Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết: Sau Kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, tình hình khiếu kiện ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, trong kỳ báo cáo có 33 đoàn khiếu kiện đông người, vượt cấp lên Trung ương.
Đáng chú ý là có 7 đoàn đông người mặc dù đã được các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương xem xét, rà soát lại theo Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ nhưng số công dân trên không đồng ý và tiếp tục khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, cần được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương có giải pháp để giải quyết dứt điểm. Trong đó có đoàn hơn 300 công dân (đại diện cho hơn 1.000 hộ dân) trú tại huyện KRông Pắc, tỉnh Đăk Lăk khiếu nại, kiến nghị liên quan đến việc thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi, địa chỉ tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk…
Qua rà soát, vẫn còn 63 người của 17 địa phương đang lưu trú tại thành phố Hà Nội để khiếu kiện, trong đó có 26 công dân của 3 đoàn khiếu kiện đông người và 37 công dân của 16 địa phương thường xuyên lưu trú dài ngày. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiên trì vận động, thuyết phục, nhưng các công dân này vẫn không trở về địa phương. Các cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 11 người ở tỉnh Đắk Nông về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” và yêu cầu hơn 50 người ở các địa phương cam kết không vi phạm quy định pháp luật khi thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo.
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết: Ban Dân nguyện đã tích cực, chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng ở Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tổ chức tiếp, đối thoại được với nhiều đoàn đông người. Đồng thời tích cực hướng dẫn, tuyên truyền, thuyết phục người khiếu kiện chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về tiếp công dân, không tập trung đông người di chuyển đến trụ sở các cơ quan ở Trung ương, nơi ở của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nên tình hình an ninh, trật tự cơ bản được bảo đảm.
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong tháng 7/2023 đã xảy ra 17 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến ô nhiễm môi trường tại 14 tỉnh, thành phố như: An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Trà Vinh đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu khắc phục hậu quả và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở có sai phạm. 5 vụ việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Một số vụ việc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp; liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn xây dựng chung cư, căn hộ khách sạn khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về bàn giao nhà đất, về chất lượng xây dựng, trốn tránh trách nhiệm bảo hành, không bàn giao quỹ bảo trì và việc quản lý, vận hành tòa nhà cho các hộ dân…. Trong đó, nổi lên 5 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.
Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng.
Ban Dân nguyện chủ động, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (nơi có vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài) thực hiện việc theo dõi, đôn đốc và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết, trả lời của các cơ quan có thẩm quyền và tổng hợp báo cáo tại Phiên họp định kỳ hằng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể đã được đề cập tại báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng.