Rước họa vì làm đẹp cấp tốc
Nôn nao làm đẹp để kịp đón Tết, chị N.T.N (sinh năm 1993, ngụ Nha Trang) đã đến một cơ sở spa để tiêm 100cc filler vào mỗi bên mông. Tuy nhiên, sau tiêm 1 ngày, mông chị bắt đầu có dấu hiệu đau nhức, căng cứng. Các vết bầm xuất hiện trên mông ngày càng đậm hơn, liên tục chảy mủ không ngừng, 2 mông sưng bầm, đau nhói khiến chị đứng ngồi không yên. Quá lo lắng, chị N. đã phải cấp tốc bay từ Nha Trang vào TP Hồ Chí Minh để điều trị.
Qua thăm khám lâm sàng, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Tổng Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW cho biết, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy filler đã lan rộng khắp vùng mông của bệnh nhân đến tận khu vực xương chậu, khiến cho mông bị sưng phồng, cứng, nhiều vùng bị vón cục. Mông trái bị chai cứng vì filler tích tụ lâu ngày, xuất hiện nhiều vết bầm tím có dấu hiệu hoại tử nhiễm trùng. Mông phải vì từng đục lỗ để nặn filler nhưng không xử lý triệt để, khiến filler liên tục tuôn trào không dừng. Nếu không điều trị khẩn cấp sẽ dẫn đến hoại tử.
Suốt 5 giờ đồng hồ, ê kip phẫu thuật đã thu về gần 2 lít gồm filler, dịch mủ, mô hoại tử và nhiều tạp chất không xác định. Bác sĩ Trần Trung Tín, thành viên ê kip mổ cho biết, đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện hút ra lượng lớn dịch mủ từ cơ thể bệnh nhân như vậy. Khó khăn nhất là do filler đã len lỏi khắp các mô cơ, buộc ê kip phải phá từng vách để hút được hết dịch mủ bên trong. Bệnh nhân sẽ được điều trị tích cực bằng kháng sinh mạnh và đặt máy VAC chuyên dụng để hút dịch và mô hoại tử từ 1 - 2 tuần mới hy vọng giải quyết tình trạng áp xe triệt để.
Chị N.T. N cho biết, do mong muốn sở hữu mông căng tròn quyến rũ nhưng lại e ngại việc nâng mông bằng túi xâm lấn đau đớn nên chị đã đến một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn thể thực hiện tiêm filler độn mông cấp tốc. Cơ sở thẩm mỹ này chỉ cho biết đây là filler Hàn Quốc, khi tiêm vào mông sẽ căng đầy tức thì.
Bên cạnh tiêm các chất làm đầy không an toàn, nhiều chị em còn chọn phương pháp giảm cân, giảm mỡ cấp tốc không an toàn bằng cách tiêm chất tan mỡ theo quảng cáo của các cơ sở spa. Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Thanh Giang, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, mới đây đơn vị tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 49 tuổi ngụ tại TP Hồ Chí Minh bị áp xe sau tiêm tan mỡ được 2 tháng. Bệnh nhân đến khám trong tình trạng vùng bụng, hông đùi xuất hiện nhiều nốt đỏ, viêm và chảy mủ. Bệnh nhân sau đó được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và được điều trị bằng các thuốc kháng sinh, kháng viêm liều cao.
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó 2 tháng, chị có xem quảng cáo trên facebook nên liên hệ và tìm đến cơ sở thẩm mỹ ở Quận 10 để tiêm tan mỡ. Tại đây, chị được nhân viên tư vấn liệu trình tiêm tan mỡ thực hiện nhanh chỉ trong vòng 45 phút, không đau. Chỉ cần bôi tê xong nằm yên, bác sĩ tiêm tinh chất hủy mỡ, sau 5 - 7 ngày mỡ sẽ được đào thải qua hệ bài tiết và chị sẽ lấy lại được vóc dáng thon gọn; chi phí cho một liệu trình này khoảng hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau tiêm 1 tuần, vùng bụng, hông, đùi của chị nổi nhiều nốt đỏ, sưng, cứng, ổ mủ xuất hiện dày đặc hơn, gây đau nhức...
Thận trọng khi chọn cơ sở làm đẹp
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Giang cho biết, hiện nay không có loại thuốc tiêm tan mỡ nào được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, vì vậy thuốc mà cơ sở thẩm mỹ tiêm cho bệnh nhân là hàng trôi nổi, không an toàn. Ngoài ra, cơ sở spa có thể pha thêm các thành phần khác gây hoại tử da hay thần kinh, cơ, gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, điều trị tai biến tiêm tan mỡ là điều trị khó, bệnh nhân được theo dõi lâu dài và điều trị tích cực. Một số bệnh nhân sau điều trị ổn vẫn có thể tái phát và hậu quả là để lại di chứng sẹo xấu.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Giang khuyến cáo phương pháp giảm mỡ hiệu quả và an toàn nhất vẫn là thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục. Để giảm mỡ an toàn và hiệu quả, bệnh nhân nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn. Việc tiêm tan mỡ tại spa tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là để lại sẹo xấu vĩnh viễn nếu tai biến xảy ra.
Theo TS. BS Nguyễn Phan Tú Dung, hiện nhu cầu làm đẹp dịp cận Tết tăng rất cao. Nhiều chị em sợ đau thường sẽ chọn những phương pháp làm đẹp không xâm lấn hoặc cấp tốc giá rẻ ở các cơ sở spa. Tuy nhiên, mọi người cần biết, không phải quảng cáo nào cũng chính xác 100%. Đặc biệt, các cơ sở spa chui thường lợi dụng lúc này để quảng cáo sai sự thật, lừa gạt khách hàng. Thời gian qua, Bệnh viện JW liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng thẩm mỹ sau khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ "chui". Đáng nói, tỷ lệ biến chứng do tiêm chất làm đầy luôn chiếm tỷ lệ cao trong số các nhóm làm đẹp.
“Nhiều người lựa chọn tiêm filler vì không cần phẫu thuật, có hiệu quả tức thì, nhưng đó chỉ là khi chọn đúng cơ sở uy tín, thực hiện bởi đúng bác sĩ chuyên môn và tiêm đúng loại filler chất lượng, an toàn. Nếu ngày bình thường, bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca hoại tử sau tiêm filler tại cơ sở làm đẹp "chui" thì hiện tại con số này lại tăng báo động vào dịp cận Tết, khi nhu cầu đẹp cấp tốc đón Tết tăng nhanh”, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung chia sẻ.
Tương tự, trong tháng cuối năm 2022, các đơn vị tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Chợ Rẫy... liên tiếp nhận và điều trị cho hàng chục ca biến chứng do làm đẹp cấp tốc. Phần lớn các trường hợp bị biến chứng là do làm đẹp tại các cơ sở không phép, không đủ tiêu chuẩn và không được cơ quan chức năng cấp phép.
Theo các bác sĩ, làm đẹp là một nhu cầu thiết yếu, đặc biệt là chị em phụ nữ thì ai cũng muốn mình xinh đẹp hơn trong thời điểm Tết đến xuân về. Tuy nhiên, người dân muốn đi làm đẹp phải chọn nơi uy tín, hỏi người thực hiện các thủ thuật có phải là bác sĩ hay không, có chứng chỉ hành nghề hay không, cơ sở có giấy phép làm đẹp hay không, chất làm đầy tiêm vào cơ thể phải được Bộ Y tế chứng nhận đạt chuẩn và cấp phép...
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, một khó khăn không nhỏ cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước khi chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của các cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp, hiện tượng phổ biến đó là hầu hết biển hiệu của các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên “Thẩm mỹ viện…” hay “Viện thẩm mỹ...”...
Ngành y tế khuyến cáo, người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép, hãy gọi ngay đường dây nóng chuyên tiếp nhận các phản ánh hành nghề trái phép, vẽ bệnh qua số 0989.401.155, hoặc vào ứng dụng "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở Y tế có thông tin kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (thuộc nhóm 3, do Bộ Y tế cấp phép hoạt động) hoặc Sở Y tế cấp phép hoạt động (phòng khám thẩm mỹ)) và 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da (thuộc nhóm 2, cơ sở đã gửi văn bản thông báo đủ điều kiện đến Sở Y tế và được công bố trên Cổng thông tin) và nhiều cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng (thuộc nhóm 1, do UBND quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép hoạt động).