Lúc hơn 11 giờ ngày 8/4, chỉ số AQI tại Phù Xá vẫn ở mức màu tím (232), chất lượng không khí rất xấu. Trong số 54 điểm quan trắc còn lại, có 3 điểm màu cam gồm Trạm khí trung tâm quan trắc phường sông Hiến (Cao Bằng), trụ sở Công an phường Hàng Mã và UBND thị trấn Xuân Mai (Hà Nội)- những người nhạy cảm mới gặp các vấn đề về sức khỏe; 51 điểm màu vàng và xanh tức không khí ở mức chấp nhận được và tốt.
So với ngày 7/4, website moitruongthudo.vn của UBND thành phố Hà Nội ghi nhận các điểm màu vàng nhiều hơn và màu xanh ít đi, tương ứng chất lượng không khí dao động ở mức trung bình ở nhiều khu vực hơn mức tốt, trong đó có 15 khu vực trung bình và 17 khu vực ở mức tốt.
Trên các ứng dụng khác, PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), không ghi nhận nơi nào ở Bắc Bộ có không khí ô nhiễm ở mức nguy hại hoặc rất xấu. Số điểm màu đỏ (xấu) cũng giảm xuống còn 10 điểm so với 27 điểm ngày 7/4 trong cùng thời điểm, chủ yếu tập trung tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Nhiều điểm quan trắc ở Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và một vài điểm ở Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa có chất lượng môi trường không khí tốt.
Theo ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), các điểm có chỉ số chất lượng không khí màu đỏ tập trung nhiều ở Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương. Tại các khu vực này, người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Khu vực Hà Nội có nhiều điểm không khí ở mức chấp nhận được (màu vàng) hoặc những người nhạy cảm mới gặp các vấn đề về sức khỏe (màu cam).
Để không khí trong sạch hơn, các chuyên gia môi trường cho rằng cần áp dụng những giải pháp khả thi như dùng những nguồn năng lượng sạch hơn, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tăng không gian xanh ở các khu đô thị, không đốt rơm rạ, hạn chế tối đa ra đường vào giờ cao điểm...
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang kiến tạo mạng lưới quan trắc môi trường không khí hiện đại và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương nhằm xác định chính xác nguồn ô nhiễm, khả năng phát tán ô nhiễm để giám sát hiệu quả nguồn ô nhiễm, cung cấp thông tin cho việc quyết định phương án kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường và ứng phó với sự cố môi trường không khí. Bên cạnh việc hưởng ứng trồng 1 tỷ cây xanh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam (Tree Map) thông qua ứng dụng công nghệ số 4.0 nhằm để quản lý, chăm sóc cây xanh.