Hệ thống bến xe Hà Nội: Cần quy hoạch chuẩn

Hệ thống bến xe tại Hà Nội đang tồn tại quá nhiều nghịch cảnh. Hầu hết các bến xe hiện có đều trong tình trạng nhếch nhác, quá tải; thành phố đầu tư bến mới cả trăm tỉ đồng, nhưng lượng khách đến “lèo tèo”; bến đông khách thì đang có nguy cơ phải chuyển đổi mục đích sử dụng; còn quy hoạch hệ thống bến xe thì vẫn đang chờ phê duyệt... Trong khi đó, nhu cầu vận tải hành khách và được sử dụng chất lượng dịch vụ hiện đại tại các bến xe của người dân không nhỏ. Vậy quy hoạch phải chờ đến khi nào và bến xe hiện đại, xứng tầm của thủ đô bao giờ thành hiện thực?

 

Quá nhiều bất cập


Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, thành phố hiện có 11 bến xe khách liên tỉnh, nằm dọc các đường vành đai, trục xuyên tâm của thành phố, gồm các bến xe: Phía Nam, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm, Lương Yên, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Đan Phượng, Thường Tín, Chúc Sơn, Hoài Đức. Tình trạng ùn tắc giao thông, phương tiện vận tải hành khách, nhu cầu đi lại của người dân không ngừng gia tăng... đang tạo áp lực cho các bến xe phải nâng cấp hoặc di dời ra ngoại thành để giảm áp lực giao thông cho nội đô. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện đang gặp phải nhiều rào cản từ kế hoạch đến quy hoạch.


 

Bến xe phía Nam luôn trong tình trạng nhếch nhác, quá tải.

 

Theo lãnh đạo Bến xe Phía Nam, do bến có vị trí khá thuận lợi, phục vụ chủ yếu cho hành khách đi chặng ngắn từ Hà Nội đi Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh... nên từ chỗ trước đây mỗi ngày bến chỉ có khoảng 300 - 400 lượt xe xuất bến, đến nay tần suất xe xuất bến đã tăng lên khoảng 800 lượt xe mỗi ngày, chỉ xếp sau Bến xe Mỹ Đình. Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù nhu cầu đi, đến qua bến ngày càng lớn, phương tiện hoạt động không ngừng gia tăng, nhưng cơ sở hạ tầng của bến hầu như không được nâng cấp từ cả chục năm nay. Những ý tưởng như xây nhà chờ cho hành khách, sắp xếp điểm dừng đỗ cho taxi, xe buýt, “xe ôm” hoạt động quy củ, thiết kế luồng tuyến ra vào hợp lý... đến nay chỉ dừng lại ở ý tưởng.


Bến xe Gia Lâm hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, luồng tuyến ra vào bến hết sức khó khăn do nằm ở vị trí không thuận lợi. Do nằm trên tuyến phố khá nhỏ Ngô Gia Khảm, nên chỉ cần một xe khách ra vào bến gặp taxi chạy ngược chiều là tình trạng ùn tắc ngay lập tức xảy ra. Bến xe Mỹ Đình dù mới xây dựng năm 2004, song hiện nay bến đã không còn sức để gánh thêm xe tăng cường, vì có tới hàng nghìn lượt xe ra vào mỗi ngày. Hai bến xe “xã hội hóa” (Nhà nước và doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng) của thủ đô là Lương Yên và Nước Ngầm thì đang trong tình trạng sống “ngắc ngoải”, mặc dù lãnh trách nhiệm giảm tải cho các bến xe chính, nhưng thực tế thì không đủ sức vì quá chật hẹp, thêm vào đó còn góp sức cho tình trạng ùn tắc giao thông của thủ đô. Riêng Bến xe Lương Yên đang chờ đến ngày chuyển đổi mục đích sử dụng.


 

Bến xe khách Mỹ Đình. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

 

Trong khi đó, Bến xe Yên Nghĩa được đầu tư xây dựng hàng trăm tỉ đồng, đưa vào sử dụng từ năm 2010, trở thành bến xe hiện đại, khang trang nhất thủ đô hiện nay, nhưng lại không thu hút được hành khách. Bến xe Yên Nghĩa được xây dựng trên diện tích rộng gần 7 ha, cách Bến xe Hà Đông cũ khoảng 4 km về phía Hòa Bình, giáp với Quốc lộ 6 và đường vành đai 4, với đầy đủ chức năng bến động, bến tĩnh, hệ thống nhà điều hành, sân đỗ xe lưu bến, công trình phụ trợ, cây xăng, dịch vụ... Tuy nhiên, sau khoảng 2 năm chính thức đi vào hoạt động, bến xe vẫn vắng hoe, mà nguyên nhân chính theo đánh giá của lãnh đạo bến là do bến nằm quá xa trung tâm thành phố, nên hành khách ngại đến.


Bất cập nhất hiện nay ở hầu hết các bến xe không chỉ là tình trạng quá tải, xuống cấp, mà là tình trạng xe ra vào các bến chen chúc không theo quy định nào, gây lộn xộn, mất an ninh trật tự. Xe nào cũng cố tình “câu giờ” trong sân, trước cổng để mời chào khách, chưa kể nhiều xe đường dài, xe chưa đến lượt chạy phải đỗ nhờ ở bến vận tải gần các bến xe. Thực tế này đang tạo điều kiện cho “xe dù, bến cóc” có đất phát triển, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

 

Cần có quy hoạch chuẩn


Bến xe là điểm đỗ cho phương tiện hoạt động vận tải đón trả hành khách, hàng hóa; là đầu mối chuyển tiếp vận tải ngoại, nội thị, địa điểm cố định được chính quyền sở tại cho phép, tuân thủ sự quản lý của Nhà nước và địa phương (nơi xuất phát và kết thúc). Hà Nội dù đã mở rộng với diện tích lên tới hơn 3.348 km2, nhưng hiện mới chỉ có 11 bến xe khách liên tỉnh hoạt động là quá thiếu so với nhu cầu. Ngoại trừ Bến xe Yên Nghĩa được đầu tư bài bản, hiện đại, thì những bến xe cũ đều đã được xây dựng từ cách đây trên dưới 20 năm, 2 bến xe Lương Yên và Nước Ngầm thì được xây dựng trên nền đất là tài sản của doanh nghiệp, bị bó buộc bởi mặt bằng hạn hẹp, nên việc mở rộng nâng cấp là bất khả thi. Còn Bến xe Mỹ Đình hiện cũng đã quá tải vì tần suất xe xuất bến quá dày, không đảm bảo an toàn chặng tuyến. Như vậy, hệ thống bến xe hiện nay của Hà Nội vẫn dựa trên những cái đã có sẵn và hoàn toàn chưa có quy hoạch chuẩn.


Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Sở GTVT Hà Nội) hiện đã có đề án nghiên cứu, sắp xếp mạng lưới điểm đỗ, bến, bãi đỗ xe công cộng đến năm 2020 và đã được các cơ quan chức năng thành phố rà soát, đánh giá hiện trạng để tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại cho phù hợp với quy hoạch phát triển ngành GTVT và quy hoạch phát triển chung của thành phố trong tương lai. Theo đề án này, với một số bến xe khách nằm sâu trong khu vực nội đô không phù hợp với quy hoạch sẽ bị xóa bỏ hoặc chuyển đổi chức năng để xây dựng mới các bến xe đúng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GTVT và theo đúng quy hoạch khu vực ngoài vành đai 3. Từ năm 2011 - 2015, các Bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm sẽ được nâng cấp, cải tạo thành bến xe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế; các Bến xe Thường Tín, Hoài Đức không nằm trong quy hoạch, có vị trí không thuận lợi và hay gây ùn tắc giao thông sẽ chuyển đổi thành điểm đỗ xe và công trình dịch vụ công cộng. Các bến xe khác trong nội đô cũng sẽ được mở rộng, nâng cấp, cải tạo để đảm bảo nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa... Tuy nhiên, đến nay, đề án vẫn chưa được thực hiện và tiếp tục chờ các cơ quan có thẩm quyền quyết định.


Theo nhiều ý kiến của các chuyên gia giao thông, trước thực trạng hệ thống bến xe như hiện nay, đã đến lúc Hà Nội cần có một quy hoạch chuẩn về bến xe. Bến xe không thể như hiện nay, mà phải hoạt động đa phương thức, kết nối được với các hệ thống vận tải hiện đại sẽ được đầu tư xây dựng trong tương lai như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao... và nằm bên ngoài khu vực vành đai 3 (ưu tiên ở các cửa ô), nhằm tạo ra một hệ thống vận tải liên tục, xuyên suốt.


Theo Sở GTVT Hà Nội, trước mắt để giải quyết những tồn tại, bất cập của mạng lưới bến xe hiện nay, ưu tiên phát triển giao thông tĩnh, các bến xe hiện có sẽ tiếp tục duy trì hoạt động nhưng phải cải tạo, mở rộng để tăng quy mô khai thác, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại. Các bến xe nằm sâu trong nội đô, không phù hợp với quy hoạch để xây dựng mới các bến xe đúng tiêu chuẩn sẽ xóa bỏ hoặc chuyển đổi chức năng trong thời gian sớm nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN