Do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn, từ ngày 11/5, khu vực Bắc Bộ, các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên xảy ra nắng nóng trên diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Miền Đông Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày trong đợt nắng nóng này phổ biến 45-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-17 giờ.
Khu vực Hà Nội từ ngày 11/5 có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-17 giờ.
Đợt nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 16/5, ở Nam Bộ đến ngày 12/5.
Do ảnh hưởng kết hợp của nắng nóng và nắng nóng gay gắt, kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh, nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân đặc biệt phòng tránh hỏa hoạn cẩn thận, nếu có sự cố phải biết cách xử lý khoa học, hiệu quả sẽ là chìa khóa để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Người dân nên hạn chế tối đa hỏa hoạn bằng cách lắp chuông báo khói ở nhiều vị trí trong nhà, cẩn trọng với khu bếp, trong đó chú ý khi sử dụng lò nướng, lò vi sóng; sử dụng những sản phẩm, thiết bị điện uy tín, chất lượng tránh chập điện; dụi tàn thuốc và vứt đúng chỗ; đốt nến nên để trên đế cứng, ổn định và tránh xa rèm cửa hoặc những vật dụng dễ bắt cháy; lưu ý với những cửa hàng bán đồ dễ bắt lửa, ở những khu chợ dân sinh, khu công nghiệp…