Phát triển kinh tế miền núi sẽ khó đạt mục tiêu nếu vẫn chỉ hỗ trợ gia súc, gia cầm

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần có chiến lược cụ thể, huy động các nguồn lực tham gia và sẽ khó đạt mục tiêu nếu cứ “giam chân” đồng bào dân tộc thiểu số bằng các phương thức sản xuất cũ, hỗ trợ gia súc, gia cầm...

Chú thích ảnh
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội.

Tại buổi thảo luận tại tổ chiều ngày 22/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cho Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội:

Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn sẽ phát huy hiệu quả, làm thay đổi vị thế của người dân khu vực này,vì đây là khu vực có tiềm năng lớn.

Đề án đã đưa ra mục tiêu mạnh mẽ đến năm 2025, nâng mức thu nhập của đồng bào dân tộc khu vực này tăng lên gấp 2 lần so với năm 2020, và đến năm 2030 sẽ tăng gấp 2,5 lần; tốc độ tăng thu nhập giai đoạn 2020 - 2025 đạt 15% .

Tuy nhiên, trong Đề án có nội dung hỗ trợ mỗi gia đình 1 con bò cái sinh sản, 2 con bò thịt, 100 con gà… để phát triển kinh tế. Với việc hỗ trợ như vậy, thì liệu có thể đạt tốc độ tăng trưởng như mục tiêu hay không? Nếu cứ đi theo con đường mòn với các phương thức sản xuất truyền thống, sẽ vẫn “giam chân” người dân tộc thiểu số, khiến sản xuất không thể bứt phá được. 

Do vậy, Đề án cần xem xét lại cách thức hỗ trợ để phù hợp nhất, có thể khai thác tiềm năng về các lĩnh vực mới, giúp bà con bứt phá được.

Chú thích ảnh
Đại biểu Giàng A Chu, đoàn Yên Bái, thảo luận tại tổ chiều 22/10.

Đại biểu Giàng A Chu, đoàn Yên Bái:

Với đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề sinh kế, phát triển sản xuất là cơ bản, vì vậy, cần tập trung vào phát triển sinh kế với mô hình rõ nét. Những vùng này cần phải có các dự án lớn tầm cỡ vùng miền, để đủ sức hỗ trợ đồng bào tham gia phát triển kinh tế. Cũng cần có những chính sách thu hút và giao nhiệm vụ cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn phát để triển nhanh nhất. 

Để đạt mục tiêu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến năm 2025 tăng gấp đôi so với năm 2020, cần phải xác định phương hướng và những chương trình, dự án thật cụ thể. Đây là định hướng của Trung ương, còn về từng địa phương, từng cơ sở cũng phải có cách làm riêng, để tăng hiệu quả. 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội:

Đã đến lúc cần nhìn ra những tiềm năng lớn của khu vực miền núi, phát huy, phát triển. Gần đây, các khu du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam đều bắt đầu từ khai thác tiềm năng tại những vùng khó khăn, hoang vu, thậm chí khó đặt chân đến. Bây giờ, những nơi này đã mang lại doanh thu lớn cho địa phương và đóng góp cho đất nước. Do đó, cần đầu tư để đánh thức, tận dụng được các nguồn lực này.

Về mục tiêu thay đổi cơ cấu kinh tế, cần chú trọng phát triển nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là tài nguyên rừng, như: Cây cối, sông suối, đá, hang động… Tuy nhiên, vẫn phải đặt mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hoá, ngôn ngữ dân tộc.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Tạo tiền đề hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số
Tạo tiền đề hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Đây cũng là một trong những nội dung được thảo luận tại phiên làm việc chiều 22/10 của Kỳ họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN