Khuyến khích học sinh vào trường nghề

Bên lề Quốc hội, đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết những cơ chế chính sách mới để thu hút học sinh vào trường nghề tại Luật Dạy nghề sửa đổi:


Đại biểu Đào Trọng Thi


* Luật Dạy nghề sửa đổi lần này đã đề ra những chính sách nào để thu hút học sinh vào học nghề, thưa ông?


Luật dạy nghề sửa đổi nhằm đẩy mạnh việc phân luồng. Nếu làm tốt được việc phân luồng chắc chắn sẽ thay đổi cơ cấu học sinh tham gia học nghề. Theo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thí niên và Nhi đồng đối với Luật dạy nghề sửa đổi, Chính phủ cũng đã tiếp thu và sẽ thể hiện theo 4 nhóm giải pháp: Trước hết là tuyên truyền, giáo dục và hướng nghiệp. Có thể thấy thời gian qua, các trường cao đẳng, đại học làm tốt công tác này trong khi các trường nghề ít quan tâm đến tuyên truyền công tác hướng nghiệp.

Tiếp đó là có chính sách ưu tiên để thu hút các em vào học nghề sau THCS, theo hướng miễn toàn bộ học phí học nghề, ưu tiên cháu nào học giỏi ở trình độ cao đẳng thì chuyển lên đại học không phải thi. Các em học nghề chỉ học nghề sau 1-2 năm có thể tốt nghiệp sớm hơn THPT và muốn học cao hơn có thể học thêm các học phần về văn hóa. Nếu vậy đi theo học nghề còn tốt hơn học THPT và đây là lợi thế để thu hút học nghề.

Thứ ba là làm cho chất lượng dạy nghề lên, vì có chất lượng mới tạo ra nhu cầu sử dụng lao động mới hấp dẫn.

Cuối cùng là giải pháp sau khi học nghề, học viên có việc làm, thu nhập hấp dẫn hơn. Theo đó, chúng ta thiết kế có lương khởi điểm cho những người tốt nghiệp các bậc học nghề. Trước đây học nghề xong, các doanh nghiệp chỉ trả lương tối thiểu nhưng giờ Luật quy định, các em tốt nghiệp các trình độ nghề thì có lương khởi điểm.

Đây là những cải cách để tạo ra sự hấp dẫn về quyền lợi và thu nhập cho các em theo học nghề. Nếu thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, việc phân luồng sẽ có những chuyển biến mới từ năm nay. Theo tôi năm nay, số đăng ký vào đại học, cao đẳng đã giảm nhiều và hy vọng nhiều người sẽ chuyển sang học nghề. Giải pháp đã có, quan trọng là việc triển khai thực hiện ra sao khi Luật Dạy nghề sửa đổi được thông qua.

* Vậy, theo ông, luật Dạy nghề có khắc phục được những bất cập trong phân luồng hiện nay?


Nếu các chính sách ưu đãi cho học nghề được triển khai sẽ gỡ nút thắt trong phân luồng, làm sao để vị thế dạy nghề được hấp dẫn hơn. Còn về nguồn lực cho dạy nghề sẽ phải đẩy mạnh xã hội hóa, vì ở đây ngân sách giáo dục tập trung cho những vùng miền khó khăn. Trừ một số ngành nghề trọng điểm quốc gia, rồi một số ngành nghề mà nhà nước cần nhưng xã hội hóa khó thì nhà nước phải đầu tư. Còn những ngành nghề còn lại thì cố gắng làm sao để phát huy cả nhà nước và nhân dân cùng tham gia đóng góp của người học, doanh nghiệp, xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta làm các sản phẩm dạy nghề được xã hội chấp nhận và được đối xử công bằng so với cái nguồn cung cấp nhân lực khác.

* Nhưng thực tế năm nay, Bộ GD ĐT bỏ thi “ba chung”, hạ điểm chuẩn vét nhiều học sinh vào đại học liệu có thu hút được học sinh học nghề không thưa ông?


Những trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) mở rộng cửa mà không có chất lượng thì xã hội người ta cũng không chấp nhận. Thực tế hiện nay thất nghiệp rất nhiều. Nhà nước không có chủ trương phân biệt trường công, trường dân lập nhưng nhiều địa phương vẫn phân biệt, không chấp nhận sinh viên tại các trường có chất lượng kém, trong đó có rất nhiều là trường ngoài công lập.

Như vậy, chọn trường kém chất lượng chưa chắc đã phải là một giải pháp đúng đắn và cũng không hấp dẫn với học sinh hiện nay. Chỉ biết năm nay, học sinh tốt nghiệp PTTH đăng ký thi vào ĐH là giảm đi nhiều. Tuyển sinh vào học nghề phải sau tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ rồi mới biết có “chảy” sang học nghề hay không.

* Thực tế các trường, trung tâm dạy nghề vẫn chạy theo số lượng trong khi chất lượng chưa đảm bảo, ông đánh giá sao về việc này?


Các trung tâm dạy nghề thường đào tạo những tay nghề ngắn hạn. Còn luật Dạy nghề chúng ta đang đề cập đến những chương trình đào tạo nghề có chứng chỉ quốc gia và có bằng cấp. Dạy nghề nói đến 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề chứ không phải là đào tạo ngắn hạn. Đào tạo ngắn hạn là đào tạo để giúp người lao động có những kỹ năng nhất định để khi làm nghề, đó chỉ là nghề phổ thông. Còn lao động đã có bằng cấp thì tối thiểu cũng phải có chứng chỉ trình độ sơ cấp, chứng chỉ quốc gia và nằm trong hệ thống các trình độ kỹ năng nghề quốc gia. Đây là cơ sở để chúng ta xếp lương khởi điểm nó cao hơn lương lao động phổ thông.

* Vậy dự thảo luật này có giúp làm giảm tình trạng loạn các trung tâm dạy nghề như hiện nay hay không?


Những cơ sở dạy nghề nào được thành lập và được đào tạo 3 trình độ nghề phải có đủ điều kiện, thành lập xong phải có chương trình đào tạo, có những điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì mới được phép hoạt động.


Quy định với các trung tâm dạy nghề cũng tương tự như quy định của các cơ sở giáo dục đại học, cũng có điều kiện thành lập, được phép thành lập, cho phép hoạt động và cho phép đào tạo từng ngành nghề cụ thể. Các trung tâm dạy nghề có đủ điều kiện mới được thực hiện chứ không phải muốn làm gì thì làm.

Từ sơ cấp nghề trở lên đã được cấp chứng chỉ quốc gia thì không phải ai cũng được cấp.

* Khó khăn với nhiều học viên học nghề là được học liên thông. Vậy Luật Dạy nghề sửa đổi có khắc phục nhược điểm này không thưa ông?


Luật dạy nghề tạo điều kiện cho học liên thông. Học sinh học giỏi cao đẳng nghề thì có thể được học lên đại học mà không phải thi.

Tuy nhiên, chúng ta phải tránh biểu hiện xấu, tức là học sinh đi học nghề chỉ là cái cớ, là khâu trung gian để đi học lên đại học mà không phù hợp với khả năng của mình. Học nghề trước hết phải làm nghề đã, sau khi tích lũy kinh nghiệm, tích lũy điều kiện sống và quyết tâm đi học thêm để nâng cao chứ đừng nghĩ đi học nghề chỉ là bước trung chuyển rồi sau đó lên học đại học. Nếu học sinh đi học sau, đi làm tích lũy trước thì khi các cháu trưởng thành, có nhận thức đúng rồi lúc đó đi học tiếp để đạt thành công.

* Xin cảm ơn ông!



Xuân Minh (thực hiện)

Thí sinh lúng túng với đổi mới tuyển sinh
Thí sinh lúng túng với đổi mới tuyển sinh

Là năm đầu tiên thí điểm phương án tuyển sinh ĐH,CĐ đổi mới, nhưng thông tin về phương án tuyển sinh xem ra vẫn còn chưa rõ ràng, khiến cho nhiều thí sinh đến nay vẫn đang lúng túng với việc chọn trường, đăng ký hồ sơ dự thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN