Lực lượng chức năng tiến hành công tác cứu hộ người dân bị mắc kẹt do lũ tại Quảng Bình. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN |
Đặc biệt phía Bắc của tỉnh mưa rất to, nước các sông đang lên và nguy cơ lũ chồng lên lũ rất cao. Tổng lượng mưa khu vực phía Bắc của tỉnh Quảng Bình phổ biến từ 150 đến 220mm, có nơi mưa lớn hơn như: Đồng Tâm 248mm, Tân Mỹ 247mm, Quảng Minh 234mm.
Lúc 4 giờ ngày 31/10 mực nước sông Gianh đạt 6.15m, dưới báo động III 0.35m. Mưa lớn kéo dài từ chiều 30/10 đến sáng sớm 31/10 đã khiến một số tuyến đường lớn của thành phố Đồng Hới như: đường Hữu Nghị, Nguyễn Hữu Cảnh, Tố Hữu, Dương Văn An, Bà Triệu... ngập trong nước.
Mưa to che khuất tầm nhìn của người và các phương tiện tham gia giao thông, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn khi lưu thông; hệ thống điện lưới bị cắt tại một số địa bàn trong thành phố. Nhiều hộ dân, trụ sở UBND, nhà văn hóa thôn, trường học ở các xã như Văn Hóa, Châu Hóa, Tiến Hóa, Mai Hóa, Phong Hóa... (huyện Tuyên Hóa); xã Quảng Tiên, Quảng Trung, Quảng Lộc, Quảng Hải (thị xã Ba Đồn); xã Cảnh Hóa, Phù Hóa (huyện Quảng Trạch) đã bị ngập trong nước từ 0,2m– 1,5m. Một số đoạn của tuyến đê kè tại xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn), Hưng Trạch (huyện Bố Trạch)... bị sạt lở nhẹ.
Theo thông tin từ UBND huyện Quảng Trạch, mưa to từ đêm 30/10 đến sáng 31/10 khiến gần 150 hộ dân tại các xã Cảnh Hóa, Phù Hóa ngập trong nước; các tuyến đường liên thôn bị ngập và chia cắt; tuyến đường giao thông trên Quốc lộ 12A đoạn qua xã Quảng Phương, Quảng Lưu và Quảng Thạch ngập sâu hơn 0,5m; cầu phao qua thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường bị đứt dây trôi dạt gây khó khăn cho việc đi lại của nhiều hộ dân. Mưa lớn khiến thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông bị chia cắt do một phần đường bị ngập nước, còn một phần bị sạt lở hơn 1.000 khối đất đá từ trên đồi cao xuống mặt đường. Địa phương tiếp tục thực hiện các phương án phòng, chống, ứng phó với mưa lũ.
Đến sáng 31/10, địa phương đã cho di dời gần 200 khẩu từ những vùng trũng, thấp, nguy hiểm lên chỗ cao, an toàn; thông báo cho học sinh nghỉ học từ chiều 31/10; thuê xe, máy và huy động nhân lực nhanh chóng khắc phục các điểm đường bị sạt lở nhằm đảm bảo cho người và các phương tiện sớm lưu thông trở lại.
Ông Hồ Vũ Thường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: Từ chiều tối 30 đến sáng 31/10, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn với tổng lưu lượng phổ biến khoảng 200mm, khiến một số xã trên địa bàn huyện bị chìm trong nước, các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã cũng bị ngập. Đặc biệt, trụ sở làm việc của xã Văn Hóa và hơn 300 nhà dân bị ngập từ 1m-1,5m. Xã Mai Hóa có khoảng 10 nhà và hai trường tiểu học, một trường mầm non cũng ngập trong nước.
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra, bên cạnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo công điện của tỉnh, huyện Tuyên Hóa đã gửi công điện gửi về các đơn vị, cơ quan, xã, thị trấn trong huyện triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng, chống và ứng phó với mưa lũ; thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, các đơn vị, cơ quan cắt cử cán bộ và lực lượng thường trực 24/24 nhằm kịp thời xử lý và ứng cứu, giúp dân khi xảy ra sự cố; các trường học chủ động cho học sinh nghỉ học...
Tại các điểm dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở, vùng nguy hiểm, có nguy cơ bị ngập lụt chia cắt, vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, cảnh báo cho người dân biết thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó, tổ chức, thực hiện các phương án di dời dân và vật nuôi đến nơi cao và an toàn. Đến nay, trên địa bàn huyện mưa to đã giảm. Tuy nhiên, Tuyên Hóa là huyện rốn lũ của tỉnh nên nếu từ chiều tối 31/10 đến 1/11 mưa to liên tục sẽ xảy ra nguy cơ lũ chồng lũ.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, dự báo nước trên các sông Gianh, Kiến Giang, Nhật Lệ... trên địa bàn tỉnh tiếp tục lên, nguy cơ ngập lụt xảy ra rất cao. Để tiếp tục chủ động phòng, chống và ứng phó với tình hình lũ lụt xảy ra do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, sáng 31/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ông Nguyễn Hữu Hoài đã có Công điện số 28/CĐ-UBND gửi giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị, các huyện, thành phố, thị xã... yêu cầu: tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh các công điện về phòng, chống, ứng phó với đợt mưa lũ; kiểm tra rà soát phương án phòng chống lũ, lụt, phương án điều tiết nước, bảo đảm an toàn hồ đập cũng như an toàn vùng hạ du; cử cán bộ trực 24/24h ở các hồ, đập chứa nước để kiểm tra, theo dõi và có biện pháp ứng phó kịp thời, đặc biệt tập trung ở các hồ xung yếu, các hồ có nguy cơ cao; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo cho dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét biết thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó; chủ động tổ chức, thực hiện các phương án di dời dân tại các vùng nguy hiểm, vùng thường bị ngập lụt chia cắt; chuẩn bị lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò, đường ngầm để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại nhằm bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, tuyên tuyền, quán triệt cho nhân dân không vớt củi, đánh bắt hải sản trên các khu vực ngập nước, khu vực nguy hiểm, không được để xảy ra thiệt hại về người; tập trung thực hiện phương châm “4 tại chỗ” từ hộ gia đình, đến làng xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh; không trông chờ vào sự hỗ trợ, không chủ quan, lơ là; chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đủ dùng trong thời gian mưa lũ, bị chia cắt, tối thiểu 7 ngày; hướng dẫn di dời gia súc, gia cầm và các động vật nuôi khác đến nơi an toàn và các biện pháp chăm sóc trong, sau lũ lụt, giảm thiếu tối đa thiệt hại.
Ngoài ra, chỉ đạo các trường học trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn, dặn dò các em học sinh và các bậc phụ huynh về các biện pháp bảo đảm an toàn trong mưa lũ, trong trường hợp cần thiết có thể cho học sinh tại các vùng ngập lụt, các vùng bị chia cắt, các vùng nguy hiểm nghỉ học trong thời gian mưa lũ, để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người trong mưa lũ...