Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cùng chung quan điểm cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung là rất cần thiết. Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội cùng với sở, ngành, địa phương liên quan cần làm rõ kết quả 10 năm thực hiện việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và công trình xây dựng trước năm 1954, trong đó, phân tích rõ nguyên nhân việc cải tạo, phục hồi các công trình chậm tiến độ.
Theo các đại biểu, để triển khai cải tạo, phục hồi thành công thì phải tạo được sự đồng thuận của người dân, tháo gỡ các khó khăn có tính chất mấu chốt như: thiếu kinh phí, thời gian và nhân lực. Ngoài ra, về cơ chế, nên có chính sách phân quyền cho các quận, điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các quận, huyện để các quận, huyện có nguồn lực cải tạo, phục hồi các nhà cổ, biệt thự cũ trên địa bàn; làm rõ tỷ lệ đóng góp kinh phí cải tạo, sửa chữa giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp và có phương án quản lý sử dụng chính thức và công khai, minh bạch.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, việc triển khai đề án, nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND thành phố về cải tạo, phục hồi các nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình xây dựng có giá trị, trước năm 1954 trên địa bàn đang triển khai có bước tiến lớn. Thành phố đã ban hành đề án và 6 kế hoạch triển khai đề án, các quận có chung cư cũ đang triển khai đồng loạt công tác kiểm đếm, quy hoạch để tiến tới thiết lập chủ trương đầu tư dự án.
Bên cạnh việc làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm liên quan tới một số biện pháp cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng, trước năm 1954, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thêm, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, thành phố sẽ xem xét điều chỉnh nội dung tờ trình ngắn gọn, súc tích, đánh giá được các nội dung triển khai.
Đồng tình và ủng hộ việc sửa đổi Khoản 2, Điều 10, Nghị quyết 17/2013/NQ-HĐND, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho rằng, bên cạnh mong muốn sửa đổi tổng thể hoặc lui thời gian chờ Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành thì những nội dung có thể thực hiện trước nên tháo gỡ ngay.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sắp xếp lại các văn bản trình tại kỳ họp đảm bảo tính khoa học, đúng với các quy định hiện hành; đồng thời, rà soát lại các luật sắp ban hành để cập nhật, đảm bảo “tuổi thọ” của nghị quyết dài hơn và sát thực tiễn. Ngoài ra, việc triển khai sửa chữa, cải tạo các công trình phải đảm bảo công khai, minh bạch và làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cùng tham gia tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, trong đó, nhấn mạnh vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.
Theo Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội, sửa đổi Khoản 2, Điều 10 của Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND, ngày 23/7/2013, cụ thể: “2. Trên cơ sở phân nhóm tại Khoản 1 Điều này, UBND thành phố quyết định các trường hợp là nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm cần cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng lại, sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND thành phố”.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.216 công trình nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, với đa dạng hình thức sở hữu; khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND, ngày 4/4/2023 về khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng 1.216 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác; Kế hoạch số 114/KH-UBND, ngày 4/4/2023 về thiết lập hồ sơ quản lý, cơ sở dữ liệu, số hóa 3D đối với 222 biệt thực thuộc nhóm 1 và phần mềm quản lý 1.216 nhà biệt thự.
Việc tổ chức thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố thời gian qua còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu là do chưa thống nhất việc áp dụng quy định của pháp luật trong công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện kiểm định, lập quy hoạch; chưa hoàn thành công tác kiểm định, lập quy hoạch, xác định phạm vi ranh giới dự án; chưa hoàn thành di dời các hộ dân ra khỏi nhà nguy hiểm; một số quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, ngày 15/7/2021 của Chính phủ còn nhiều điểm cần được hướng dẫn, làm rõ để áp dụng thống nhất, đồng bộ, đồng thời phù hợp với thực tế quản lý ở từng địa phương và hiện trạng của từng nhà chung cư…
Về việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc còn gặp khó khăn do hình thức sở hữu đa dạng nên đòi hỏi phải xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách giải quyết hài hòa, thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của các chủ thể có liên quan; một số công trình nhà biệt thự đã bị biến dạng về hình thức kiến trúc, kết cấu do tình trạng tự ý cải tạo, xây dựng. Một số chính quyền cấp quận, phường chưa kịp thời xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng, thiếu hồ sơ xử lý… Thêm vào đó, một số quy định của thành phố đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hoặc qua quá trình triển khai, bộc lộ một số hạn chế, bất cập, nhưng chưa được kịp thời tổng kết, đánh giá, chưa có biện pháp xử lý phù hợp.