Nỗi lo càng lớn hơn khi nhiều chủ dự án, ban quản lý chung cư "bỏ quên" hệ thống phòng chống “giặc lửa” nhằm giảm chi phí, thờ ơ trước sinh mạng của người dân. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát an toàn phòng cháy chữa cháy của các cơ quan chức năng dường như chưa được coi trọng đúng mức.
Vụ cháy xảy ra tại Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông (Hà Nội) năm 2016. Ảnh: TTXVN phát
|
Do áp lực cuộc sống, người dân buộc phải vào ở tại các cao ốc có hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa đủ điều kiện vận hành hoặc không hoạt động. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro về cháy nổ. Mới đây, “bà hỏa” đã thiêu rụi một căn hộ tại chung cư CT5B ở Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông (Hà Nội). Đây là tòa nhà đã được đưa vào sử dụng từ 6 năm qua với cả ngàn người vào ở nhưng lại chưa được nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Tiếng kêu cứu trên... chiếc chuông câm Nhiều ngày đã trôi qua kể từ thời điểm xảy ra vụ cháy tại căn hộ trên tầng 21 của tòa chung cư CT5B ở khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông, song bà Nguyễn Thị Lý, một cư dân ở tòa nhà này vẫn chưa hết ám ảnh. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, bà Lý đang nghỉ trưa và hoàn toàn không hay biết lửa cháy dữ dội ngay phía trên căn hộ của gia đình bà.
“Nhà trên cháy mà nhà dưới không hay biết, vẫn ngủ. Xảy ra cháy tại tòa nhà mà chuông báo cháy vẫn câm bặt, không hề có tiếng loa báo động hay tín hiệu nào. Chỉ đến khi có bạn từ xa điện thoại đến hỏi thăm thì tôi mới biết nhưng lúc đó người ta cũng chữa cháy xong rồi. Đấy là đám cháy nhanh chóng bị dập tắt chứ nếu cháy lớn và lan rộng thì không biết tính mạng của 300 hộ dân với cả ngàn con người sinh sống ở đây sẽ thế nào”, bà Lý lo lắng nói.
Có nhìn hiện trường “giặc lửa” gây ra đối với căn hộ trên tầng 21 tòa chung cư CT5B khu đô thị Văn Khê, Hà Đông mới hiểu được cảm giác bất an của bà Lý - một cư dân ở tòa chung cư này. Muội khói đen đặc trên các bức tường và trần thạch cao trong căn hộ có diện tích hàng chục mét vuông. Dù cách xa tâm đám cháy song sức nóng của lửa khiến chiếc tủ lạnh nám đen phía ngoài. Đồ đạc bị lửa bén nằm ngổn ngang tạo khung cảnh hoang tàn. Nhưng nguy hiểm là hầu như những cư dân sinh sống ngay cạnh căn hộ bị cháy như bà Nguyễn Thị Lý lại không hề hay biết tai họa đang rình rập chung quanh mình.
Theo phản ánh của người dân trong tòa nhà CT5B, thời điểm xảy ra vụ cháy, họ không nghe thấy tín hiệu báo cháy của tòa nhà. Hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động, chuông báo cháy hoàn toàn “câm lặng”. Sự việc chỉ được một vài người phát hiện khi khói đen nghi ngút bốc ra từ cửa sổ căn hộ và đã chạy khắp các tầng tri hô cư dân thoát ra ngoài bằng cầu thang bộ thoát hiểm, đồng thời báo cho lực lượng cứu hỏa. Ngay sau đó, lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy điều động xe chữa cháy và xe thang đến hiện trường đã kịp thời khống chế, dập tắt vụ hỏa hoạn. Rất may vụ cháy không gây thương vong về người.
Bức xúc trước hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà, bà Trần Thị Bình, Trưởng ban quản trị tòa nhà CT 5B khu đô thị Văn Khê cho hay, dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn không khắc phục tình trạng “nằm im” của hệ thống báo cháy tại tòa nhà. “Tôi đã về đây ở 6 năm nhưng có thấy hệ thống báo cháy ở đây hoạt động đâu. Chủ đầu tư đã xem thường sinh mệnh của cả ngàn người dân chúng tôi”, bà Bình bức xúc nói.
Vô cảm trước sinh mệnh người dân Tìm hiểu thông tin về tòa nhà CT5A, B khu đô thị Văn Khê mới thấy những điều đáng ngại. Chung cư CT5B gồm 2 tòa nhà A và B do Công ty Cổ phần Hà Châu OSC là chủ đầu tư, được xây dựng và bàn giao, đi vào sử dụng từ năm 2012. Công trình này có giấy chứng nhận thẩm duyệt số 16-08/TD-PCCC ngày 24/1/ 2008 do Công an tỉnh Hà Tây (cũ) cấp. Dù vẫn chưa được nghiệm thu về hệ thống phòng cháy chữa cháy song 6 năm qua, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên bàn giao toàn bộ 300 căn hộ để khoảng 1.000 người dân vào sinh sống.
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội đã “điểm mặt, chỉ tên” chung cư này là 1 trong 31 công trình chung cư cao tầng vi phạm về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng và là 1 trong 15 chung cư khó có khả năng khắc phục những tồn tại vi phạm như: Tại tầng 1,2, 3, chủ đầu tư cho một số đơn vị thuê mặt bằng, có cải tạo mặt bằng dẫn đến lối thoát nạn và hệ thống phòng cháy, chữa cháy của khu vực cải tạo không đảm bảo theo quy định.
Một số cửa buồng thang bộ, cửa tại lối ra thoát nạn mở ngược chiều thoát nạn, một số cửa buồng thang không đảm bảo là cửa ngăn cháy, có cơ cấu tự động đóng; chưa chèn kín trục kỹ thuật thông tầng. Cửa các phòng kỹ thuật điện, nước tại các tầng, cửa các gian phòng tại tầng hầm, cửa phòng bơm chữa cháy chưa đảm bảo là cửa ngăn cháy. Hệ thống báo cháy của tòa nhà không đảm bảo hoạt động, chưa được kết nối liên thông với thang máy, hệ thống gió, hút khói. Khu vực cải tạo mặt bằng đầu báo cháy, đầu phun Sprimnkelr không đảm bảo phạm vi bảo vệ và khả năng hoạt động...
Cũng trong tình trạng chưa được nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng chủ đầu tư đã bàn giao, đưa người dân vào ở như chung cư CT5A, B là chung cư cao cấp TNR Goldsilk Complex ở quận Hà Đông. Theo phản ánh của cư dân chung cư TNR Goldsilk Complex, từ tháng 6/2017 chủ đầu tư dự án này đã bàn giao nhà cho cư dân, cho tới nay đã có hơn 400 hộ về ở nhưng chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà vẫn chưa tổ chức hội nghị cư dân lần 1, chưa thành lập Ban quản trị tòa nhà theo quy định của pháp luật dù cư dân đã rất nhiều lần kiến nghị.
Đáng ngại hơn là gần đây, cư dân ở chung cư TNR Goldsilk Complex luôn trong cảnh bất an, lo ngại về an toàn tính mạng khi hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà hoạt động rất bất thường, liên tiếp báo cháy giả. Họ đã nhiều lần viết phiếu kiến nghị, gọi điện tới đường dây nóng của Ban quản lý tòa nhà cũng như bộ phận kỹ thuật để phản ánh và yêu cầu khắc phục tình trạng này nhưng không có tiến triển. Tất cả những phản ánh của cư dân đều bị phía chủ đầu tư thờ ơ, im lặng.
Việc chung cư cao tầng chưa được nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng chủ đầu tư vẫn đưa người vào ở, "phớt lờ" trước những bất an và kiến nghị chính đáng của người dân không phải là trường hợp riêng lẻ xảy ra tại chung cư CT5B Văn Khê hay chung cư TNR Goldsilk Complex. Toàn thành phố Hà Nội hiện có 1.066 công trình cao tầng, trong đó có 402 công trình xảy ra các vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Trong số các chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, hiện có 31 chung cư chưa khắc phục xong các tồn tại, vi phạm, trong đó có 17 chung cư không có khả năng khắc phục theo các quy chuẩn phòng cháy chữa cháy. Việc này đồng nghĩa với nguy cơ “giặc lửa” đe dọa tính mạng của hàng chục vạn người dân sinh sống ở các chung cư này...