Hải Phòng, Hải Dương tập trung phòng chống bão

Trước diễn biến phức tạp, di chuyển nhanh của bão số 4 (Mujigae) đang tiến vào Biển Đông và nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, hai tỉnh Hải Phòng, Hải Dương đã tập trung mọi nguồn lực để phòng chống bão.


Nông dân xã Tân Tiến (huyện Gia Lộc) khẩn trương gặt lúa trước bão. Mạnh Minh- TTXVN

Trên những cánh đồng ở các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc hai ngày nay, không khí thu hoạch lúa mùa đang rất khẩn trương, tích cực khi cơn bão số 4 đang tiến vào đất liền rất gần.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Phạm Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ) đã bắt đầu ra đồng gặt từ chiều 3/10, mặc dù lúa ruộng nhà ông chỉ mới chín khoảng 80%.

Cách đó không xa, vợ chồng ông Đoàn Văn Quang (cùng thôn Phạm Xá) đang ôm từng bó lúa chất lên xe kéo để đưa về điểm có máy tuốt lúa đợi sẵn cách đó vài trăm mét. Dừng tay chỉ về phía ruộng đang nhấp nhô ba bóng nón trắng lom khom, vợ ông Đoàn Văn Quang cho biết: “Nhà tôi ít người, bốn chị em phải tập trung gặt cho từng nhà một”.

Bị hối thúc bởi thời gian, hầu hết các gia đình đã dậy từ tờ mờ sáng và gặt đến tối mịt với hy vọng kịp đưa lúa về nhà trước khi bão đến. Vụ lúa Mùa này, gia đình ông Quang cấy 4 sào nhưng ruộng trũng không thuê máy gặt được, phải gặt tay, mấy anh chị em phải dậy từ 5 giờ sáng ra đồng gặt.

Ông Đoàn Văn Thảo, thôn Ngọc Lặc (xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ) có 7 sào. Ông Thảo cho biết, từ khi nghe tin có bão, hai hôm nay, ngày nào gia đình ông cũng dậy từ 3 giờ sáng để bắt đầu đi gặt và đến 7-8 giờ tối mới về nhà.

Ở xã Tân Tiến (huyện Gia Lộc), không khí thu hoạch cũng đang nhộn nhịp và hối hả. Nhiều xe kéo của nông dân xếp hàng ở trên những con đường nhựa chạy ra đồng để đón lúa từ ruộng lên.

Vụ Mùa này, gia đình bà Lê Thị Nhàn cấy 9 sào. Gia đình bà đã huy động 5 người đi gặt lúa chạy bão. Vừa quệt những giọt mồ hôi túa ra trên mặt sau khi gánh một gánh lúa từ ruộng lên để đưa về máy tuốt lúa, con trai bà Nhài kể, đến chiều muộn ngày 4/10 đã gặt được 5 sào.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Hải Dương, cơn bão số 4 được dự báo là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, vì vậy, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương ngay từ 2/10 đã gửi công điện khẩn yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch nhanh, gọn lúa vụ Mùa và cây rau màu đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Thống kê mới nhất, Hải Dương mới gặt được trên 16.200 ha trong tổng số diện tích hơn 60.800 ha lúa vụ Mùa.

Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lộc cho biết: “Sau khi nhận được công điện khẩn, huyện đã có công văn hỏa tốc về các xã ngay trong chiều 2/10 yêu cầu Ủy ban Nhân dân các xã chỉ đạo hợp tác xã, trưởng thôn thông báo ngay cho bà con nông dân việc phải tập trung thu hoạch để phòng cơn bão”.

Vụ Mùa năm nay, Gia Lộc cấy khoảng 4.600 ha lúa và đến nay có 4 xã đã thu hoạch xong là Phạm Trấn, Đức Xương, Đồng Quang và Nhật Tân. Những xã còn lại đã gặt được 40%. Theo ông Tuấn, điều đáng lo ngại trong thời điểm bão sắp về không chỉ là tình hình thu hoạch lúa mà còn là nguy cơ bị ảnh hưởng với những diện tích cây vụ đông vừa mới trồng. Hiện nay Gia Lộc đã trồng được khoảng gần 800 ha cây vụ đông.

Tính chung toàn tỉnh, hiện nay tổng diện tích cây vụ đông đã trồng được 5.284 ha cây vụ đông với một số loại chủ yếu như su hào, bắp cải, su lơ, cà rốt, củ đậu, rau lá các loại. Trong đó, địa phương trồng nhiều nhất là huyện Kim Thành (1.300 ha) và Gia Lộc, Nam Sách (mỗi huyện khoảng 850 ha).

Với những diện tích này, theo bà Lương Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương), bà con cần chủ động khơi thông các rãnh trên ruộng và chủ động việc bơm tiêu úng cho đồng ruộng, khoanh vùng nhanh những diện tích bị ngập, sử dụng màng khum ni lông che chắn cho diện tích rau mới trồng.

Để sẵn sàng ứng phó với mưa bão, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Chi cục Thủy lợi và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương triển khai phương án chống úng, ưu tiên cho diện tích lúa mùa, rau màu chưa thu hoạch được, các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, khu nuôi cá lồng. Thành phố Hải Dương chủ động thực hiện phương án chống úng nội đô.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương cũng rà soát các công trình đê điều, thủy lợi, đặc biệt là các trọng điểm chống lụt, bão, các công trình đê điều mới xây dựng và đang bị sạt lở, chưa được xử lý, các hồ chứa, công trình đang thi công để có phương án ứng phó kịp thời…

*Ngày 4/10, Hải Phòng đã chỉ đạo tập trung tối đa nguồn lực sẵn sàng phòng chống bão, gần 43000 người đã được huy động, toàn bộ 3.700 phương tiện trên sông biển đã về nơi an toàn.

Đến 17 giờ cùng ngày, Hải Phòng không còn phương tiện di chuyển xa bờ, có hơn 2.700 phương tiện đã neo đậu tại bến, gần 700 nồng bè đã được chằng, neo an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố huy động lực lượng lớn nhất với hơn 10.000 người, 46 xe oto các loại, 18 tàu xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp... gia phòng chống bão,

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị sẵn sàng các phương án chống bão, ngập úng, sơ tán nhân dân trên các tàu thuyền, lồng bè và khu vực ven sông, ven biển, khu nhà cũ xuống cấp, xung yếu; khẩn trương thu hoạch lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; kiểm tra và thực hiện các biện pháp an toàn đê điều và các công trình đang thi công, nhất là cầu Đình Vũ - Cát Hải, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện và các cầu tàu, bến cảng, kho tàng, tàu vận tải, du lịch, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền….

Các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi bão số 4 đổ bộ.

Mạnh Minh, PV (TTXVN)
Chủ động đối phó với bão số 4
Chủ động đối phó với bão số 4

Do ảnh hưởng của bão số 4, vùng biển khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8. Từ đêm 4/10 đến trưa 6/10, mưa lớn tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng với tổng lượng mưa từ 100-200mm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN