Lâm Đồng: Một thôn 'gánh' 4 quy hoạch, người dân lao đao

Hiện nay, cả 4 quy hoạch hầu như bao trùm gần hết diện tích của thôn Tân Bình gây nhiều khó khăn, bất cập cho bà con. Trong đó đặc biệt là nhu cầu tách thửa đất, xây dựng, sửa chữa nhà ở bởi nhiều hộ muốn mở rộng nhà hoặc cho con đất khi con cái đã lớn nhưng đều bế tắc...

 

Chú thích ảnh
Căn nhà xuống cấp của hộ ông Lôi Văn Lực (thôn Tân Bình, xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc) không thể sửa chữa do nằm trong diện quy hoạch trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Chỉ một thôn của xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) nhưng lại phải “gánh” đến 4 quy hoạch khác nhau. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, các dự án hầu như chưa được triển khai khiến hàng trăm hộ dân bức xúc.

Thôn Tân Bình (xã Lộc Châu) ở cách trung tâm thành phố Bảo Lộc chưa đầy 2km. Khu dân cư này nằm sát tuyến Quốc lộ 20 nhưng hơn 10 năm nay hầu như nhà của dân cư không phát triển được bởi “gánh” đến 4 quy hoạch khác nhau. Đó là: Quy hoạch dự án Trường Đại học Tôn Đức Thắng, quy hoạch Khu dân cư Tân Bình, quy hoạch sinh thái núi Sa Pung và quy hoạch vành đai xanh đường tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc.

Theo thống kê, thôn Tân Bình hiện có hơn 200 hộ dân sinh sống cùng nhiều diện tích đất sản xuất. Trục đường chính của thôn đấu nối với Quốc lộ 20 đang được nâng cấp mở rộng nhưng người dân trong thôn không mấy phấn khởi bởi “có được làm gì đâu mà vui”.

Ông Lôi Văn Lực (thôn Tân Bình, có nhà nằm trong quy hoạch Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho biết, căn nhà cấp 4 rộng 60m2 của gia đình ông xây dựng hàng chục năm nay hiện đã xuống cấp trầm trọng nhưng không thể sửa chữa, xây nhà mới do vướng quy hoạch từ năm 2011.

“Diện tích đất của gia đình tôi tổng cộng 400m2, có 100m2 đất thổ cư nằm ngay mặt tiền đường lớn nhưng hiện tại cũng không thể làm gì được dù nhu cầu mở rộng nhà cửa rất cấp thiết khi con cái đã lớn”, ông Lực thông tin.

Tương tự, trường hợp hộ ông Cao Văn Tiến (cuối thôn Tân Bình, xã Lộc Châu) cũng vào thế tiến thoái lưỡng nan khi công trình nhà ở đang xây dưng thì vướng quy hoạch nên phải tạm dừng thi công. Trước đây, cả gia đình 6 người ở căn nhà cấp 4 đã xuống cấp. Đến đầu năm 2023, ông dỡ bỏ nhà cũ để dựng nhà mới cho con ở nhưng vừa làm được một nửa, chính quyền địa phương yêu cầu tạm dừng vì ở trong vùng quy hoạch.

“Từ đó đến nay cả nhà tôi phải đi thuê nhà ở rất tốn kém trong khi kinh tế khó khăn, thu nhập không ổn định. Tôi mong Nhà nước nếu quy hoạch thì triển khai làm sớm còn không thì hủy bỏ để người dân sửa sang nhà cửa, ổn định cuộc sống”, ông Tiến kiến nghị.

Chú thích ảnh
Sau hơn 10 năm, dự án Trường Đại học Tôn Đức Thắng (thôn Tân Bình, xã Lộc Châu, Bảo Lộc) chỉ triển khai được một số hạng mục nhỏ. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Toàn (Trưởng thôn Tân Bình, xã Lộc Châu), hiện nay, cả 4 quy hoạch nêu trên hầu như bao trùm gần hết diện tích của thôn gây nhiều khó khăn, bất cập cho bà con. Trong đó đặc biệt là nhu cầu tách thửa đất, xây dựng, sửa chữa nhà ở bởi nhiều hộ muốn mở rộng nhà hoặc cho con đất khi con cái đã lớn nhưng đều bế tắc.

Ngoài ra, do vướng quy hoạch nên nhiều hộ dân có đất sản xuất cũng lao đao vì không thể chuyển đổi cây trồng dài ngày như sầu riêng, cà phê mà chỉ được trồng những loại cây ngắn ngày, giá trị kinh tế thấp. “Bà con trong thôn đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh qua tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến nhân dân nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Toàn cho hay.

Liên quan đến vụ việc, UBND thành phố Bảo Lộc hiện đã giao Phòng Quản lý đô thị phối hợp cùng đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND thành phố tiếp thu, xử lý, giải quyết kiến nghị của người dân. Trong đó, có kiến nghị nếu quy hoạch nào không thực hiện thì hủy bỏ, quy hoạch nào thực hiện đẩy nhanh bồi thường, hỗ trợ để người dân yên tâm sinh sống, làm ăn lâu dài.

Bài và ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN