Không chặn đường sinh sống của người dân
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về Thông tư 30 "Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố" - một thông tư trước đó đã bị nhiều người dân "tiên đoán" là sẽ chỉ có thể triển khai trên giấy.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) ngày 5/1. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN. |
Tết Nguyên đán - thời điểm dễ bùng phát những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đã cận kề. Cùng với đó, ngày 20/1 tới, Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế "Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố", sẽ có hiệu lực.
Cuộc trò chuyện của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời", phát sóng tối 13/1, trên kênh VTV1- THVH về chủ đề này do đó đã thật sự "nóng" và thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.
Thông tư 30 được Bộ Y tế ban hành ngày 5/12/2012, quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố... Trong đó, những quy định về kinh doanh thức ăn đường phố đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân, bởi lâu nay, "ăn đường phố" đã là một thói quen, thậm chí được coi là một nét ẩm thực của nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.
Theo quy định này, thức ăn đường phố phải được bày bán cách biệt các nguồn ô nhiễm, có khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn, đồ uống bảo đảm vệ sinh, phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại.
Các cửa hàng thức ăn đường phố phải có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh; có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm.
Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập. Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. Trang bị đầy đủ, sử dụng thường xuyên thùng rác có nắp, túi đựng để thu gom, chứa đựng rác thải và phải chuyển đến địa điểm thu gom rác thải công cộng trong ngày; nước thải phải được thu gom và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nơi kinh doanh...
Những quy định trong thông tư là phù hợp và sẽ rất lý tưởng nếu có thể thực hiện được. Tuy nhiên, như nhiều người dân đánh giá, thì tính khả thi của Thông tư là rất ít, khi mà hàng ngàn người vẫn đang ngày ngày bám vào vỉa hè để kiếm kế sinh nhai.
Bên cạnh đó, có một vấn đề mà người dân đặt ra là liệu sẽ lấy đâu ra lực lượng đủ để triển khai kiểm tra và xử phạt những hàng rong, quán cóc trên vỉa hè? Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Đó cũng là suy nghĩ của chúng tôi khi ban hành Thông tư 30. Tôi cũng khẳng định ngay rằng Thông tư này ra đời không có nghĩa là cấm việc kinh doanh trên đường phố". Còn về lực lượng kiểm tra, xử phạt, theo Bộ trưởng, trong Thông tư 30, cũng như trong luật ATVSTP, thức ăn đường phố đã được phân cấp cho chính quyền địa phương ở xã, phường trực tiếp quản lý. Và chính quyền địa phương có rất nhiều lực lượng để có thể triển khai việc kiểm tra, xử lý này.
"Tất nhiên không thể một sớm một chiều mà chúng ta có thể giải quyết được vấn đề thức ăn đường phố, nhưng Thông tư 30 và những quy định khác chính là những hàng lang pháp lý cơ bản để chúng ta tiến dần tới việc thức ăn đường phố phải đảm bảo được các tiêu chuẩn: Thứ nhất là đảm bảo ATVSTP cho người dân, qua đó đảm bảo sức khoẻ cho người dân; thứ hai là góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị. Phải có điều kiện, có tiêu chuẩn, chứ nếu chúng ta cứ "thả", thì không biết những quán ăn cóc vỉa hè mất ATVSTP với việc một xô nước rửa hàng trăm cái bát; thức ăn để cạnh cống rãnh, chỗ ngồi ăn uống thì đầy bụi bặm... Chúng ta phải quyết tâm tiến tới để có một bộ mặt đô thị khang trang, nhưng vẫn đồng thời đảm bảo cho người dân quyền được kinh doanh", Bộ trưởng khẳng định.
Đồng bộ ở mọi khâu
Những ngày qua, dư luận rất quan tâm tới thông tin Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cùng dẫn đầu đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo quốc gia về an toàn thực phẩm, trực tiếp đi kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ Đồng Xuân và cơ sở sản xuất giò chả Quốc Hương (số 9 phố Hàng Bông, Hà Nội).
Quan tâm, bởi đây là lần đầu tiên hai bộ trưởng của ngành y tế và nông nghiệp cùng trực tiếp đi kiểm tra về an toàn thực phẩm nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Và quan trọng hơn, dư luận hy vọng với chuyến kiểm tra này, vấn đề ATVSTP của Việt Nam sẽ có những khởi sắc hơn, sau một năm với rất nhiều "bề bộn".
Theo Bộ trưởng Kim Tiến, chuyến kiểm tra ngày 5/1 vừa qua là một cuộc khảo sát, để mở đầu cho một đợt kiểm tra, thanh tra toàn diện, cụ thể, sẽ diễn ra từ Trung ương đến địa phương, tỉnh, huyện, xã vào dịp cao điểm là Tết Nguyên đán. "Bộ Y tế cùng các bộ liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Công an, các tổ chức Mặt trận Tổ quốc... đã chuẩn bị, lập kế hoạch và đã thực hiện tháng cao điểm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán với chủ đề "Bữa ăn an toàn". Chúng tôi đã thành lập 8 đoàn kiểm tra, thanh tra của TƯ để kiểm tra 24 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, đông dân. Đồng thời tất cả các tỉnh, thành phố đều phải tiến hành thanh, kiểm tra từ tuyến tỉnh tới xã, phường về tất cả quá trình, các khâu từ chế biến, sản xuất, kinh doanh, phân phối, sử dụng, đến tận tay người dùng".
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đợt thanh, kiểm tra này có một thuận lợi khi Nghị định số 91/2012/NĐ-CP "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm", ban hành ngày 8/11/2012 đã được triển khai. "Nghị định này rõ ràng nghiêm khắc hơn nhiều. Nếu kiểm tra mà phát hiện vi phạm thì có thể xử phạt cao nhất tới 100 triệu đồng. Thậm chí nếu việc xử phạt đó vẫn chưa đúng mức, thì có thể xử tới mức gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm; đồng thời có thể rút giấy phép điều kiện kinh doanh. Ngoài ra sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những cơ sở sản xuất, những mặt hàng không đạt tiêu chuẩn, để người dân quay lưng lại với những sản phẩm đó", Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong tháng cao điểm, sẽ triển khai truyền thông rộng rãi bằng mọi hình thức như kết hợp với Đài THVN, đài TNVN, TTXVN và các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền rộng rãi tới người dân, giúp người dân hiểu được những văn bản quy phạm pháp luật, để chọn những mặt hàng tiêu thụ ngày Tết như: rượu, bánh kẹo, thịt, cá, rau, quả, trứng, mứt… có nguồn gốc, có địa chỉ, có nhãn mác...
"Đó là về trước mắt, còn về lâu dài, ngành y tế mong muốn có đề án tiến tới để người dân có "Bữa ăn an toàn", vì quá trình an toàn thực phẩm là phải từ trang trại đến bàn ăn, bao gồm tất cả các khâu nuôi trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh, phân phối. Nhưng cái đích cuối cùng là mâm cơm của người dân phải an toàn, giúp họ khỏe mạnh, không bị mắc bệnh trước mắt và mãn tính. Tuy nhiên để đạt được điều này là cả một quá trình lâu dài và cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành. Bản thân chúng ta khi ra chợ cũng khó biết sản phẩm nào sạch, an toàn, chứ chưa nói đến người dân. Do vậy tốt nhất phải có sản phẩm có tem an toàn: Trứng có tem an toàn, rau được chứng nhận thương hiệu an toàn, trái cây có chứng nhận thương hiệu an toàn... ", Bộ trưởng khẳng định.
Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ ký kết với Mặt trận Tổ quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để phát động phong trào "Bữa ăn an toàn", đồng thời triển khai tập huấn và kết hợp với các bộ, ngành để tiếp tục đưa ra thị trường những thương hiệu, những sản phẩm có mác, tem an toàn. "Như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, qua quá trình chọn lọc tự nhiên sẽ bị đào thải, và cái đích đến là người tiêu dùng được đảm bảo an toàn", Bộ trưởng cho biết.
T.Anh