Gỡ 3 nút thắt giải quyết việc làm cho người lao động

Quý I/2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Thực tế này cho thấy cần sớm gỡ các "nút thắt" để giải quyết việc làm cho người lao động.

Lao đao vì dịch COVID-19

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dịch COVID-19 trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, đồng thời buộc nhiều người phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức.

Quý I/2021, lao động có việc làm ở khu vực thành thị tăng 114.300 người so với quý IV/2020; giảm 90.200 người so với cùng kỳ năm trước. Ở khu vực nông thôn, số người có việc làm tăng 508.900 người so với quý IV/2020 và giảm 854.300 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 31,6% (tương ứng với hơn 17,05 triệu người); khu vực công nghiệp và xây dựng là 31,7% (tương ứng với 17,09 triệu người); khu vực dịch vụ là 36,7% (tương ứng với 19,81 triệu người). Tính chung đến nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người, giảm 1,3 triệu; trong đó, số lao động có việc làm phi chính thức là 20,9 triệu người, tăng 233.000 người so với quý IV/2020.

Chú thích ảnh
Người lao động làm việc trong các dây chuyền sản xuất tại nhà máy bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Thống kê chỉ ra, dịch bệnh khiến tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng cao trong quý I/2021, trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây; các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp, trong đó có cả các biện pháp tinh giảm lao động (cắt giảm, nghỉ luân phiên…), tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. Điều này làm số lao động chính thức giảm và số lao động phi chính thức tăng, dẫn đến tình trạng tăng trở lại tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức sau nhiều năm liên tục giảm.

Dịch COVID-19 còn làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm ở các khu vực kinh tế. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,51%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,68%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,93%. Hơn một nửa số người thiếu việc hiện nay đang làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 53,7%, giảm 15,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,2%, tăng 10,7 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 26,1%, tăng 4,9 điểm phần trăm. Như vậy, tình trạng thiếu việc làm hiện nay không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, mà đang tăng lên ở cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Đối với lao động trong độ tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2020 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 2,87%; sơ cấp là 2,25%; trung cấp là 1,58%; cao đẳng là 1,52%; từ đại học trở lên là 1,04%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước Thu nhập bình quân/tháng từ công việc của người lao động quý I/2021 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212.000 đồng so với quý trước và giảm 108.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đáng quan ngại là số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2021 là gần 1,2 triệu người, giảm 60.100 người so với quý trước và tăng 136.800 người so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch COVID-19 đã làm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.

Mặc dù tăng cao hơn năm trước, nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị đã không vượt quá 4%, đạt muc tiêu như Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 85/2019/QH-14 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021. Chỉ tiêu này cùng với chỉ tiêu tăng trưởng GDP và các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác có thể được xem là bằng chứng quan trọng về thành công của Chính phủ trong nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Gỡ 3 "nút thắt"

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh COVID-19 làm tăng tỷ lệ người lao động bị mất việc làm, cần tập trung tháo gỡ 3 "nút thắt" để chủ động ứng phó, thích ứng với diễn biến mới của tình hình dịch, vừa kiểm soát dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. Trong đó tập trung cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời, nhằm kích thích nền kinh tế, cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập, mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Mặt khác, các địa phương tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức, nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Nút thắt quan trọng nhất hiện nay theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê là chú trọng đào tạo lại nguồn nhân lực, vì thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch vẫn có những diễn biến mới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Chất lượng nguồn lao động chưa cao sẽ là rào cản ngăn cách cơ hội thích ứng và bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới của thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu hơn 10.000 việc làm tại sàn giao dịch năm 2021
Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu hơn 10.000 việc làm tại sàn giao dịch năm 2021

Hơn 10.000 vị trí làm việc được giới thiệu tuyển dụng tại chương trình “Tiếp sức người lao động và sàn giao dịch việc làm năm 2021” do Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh (Yes Center) và Báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 3/4, tại Trung tâm Văn hóa Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN