Một nghiên cứu cho thấy mức độ hạnh phúc của trẻ em có xu hướng tăng lên nếu người mẹ hài lòng với đấng phu quân.
Bé câm vì cha mẹ hục hặc
“Tôi vẫn nhớ một trường hợp, cô bé đã năm tuổi vốn hay véo von tự nhiên câm bặt. Cả gia đình khi đưa cháu đi khám đều hoảng loạn. Nhưng những thăm khám đều không có kết quả. Cuối cùng, cháu được đưa đến bác sỹ tâm lý”, một chuyên gia tâm lý nhớ lại. “Tôi đã ngồi với cháu rất lâu, trước đó là ngồi với bố mẹ cháu. Họ còn khá trẻ, từng lấy nhau vì yêu, nhưng sau thời gian chung sống sáu năm bỗng thấy ngột ngạt. Cãi nhau chừng nửa năm, họ phải ngồi lại với nhau trong một cuộc họp. Lần đó, quy định là không được phép cãi vã, nếu có sẽ dừng để lần sau họp tiếp. Lý do chính là việc cô con gái cưng tự dưng im bặt, không nói hàng tháng trời”, chuyên gia nói.
“Lúc đầu, bé gái rất bất hợp tác. Cháu không nói không rằng, chỉ thỉnh thoảng gật gật lắc lắc thay cho câu trả lời. Rõ ràng, cháu đã chịu một sang chấn tâm lý nặng. Rồi tôi yêu cầu bố mẹ cháu phải dành mỗi ngày nửa tiếng chơi với con, chơi với nhau. Tức là ít nhất một tối phải có nửa tiếng cả nhà ngồi thực hiện chung một hoạt động nào đó, nói chuyện phiếm, hát, hoặc chơi trò chơi. Điều khó nhất với cặp vợ chồng hay khẩu chiến này- họ phải tuyệt đối hòa thuận”, chuyên gia nói tiếp.
Rồi cuộc chữa trị hòa bình bắt đầu. Cặp vợ chồng kia cứ đến tối lại mang một bộ cá ngựa ra rủ con chơi cùng. Cũng có khi, cá ngựa được thay bằng nhảy lò cò, hoặc chui gầm ghế. Một tuần sau, bé gái cười trở lại khi thấy bố “mắc” trong gầm chiếc ghế mà chui mãi không ra. Cả nhà hôm ấy được một trận cười nắc nẻ. Vui, và vui hơn vì lâu lắm rồi gia đình mới cởi mở với nhau như vậy.
“Sau đó, bé cười nhiều hơn. Chừng bốn tháng sau, cô bé nói trở lại. Và quan hệ của bố mẹ cũng như sang một trang mới. Vì quá hoảng trước việc con bị ức chế hóa câm nên lời ăn tiếng nói của hai người cũng cẩn trọng hơn trước rất nhiều lần. Cũng nhờ thế, cả hai đều thấy những vụ quá lời trước đây của mình thật vô lý. Cho tới giờ, gia đình thỉnh thoảng vẫn điện thoại hỏi thăm tôi”, chuyên gia cho biết.
Quy luật chung cho hạnh phúc của trẻ
Điều nói ra tưởng như thừa thãi chính là việc con cái có hạnh phúc không bị ảnh hưởng bởi cảm giác hạnh phúc của mẹ. Nếu người mẹ hài lòng với chồng mình, việc cháu bé hạnh phúc là điều gần như đương nhiên. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội và Kinh tế Anh với những gia đình có con trong độ tuổi từ 10 - 15, mức độ hạnh phúc của trẻ em phụ thuộc vào trạng thái tinh thần của người mẹ nhiều hơn. Nếu một người mẹ tỏ ra hài lòng với chồng, khả năng trẻ em cảm thấy hạnh phúc là 73%. Song ở nhóm những người mẹ không cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống lứa đôi, tỷ lệ trẻ em cảm thấy hạnh phúc giảm xuống 55%.
Những yếu tố mang đến cảm giác hạnh phúc cho trẻ em gồm: Sống cùng với cả cha và mẹ (có thể là cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ kế), là con độc hoặc con út, không thường xuyên cãi cọ với cha mẹ, tham gia ít nhất ba bữa tối mỗi tuần cùng phụ huynh, mẹ cảm thấy hài lòng với chồng hoặc bạn tình.
Trong khi đó, cũng có xu hướng chung ở cả các ông bố và bà mẹ là mức độ hạnh phúc của họ dường như giảm dần theo thời gian chung sống. Mức độ giảm hạnh phúc ở phụ nữ mạnh hơn so với nam giới. Đối với nam giới, những ấm ức trong sự nghiệp là nhân tố hàng đầu khiến mức độ mãn nguyện với vợ giảm.
Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, các gia đình muốn có con cái hạnh phúc nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng cuộc sống của người vợ. Chất lượng cuộc sống ở đây không chỉ đơn thuần là nhu cầu vật chất mà phụ thuộc lớn vào yếu tố tinh thần. Đây cũng chính là cơ sở để phụ nữ có thể xóa bỏ bất bình đẳng giới.
Cầm Trang