Quảng Ninh:

Hướng mở để quản lý người lao động nước ngoài

Quá nửa số lao động người nước ngoài đang làm việc tại Quảng Ninh chưa có giấy phép lao động khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh đã có thông báo đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, văn phòng đại diện và nhà thầu nước ngoài rà soát lại toàn bộ lao động là người nước ngoài tại đơn vị mình và phải tiến hành làm thủ tục xin cấp phép lao động cho những người chưa có giấy phép lao động theo quy định, nếu không cơ quan công an sẽ buộc phải xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật. 

* Nhà thầu trốn tránh làm thủ tục 

Hiện trong số 2.781 người nước ngoài đang lao động tại 72 đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, mới có 1.195 người có giấy phép lao động (chiếm 42%), còn lại số lao động chưa được cấp phép chủ yếu thuộc các nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện các dự án nhiệt điện ở đây. Kết quả đợt thanh tra vào giữa tháng 8 vừa qua tại 5 nhà thầu cho thấy, trong tổng số 1.613 lao động, chủ yếu là người Trung Quốc đang làm việc tại các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện thì có trên 1.100 lao động chưa làm thủ tục cấp phép lao động (chiếm 74%). 


Bà Đỗ Thị Xanh, Trưởng Phòng quản lý lao động - tiền lương và BHXH (Sở Lao động Thương binh Xã hội - LĐTBXH) cho biết, nguyên nhân các nhà thầu Trung Quốc chậm trễ trong việc đăng ký cấp phép lao động tại các gói thầu nhiệt điện là thủ tục đăng ký cấp phép còn phức tạp, trong khi lượng lao động nước ngoài lại lớn, bên cạnh đó áp lực phải đảm bảo tiến độ thi công nên nhà thầu phía Trung Quốc thường cứ đưa người sang làm việc trước, thủ tục tính sau. Mỗi khi bị cơ quan quản lý lao động của tỉnh nhắc nhở thì các nhà thầu Trung Quốc luôn lắng nghe với tinh thần hợp tác cao, song ra về lại không triển khai gì. 

Theo quy định, chỉ những người lao động nước ngoài làm việc trên 3 tháng tại Việt Nam mới phải làm thủ tục đăng ký cấp phép. Để tránh phải đăng ký cấp phép, nhiều nhà thầu đã nhờ chủ đầu tư lập danh sách bảo lãnh lao động một đợt 3 tháng với cơ quan chức năng. Và khi được bảo lãnh thì việc cấp phép của sở LĐTBXH xem ra không còn hiệu quả nữa. Thậm chí, để lách luật, nhiều đơn vị đã vận dụng “chiêu” đưa lao động vào Việt Nam làm việc gần 3 tháng sau đó họ làm thủ tục xuất cảnh rồi nhập cảnh trở lại ngay. Chi phí và thời gian làm thủ tục xuất - nhập cảnh này đỡ tốn kém hơn nhiều lần so với việc làm thủ tục lao động theo đúng quy trình chuẩn. 

* Tháo gỡ vướng mắc 

Hậu quả của việc lao động nước ngoài làm việc không phép tại các doanh nghiệp trong nước là cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát được chất lượng lao động và khó khăn trong việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở địa phương. 

Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Quảng Ninh cho biết: Sở luôn tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, nhà thầu nước ngoài đến đăng ký, làm thủ tục cấp phép lao động cho người lao động nước ngoài. Ông Tâm khẳng định: Không một trường hợp lao động hay nhà thầu nước ngoài nào gặp trở ngại về việc đăng ký cấp phép lao động. 

Thượng tá Nguyễn Xuân Lãm, Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh – Công an Quảng Ninh, cho biết: Công an tỉnh đã mở một trang web riêng với tên miền www.quangninh.xnc.vn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người lao động nước ngoài tự tìm hiểu thủ tục, tự khai đăng ký tạm trú và khai báo lao động. 

Mới đây nhất, Nghị định 46/2011/NĐ-CP s ửa đổi, bổ sung một số điều trong việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã đơn giản hóa việc làm thủ tục đăng ký cấp phép lao động theo đó, từ 1/8 người lao động nước ngoài chỉ cần mang theo lý lịch tư pháp, bằng chứng chỉ chuyên môn sang đăng ký với các cơ quan chức năng Việt Nam là có thể được cấp phép lao động. 

Tuy nhiên, để quản lý tốt hơn nữa người lao động nước ngoài tại các địa phương, Sở LĐTBXH Quảng Ninh đề nghị, ngay từ đầu các chủ đầu tư cần phải yêu cầu nghiêm ngặt phía các nhà thầu nước ngoài phải đăng ký lao động và làm thủ tục pháp lý đầy đủ trước khi đưa người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và cần có chế tài xử lý những nhà thầu vi phạm cam kết này./. 

Văn Đức - TTXVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN