vũ Huy Quang ở thôn Lương Môn, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có điều kiện đầu tư chuồng trại nuôi thỏ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, mỗi năm xuất bán hàng chục tấn thỏ thịt và hàng ngàn thỏ giống cho nhiều hộ dân trong khu vực. Ảnh: Trần Việt
Ngoài việc chọn đực giống tốt, việc chăm sóc nuôi dưỡng thỏ đực giống có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả phối giống, tỷ lệ đậu thai, số con đẻ ra trong một lứa và chất lượng thỏ con. Có thể sử dụng thỏ đực ở độ tuổi từ 6 tháng đến 3 năm tuổi và chỉ nên cho phối giống tối đa 1 lần/ngày.
Thỏ cái sinh sản bắt đầu động dục và có thể chịu đực khi 4 - 5 tháng tuổi. Chu kỳ động dục của thỏ 10 - 16 ngày và thời gian kéo dài 3 - 5 ngày. Thỏ động dục sớm hay muộn là do thể lực, sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và môi trường khí hậu quyết định. Khi thấy thỏ lâu ngày không động dục, không phối giống được thì phải xem xét xác định nguyên nhân để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Có hai phương pháp chọn giống:
- Phương pháp chọn theo gia phả: Là cách chọn giống dựa vào sổ sách, lý lịch được ghi chép lại của các thế hệ trước (ông bà, cụ kỵ, cha mẹ…), các thế hệ cùng thời (anh, chị, em…), chủ yếu căn cứ khả năng sinh trưởng, khả năng sinh sản.
- Phương pháp chọn theo cá thể: Là căn cứ vào ngoại hình, khả năng sinh trưởng, sinh sản của cá thể được chọn.