Làm thế nào để tránh chó nhà tấn công trẻ nhỏ?

Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) mới đây liên tiếp tiếp nhận hai bệnh nhi bị chó nhà cắn trong tình trạng rất nguy kịch. Theo các bác sĩ, để trẻ một mình chơi với chó rất nguy hiểm nhất là những con chó to.

Vào một buổi trưa khi người nhà đang bận rộn công việc thì bé N. T. L. (Đắk Lắk) ngồi chơi với chó nuôi trong nhà. Tuy nhiên, trong lúc chơi đùa, bé L. đã dùng cọc tre đánh vào con chó, bất ngờ con chó có trọng lượng 19 kg đã lao vào cắn xé bé. Nghe tiếng con khóc thảm, người mẹ chạy lên thì thấy bé đã bị chó cắn rách mặt, một mảng thịt lớn rơi giữa nhà.


Theo bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó trưởng khoa Tai mũi họng bệnh viện Nhi Đồng 1, bé trai nhập viện trong tình trạng bị chó cắn rất nặng, mất cả phần mũi, mất cả sụn sống mũi và sụn thác mũi. Mảng thịt dù được bảo quản trong thùng đá nhưng do thời gian quá lâu, hơn 12 giờ, nên phần lớn bị hoại tử. Sau khi phẫu thuật ghép vào, bác sĩ hiện đang cố gắng bảo tồn bằng cách tiêm kháng sinh loại mạnh để ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên không thể tiên lượng tình trạng sau này của bé.


Còn trường hợp thứ 2 là bé trai tên N.T.Đ. (5 tuổi ở Đồng Nai) bị 2 con chó béc giê cắn xé vào cổ và đùi khiến bé bị thủng khí quản. Bé được chẩn đoán suy hô hấp, tràn khí màng phổi 2 bên, tràn khí trung thấp. Ngay lập tức, bé được chuyển vào phòng mổ cấp cứu. Các bác sĩ đã tiến hành khâu lại vết hở và phát hiện vết thủng ngay sụn thứ 1 của khí quản. Đây chính là nguyên nhân khiến khí tràn khắp cơ thể bệnh nhi.


Bác sĩ Nguyễn Thế Huy cho biết, để trẻ nhỏ chơi đùa một mình cùng với chó, đặc biệt những con chó to là cực kỳ nguy hiểm. Các bậc cha mẹ nên để ý, quan tâm đến con nhỏ để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Trong miệng chó có nhiều loại vi trùng, nhất là ở răng và nước bọt. Khi bị chó cắn xé, vi trùng sẽ lây lan vào các mô, gây nguy hiểm cho trẻ. Bị chó cắn không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ của trẻ mà còn tác động tới chức năng hoạt động của bé sau này.


Các chuyên gia y tế thế giới cảnh báo, bệnh dại do bị chó cắn nằm trong 10 căn bệnh gây tử vong nhiều nhất do bị nhiễm độc. Thực tế cho thấy, 100% số trường hợp bị chó dại cắn có nguy cơ tử vong. Nhưng cũng có thể phòng tránh và chữa lành hoàn toàn nếu người bệnh được sử dụng thuốc đặc trị đúng lúc và đầy đủ.


Theo các chuyên gia, trẻ em thường dễ bị các loại động vật cắn hơn là người lớn, vì thế các bậc phụ huynh cần đặc biệt cẩn trọng khi đưa trẻ mới sinh từ viện về nhà nếu gia đình bạn có thú nuôi. Trong 2-3 tuần tuổi đầu bạn cũng không được để trẻ ở một mình với động vật và phải giám sát cẩn thận các con vật nuôi trong nhà. Trường hợp trong nhà có trẻ nhỏ và đang có kế hoạch mua một con vật nuôi, tốt nhất là hãy đợi cho đến khi trẻ đủ lớn khoảng 5-6 tuổi để có thể điều khiển và chăm sóc được chúng.


Để trẻ tránh bị những cuộc tấn công của động vật, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1, hướng dẫn:  Phụ huynh dạy trẻ cách vuốt ve chó mèo phần lưng, không cho đùa giỡn phần mặt, đầu và phần đuôi; không cho kéo đuôi, không chơi trò giấu xương, giấu đồ ăn mà chúng thích. Phụ huynh cũng cần phải nghiêm khắc không cho trẻ chọc thú nuôi khi chúng đang ăn hay khi ngủ; không để trẻ nhỏ một mình với thú nuôi vì bé không biết thú nuôi đang muốn gì; dạy trẻ không tiếp cận với thú nuôi lạ; dạy trẻ không bỏ chạy, đạp xe, ném đá khi chó lạ đến gần hay sủa...


Theo khuyến cáo của Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế ), người dân cần phải tiêm ngừa dại cho thú nuôi trong nhà. Nếu không may bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút hoặc rửa bằng nước lạnh thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.


Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa và cần đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Trong thời gian tiêm phòng vẫn tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên chờ đợi theo dõi chó ốm như nhiều người quan niệm, bởi nhiều con chó 2 - 3 tuần sau mới phát bệnh, lúc này người bị chó cắn mới vội đi tiêm thì đã muộn.


Đ.Phương/Báo Tin tức
Học sinh bị tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 do... uống nước ngọt
Học sinh bị tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 do... uống nước ngọt

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước ngọt có ga, nước tăng lực và thức ăn nhanh là những loại thực phẩm hàng đầu dẫn đến các bệnh không lây nhiễm ở trẻ em như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN